Với khí hậu nhiệt đới ẩm của nước ta là môi trường cho các căn bệnh nấm da phát triển như: hắc lào, lang ben, nấm kẽ… Bệnh có thể lây từ người sang người, lây nhiễm từ bào tử nấm có trong không khí và môi trường xung quanh. Nếu trong gia đình có người bệnh cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ tránh lây nhiễm.
Nguyên nhân khiến bệnh nấm da là căn bệnh phổ biến
Yếu tố đầu tiên cần phải nói đến là khí hậu tại Việt Nam. Nước ta thuộc khu vực nhiệt đới nóng ẩm là điều kiện thích hợp cho các loại nấm da lây lan và phát triển.
Nấm là sinh vật bậc thấp không có chất diệp lục do đó chúng không thể tự tổng hợp chất hữu cơ như những loại thực vật thông thường, chính vì thế nó cần ký sinh vào vật chủ để sống sót. Vật chủ có thể là bất kỳ nguồn nào xung quanh chúng ta như: môi trường (không khí, cây cối, đất cát,..), động vật (chó, mèo,…) và có thể là cơ thể người. Do đó khả năng lây nhiễm bệnh là rất cao khiến nó trở thành căn bệnh phổ biến.
Ngoài ra, chế độ sinh hoạt không khoa học cũng tạo điều kiện cho nấm da phát triển, cụ thể như:
- Nấm da phát triển thuận lợi trong môi trường hơi kiềm có độ pH từ 7 đến 7,2.
- Vệ sinh không sạch sẽ dẫn đến bị nấm vùng kín, những nơi hay ra mồ hôi như kẽ tay kẽ chân, sử dụng xà phòng không đúng cách.
- Mồ hôi nhiều, ẩm ướt, mặc quần áo chật chội cùng với nhiệt độ từ 27 – 35 độ C cũng tạo điều kiện cho nấm phát triển.
- Sử dụng nhiều thuốc kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch hoặc phụ nữ bị rối loạn nội tiết.

Các bệnh nấm da thường gặp
Nhiều bệnh nấm da thông thường có thể ảnh hưởng đến da của bạn. Ngoài ra, một số khu vực nhiễm nấm cũng rất phổ biến khác là màng nhầy, nấm miệng. Dưới đây, là một số loại nhiễm nấm phổ biến nhất có thể ảnh hưởng đến da.
Nấm kẽ
Nấm bàn chân là những ban đỏ gây ngứa thường gặp ở giữa các ngón chân, còn gọi là nấm kẽ. Nguyên nhân gây ra bệnh lý da liễu này là một chủng nấm gây hắc lào và các vấn đề gây ngứa trên da khác. Điều kiện thuận lợi để nấm bàn chân phát triển là môi trường ẩm mốc. Do đó, bạn dễ mắc nhiễm trùng do nấm nếu thường xuyên mang giày, tất ẩm ướt hay khi bàn chân tiếp xúc trực tiếp với nền nhà tắm, vệ sinh công cộng không đảm bảo vệ sinh thường xuyên.
Lang ben
Lang ben là một nhiễm trùng nấm trên da quen thuộc với người Việt, bởi đây là một nhiễm trùng được gây ra bởi một loài nấm da ưa mỡ. Do đó, lang ben thường xuất hiện trên da vùng cổ da đầu, lưng, ngực, cánh tay và lan ra toàn cơ thể. Ở các nước nhiệt đới như Việt Nam, lang ben phổ biến đến mức 30-40% dân cư ở các khu vực này đều bị một lần trong đời. Biểu hiện điển hình của bệnh lang ben là những mảng thay đổi sắc tố da (sậm màu hay nhạt màu hơn), thỉnh thoảng có viêm đỏ nhẹ.
Hắc lào trên da đầu
Hắc lào được xếp vào hàng 5 loại nấm da đầu phổ biến tại các nước nhiệt đới. Bệnh hắc lào trên da đầu là một nhiễm trùng nấm trên da đầu và chân tóc, phổ biến ở trẻ nhỏ trong độ tuổi biết đi đến đi học. Đây là một bệnh lý da liễu do một loại nấm mốc thuộc nhóm nấm dermatophytes gây ra.
Trẻ em bị hắc lào da đầu thường có triệu chứng ngứa da đầu, xuất hiện những vòng tròn hình nhẫn xung quanh là những mụn nước nhỏ. Sau đó, các vòng tròn này sẽ lan rộng và kết vảy thành mảng. Tóc ở khu vực nhiễm hắc lào giòn và dễ gãy rụng hơn. Khi bệnh tiến triển, những mảng da đầu sẽ bong tróc kèm theo tóc tạo thành những mảng lởm chởm “nhẵn trụi” trên đầu tóc trẻ.
Nấm da đầu
Nhiễm nấm da đầu ảnh hưởng đến da đầu và các sợi tóc. Bệnh phổ biến nhất ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng có thể bao gồm rụng tóc đến xuất hiện các mảng hói cục bộ, da đầu có thể có vảy hoặc sẩn hồng ban, có thể kèm cảm giác đau, ngứa trong các mảng da bị nấm.
Nấm móng
Nấm móng là một nhiễm trùng do nấm gây ra trên móng tay, đôi khi là móng chân. Triệu chứng phổ biến là sự sậm màu móng từ vàng đến nâu, móng dày lên, giòn và dễ vỡ vụn. Nấm có thể lây lan sang các vùng da trên ngón tay, ngón chân và thể hiện các triệu chứng như nhiễm nấm kẽ.
Trong trường hợp bệnh nhân suy giảm miễn dịch như HIV, bệnh đái tháo đường… nấm móng có thể lây lan nhanh chóng. Nếu tiến triển nghiêm trọng, bác sĩ có thể phải chỉ định cắt bỏ móng và ngón tay, ngón chân bị ảnh hưởng bởi nấm.

Cách phòng ngừa bệnh nấm da
Do nấm thích môi trường ẩm ướt và nhiều mồ hôi và rất dễ tái phát, nên có thể cố gắng ghi nhớ những mẹo sau để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng da do nấm:
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân: rửa tay, chân thường xuyên và luôn giữ chúng khô ráo, thoáng mát. Không mang tất hay giày bó sát. Thường xuyên vệ sinh tất, giày và không đi chân trần nơi công cộng.
- Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn, tất…
- Gội đầu và cắt móng tay, móng chân thường xuyên.
- Giữ gìn vệ sinh nơi ở, nơi sinh hoạt chung đặc biệt là nhà tắm, phòng tập thể dục, phòng thay đồ.
- Mặc quần áo sạch mỗi ngày, đặc biệt là tất và quần áo lót.
- Chọn quần áo và giày dép thoáng khí. Tránh mặc quần áo hoặc giày quá chật.
- Đảm bảo lau khô cơ thể đúng cách bằng khăn sạch, khăn khô sau khi tắm hoặc bơi.
- Mang dép hoặc dép xỏ ngón trong phòng thay đồ thay vì đi bằng chân trần.
- Lau sạch các bề mặt dùng chung như thiết bị tập thể dục hoặc thảm.
- Tránh xa những động vật có dấu hiệu nhiễm.
- Giáo dục con trẻ, tạo nên thói quen giữ gìn vệ sinh chung và riêng. Đồng thời, dạy cho trẻ biết về 5 bệnh nấm da thường gặp bao gồm triệu chứng và nguy cơ lây nhiễm bệnh để nâng cao ý thức phòng bệnh của trẻ.
Nấm da là căn bệnh thường gặp và lây lan, tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Nên tiến hành điều trị kịp thời để không ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày, chấm dứt mối hệ lũy của bệnh.