Bướu cổ dạng keo là một khối chứa đầy dịch lỏng trong mô tuyến giáp. Các khối có kích thước rất khác nhau từ khối nhỏ cho tới khối to – còn gọi là nang. Trong tuyến giáp, có thể có một hay nhiều bướu cổ dạng keo hoặc cũng có nhân đặc trong tuyến.
Bướu giáp keo là gì?
Bướu giáp keo là tình trạng tuyến giáp phì đại không kèm theo rối loạn chức năng tuyến giáp, bên trong bướu chứa dịch keo. Bệnh xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất của cơ thể. Lúc này, tuyến giáp bù đắp bằng cách mở rộng, khắc phục tình trạng thiếu hụt hormone tuyến giáp nhẹ.
Các loại bướu giáp keo
Bướu giáp keo thường có 2 loại:
- U nang giáp phức: Đây là dạng u nang giả khá phổ biến, chiếm tới 30%. Nang được hình thành sau một vài quá trình như thoái hóa, hoại tử, chảy máu từ nhân ở tuyến giáp. Dịch keo trong nang có thể là máu, dịch hoặc một vài mảnh tuyến giáp vỡ, hoại tử trong lòng nang.
- U nang giáp đơn: Loại này là một u nang thực sử của tuyết giáp. Tuy nhiên tình trạng này rất hiếm xảy ra. Ở dạng này, dịch keo lỏng, vách nang nhẵn có tổ chức tuyến giáp bình thường bao xung quanh.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bướu keo tuyến giáp thường là do thiếu iod. Khi được cung cấp iod đầy đủ, tuyến giáp sẽ lại sản xuất hormone bình thường. Bướu keo tuyến giáp thường không có triệu chứng điển hình. Chỉ khi kích thước của bướu quá lớn mới khiến người bệnh chú ý đến.
Những đối tượng dễ mắc bướu cổ dạng keo
Ai cũng có thể là đối tượng mắc bướu cổ dạng keo. Tuy nhiên, bệnh lý lại thường gặp ở một số đối tượng như:
- Người có tiền căn gia đình như cha mẹ, anh chị em có bệnh lý bướu giáp nhân hay ung thư nội tiết.
- Người lớn tuổi.
- Nữ giới.
- Người có tiền căn điều trị phóng xạ vùng cổ, đầu.
Do đó, những nhóm này nên khám bệnh tầm soát sức khỏe hàng năm để được phát hiện và điều trị sớm.

Triệu chứng bệnh bướu giáp keo
Các dấu hiệu của bệnh bao gồm:
- Tuyến giáp mở rộng: Chứa một nhân nhỏ hoặc nhiều nhân lớn.
- Khó thở: Xảy ra khi bướu keo to chèn ép khí quản.
- Khó nuốt: Do chèn ép vào thực quản.
- Bướu to có thể gây phồng căng tĩnh mạch cổ, dẫn đến hoa mắt, chóng mặt nhất là khi thực hiện tư thế giơ tay qua đầu.
Bướu giáp keo có nguy hiểm không?
- Ban đầu, có thể người bệnh chưa có triệu chứng gì, chức năng tuyến giáp bình thường.
- Về lâu dài, bướu giáp to lên gây chèn ép vào cổ làm cho người bệnh vướng cổ, nuốt nghẹn, thậm chí là khó thở.
- Chức năng tuyến giáp cũng bị ảnh hưởng, có thể cường giáp hoặc suy giáp.
- Với thời gian, các nang keo có thể bị calci hóa, chảy máu và tiến triển thành ung thư.
Vậy nên, bướu giáp keo là một bệnh lành tính nhưng có thể gây nguy hiểm cho người bệnh và cần được điều trị.
Phương pháp chẩn đoán bướu giáp keo
Các bất thường của tuyến giáp có thể được phát hiện qua khám bệnh (nhìn, sờ, nghe, hoặc một số nghiệm pháp đặc biệt), hoặc phát hiện sớm qua khám sức khỏe định kỳ. Sau đó bác sĩ có thể sử dụng một số xét nghiệm để chẩn đoán và đánh giá bệnh bướu cổ.
Các phương pháp chẩn đoán bao gồm:
- Siêu âm tuyến giáp: Thông qua kỹ thuật này, bác sĩ có thể “nhìn thấy” tuyến giáp, biết được kích thước, xem xét có hay không sự xuất hiện của bướu giáp keo và bướu ở dạng lan tỏa hay nốt.
- Xạ hình tuyến giáp: Kỹ thuật xem xét được kích thước, hình dạng và vị trí tuyến giáp; các khu vực tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc kém hoạt động.
- Chọc hút nang: Người bệnh sẽ được thực hiện sinh thiết tuyến giáp bằng kim nhỏ (FNA). Kỹ thuật viên sẽ lấy một mẫu mô/ tế bào, sau đó xem xét dưới kính hiển vi phòng thí nghiệm. Kỹ thuật này được thực hiện để loại trừ ung thư.
- Xét nghiệm kháng thể: Thông qua xét nghiệm máu, có thể tìm kháng thể (một loại protein được sinh ra bởi các tế bào bạch cầu) bất thường gây ra bướu cổ.
- Xét nghiệm hormone: Xem xét lượng hormone do tuyến giáp và tuyến yên sản xuất. Mức độ hormone quá thấp hoặc quá cao cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
- Quét tuyến giáp: Một lượng nhỏ đồng vị phóng xạ được tiêm vào tĩnh mạch để hình ảnh tuyến giáp hiện rõ trên màn hình máy tính. Thông qua hình ảnh thu được, bác sĩ sẽ biết được kích thước và chức năng của tuyến giáp. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ cần thiết trong một số trường hợp nhất định.

Biện pháp điều trị bướu giáp keo
Bệnh này tương đối dễ điều trị dứt điểm. Lựa chọn phương pháp điều trị thường phải dựa vào kết quả tế bào học. Mục tiêu chủ yếu của điều trị là giảm triệu chứng cho bệnh nhân, ngăn ngừa biến chứng, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng. Những cách thức điều trị hiện nay đối với bướu giáp keo là:
- Chọc hút dịch nang bằng kim.
- Phẫu thuật.
- Điều trị bằng hóa chất.
- Điều trị bằng xạ chất.
- Điều trị bằng tia laser.
- Làm xơ cứng nang giáp.
Tuy nhiên, không phải trường hợp bướu keo tuyến giáp nào cũng cần phải điều trị đặc biệt. Một số trường hợp nang nhỏ không triệu chứng và không có nguy cơ tiến triển nặng sẽ được theo dõi định kỳ.
Bướu cổ dạng keo là bệnh lý tương đối thường gặp trên thực tế. Đa phần trường hợp bệnh là lành tính, một số ít trường hợp là nang ác tính. Dù sao, cũng có nhiều phương pháp điều trị khác nhau phù hợp với từng người bệnh giúp điều trị triệt căn. Đừng nên lo lắng, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu có triệu chứng nghi ngờ để được tư vấn sớm.