Bướu cổ lành tính là bệnh thường gặp và chiếm 80% các loại bướu giáp. Mặc dù là lành tính không đe dọa đến tính mạng nhưng bướu có thể phát triển với kích thước lớn sẽ chèn ép lên các cơ quan gần tuyến giáp như thanh quản, thực quản, khí quản gây khàn tiếng, nuốt nghẹn, khó thở,…
Bướu cổ lành tính là gì?
Bướu cổ lành tính (y học gọi bướu giáp) là tình trạng các tế bào tuyến giáp phát triển quá mức hoặc không đồng đều, với biểu hiện kích thước tuyến giáp tăng lên, sưng to bất thường. Đây là một trong những dạng rối loạn tuyến giáp phổ biến, có thể điều trị bằng thuốc, phẫu thuật.
Nguyên nhân gây ra bướu cổ lành tính
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chức năng hoặc sự phát triển của tuyến giáp dẫn đến bướu cổ.
- Thiết hụt i-ốt: Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh bướu cổ trên toàn thế giới là thiếu i-ốt, ảnh hưởng đến 2,2 tỷ người trên toàn cầu. I-ốt cần thiết cho hoạt động sản xuất hormone tuyến giáp.
- Bệnh Graves: Dạng rối loạn tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch sản xuất một loại protein bắt chước TSH thúc đẩy tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone. Điều này dẫn đến cường giáp và tăng trưởng kích thước tuyến giáp.
- Nhân giáp: Do sự phát triển không đồng đều của các tế bào tuyến giáp tạo thành khối u, hầu hết lành tính. Một người có thể có một hoặc nhiều nhân giáp. Nguyên nhân của các nhân giáp không rõ ràng nhưng yếu tố di truyền có khả năng xảy ra. Ngoài ra, chế độ ăn uống, môi trường sống cũng tác động hình thành nhân giáp.
- Thai kỳ: Trong thời gian mang thai, cơ thể người mẹ sản xuất hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) khiến tuyến giáp hoạt động quá mức và hơi to ra.
- Viêm tuyến giáp: Do rối loạn tự miễn, nhiễm vi khuẩn, vi rút hoặc do thuốc khiến gây ra cường giáp, suy giáp.
Các yếu tố rủi ro dẫn đến bướu cổ lành tính
- Phụ nữ: Nhiều nguy cơ bị bướu cổ hoặc các rối loạn tuyến giáp khác, nhất là phụ nữ sau 40 tuổi, trong thời kỳ mang thai và mãn kinh, các vấn đề về tuyến giáp thường xảy ra hơn.
- Tiền sử gia đình: Nếu gia đình có người bị bướu cổ hoặc rối loạn tuyến giáp, những người còn lại có nguy cơ bị bướu cổ.
- Thuốc: Một số phương pháp điều trị y tế (amiodarone, pacerone, lithobid…) làm tăng nguy cơ mắc bướu cổ lành tính.
- Tiếp xúc bức xạ: Nguy cơ bị bướu cổ lành tính tăng lên khi bạn từng điều trị bằng bức xạ ở vùng cổ hoặc ngực.

Triệu chứng của bướu cổ lành tính
Dấu hiệu nhận biết bệnh thường gặp bau gồm:
- Vướng ở cổ: Bướu to thòng xuống dưới cổ khiến người bệnh cảm thấy vướng víu, khó chịu.
- Nuốt khó: Bướu chèn ép lên vùng thực quản làm ảnh hưởng đến việc ăn uống của người bệnh.
- Khó thở, nói khàn: Bướu to đè nén nén vùng khí quản, thanh quản khiến người bệnh khó thở, thay đổi giọng nói.
Bướu cổ lành tính có nguy hiểm không?
Hầu hết bướu cổ lành tính không nguy hiểm. Tuy nhiên, các bướu cổ lành tính có kích thước lớn cũng có thể dẫn đến tổn thương thần kinh (liệt dây thần kinh phrenic, hội chứng Horner và liệt dây thần kinh thanh quản tái phát). Các tổn thương này sẽ chấm dứt sau khi phẫu thuật tuyến giáp. Ngoài ra, tuyến giáp quá lớn chèn ép thực quản khiến người bệnh khó nuốt, ảnh hưởng đến việc ăn uống, thiếu chất dinh dưỡng.
Chẩn đoán bướu cổ lành tính
Các xét nghiệm được thực hiện trong chẩn đoán bệnh bướu cổ như sau:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra sự thay đổi của các hormon tuyến giáp.
- Siêu âm tuyến giáp được thực hiện để kiểm tra hình thái cấu trúc của tuyến giáp, từ đó tìm ra sự thay đổi bất thường.
- Sử dụng kim nhỏ chọc hút tuyến giáp để lấy mẫu kiểm tra, việc này để xác định bướu lành tính hay Ung thư tuyến giáp.
- Xạ hình tuyến giáp, đây là kỹ thuật xét nghiệm hiện đại và mới xuất hiện tại Việt Nam trong những năm gần đây. Hình ảnh sắc nét cho phép đánh giá chức năng tuyến giáp một cách toàn diện và giúp phát hiện ung thư tuyến giáp ngay ở giai đoạn khởi phát.
Phương pháp điều trị bệnh bướu cổ hiệu quả
Tùy thuộc vào thể trạng và mức độ của bệnh nhân mà có những biện pháp điều trị thích hợp. Tuy nhiên có 3 phương pháp chính như sau:
- Theo dõi: Với các khối bướu lành tính kích thước nhỏ, người bệnh chỉ cần theo dõi mà không cần điều trị.
- Uống thuốc: Tùy theo từng nguyên nhân, tình trạng bệnh mà có các loại thuốc điều trị khác nhau, như thuốc nội tiết tố tuyến giáp, ức chế thụ thể Beta, thuốc bổ sung iốt, kháng giáp, kháng sinh, thuốc corticoid, …
- Xạ trị tuyến giáp: Là phương pháp sử dụng i-ốt phóng xạ với mục đích làm giảm đi kích thước của tuyến giáp. Đây là phương pháp hiện đại, tuy rằng có giá thành cao nhưng hiệu quả điều trị rất tốt.
- Phẫu thuật tuyến giáp: Đây là phương pháp được ưu tiên để điều trị ung thư tuyến giáp. Tùy thuộc vào tình trạng mà bác sĩ sẽ quyết định, nếu K giáp gần như cắt bỏ toàn bộ hoặc nhân độc thì chỉ cắt một phần tuyến giáp độc.

Cách phòng tránh bướu cổ lành tính
Hầu hết các trường hợp bướu cổ lành tính đều có thể phòng ngừa bằng chế độ ăn đầy đủ i-ốt. Cụ thể, người bệnh cần chế độ ăn đầy đủ cá biển, nước mắm, muối i-ốt… và tránh dùng rau bắp cải, cải thảo, cần tây. Người dân nên thực hiện lối sống lành mạnh (không thức khuya, hạn chế uống rượu, bia, hút thuốc, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày). Việc nâng cao sức khỏe tổng thể, phòng tránh được nhiều bệnh: tiểu đường, bướu cổ, cường giáp…
Bướu cổ hầu hết là bệnh lành tính, khi được phát hiện và điều trị kịp thời thì tỷ lệ khỏi bệnh khá cao. Do đó nếu bệnh nhân phát hiện thấy bản thân có những dấu hiệu bất thường mà chúng tôi liệt kê trên bài viết thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám chính xác.