Thận là cơ quan đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng trong cơ thể giúp cơ thể duy trì sự sống. Các bệnh thận thường gặp ở thận sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống, thậm chí là tính mạng của bệnh nhân nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Dưới đây là những căn bệnh nguy hiểm về thận, chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân và sự nguy hiểm của chúng mang lại nhé!
Bệnh suy thận
Suy thận là tình trạng bệnh lý suy giảm chức năng thận bao gồm chức năng lọc máu, đào thải các chất độc hại qua đường tiểu và chức năng sản xuất 1 số hormon. Bệnh suy thận được chia làm 2 loại chính là suy thận cấp và suy thận mạn:
- Suy thận cấp là suy thận xảy ra trong thời gian ngắn, trước đó chưa từng xảy ra hoặc đã xảy ra nhưng chữa khỏi được.
- Suy thận mạn tính là suy thận xảy ra trong thời gian dài trên 3 tháng, các tế bào thận bị teo không hồi phục được.
Các biện pháp điều trị chỉ giúp làm chậm tiến triển và ngăn ngừa biến chứng của suy thận mạn. Và khi chức năng thận suy giảm tới 90%, người bệnh cần được điều trị thay thế thận bằng chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận.
Nếu không thực hiện điều trị, thận cuối cùng sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn. Mất chức năng thận (thận không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể) có thể dẫn tới tử vong.
Nguyên nhân gây suy thận
- Nguyên nhân gây suy thận cấp: Chấn thương gây mất máu, phì đại tuyến tiền liệt, mất nước, tổn thương thận từ nhiễm trùng huyết, tổn thương thận sau khi sử dụng một số loại thuốc hoặc chất độc, biến chứng thai kỳ (sản giật và tiền sản giật).
- Nguyên nhân gây suy thận mạn: Ảnh hưởng của các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, bệnh thận đa nang, viêm ống thận mô kẽ, tắc nghẽn đường tiết niệu kéo dài (do phì đại tuyến tiền liệt, sỏi thận hoặc một số bệnh ung thư), viêm đài bể thận tái phát nhiều lần, trào ngược bàng quang niệu quản (nước tiểu trào ngược lên thận).
Biến chứng của bệnh suy thận
- Giữ nước, có thể dẫn tới phù các chi, tăng huyết áp, phù phổi cấp.
- Thiếu máu, tăng kali máu, có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
- Dẫn tới bệnh tim mạch, làm xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương.
- Giảm ham muốn tình dục hoặc bất lực.
- Gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, dẫn tới khó tập trung, co giật hoặc thay đổi tính cách.
- Cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn do suy giảm phản ứng miễn dịch.
Viêm cầu thận
Viêm cầu thận là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận, bao gồm viêm ở các tiểu cầu thận và các mạch máu trong thận. Viêm cầu thận gây ra các biểu hiện như phù, tăng huyết áp, thiếu máu, thay đổi thành phần nước tiểu,…
Viêm cầu thận gồm 2 thể là viêm cầu thận cấp tính và viêm cầu thận mạn tính.
- Viêm cầu thận cấp là tình trạng viêm cấp tính tại cầu thận, xuất hiện sau khi nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A do nhiễm khuẩn ngoài da hoặc sau viêm họng, có thể hồi phục hoàn toàn sau 4 – 6 tuần điều trị.
- Viêm cầu thận mạn là tình trạng viêm mạn tính tại cầu thận, tiến triển qua nhiều tháng, nhiều năm, dẫn đến xơ teo cả 2 thận, không hồi phục được kể cả khi đã điều trị tích cực.
Nguyên nhân gây bệnh viêm cầu thận
- Viêm họng hay nhiễm khuẩn ngoài da do liên cầu khuẩn tan máu beta nhóm A ở một số type – là nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm cầu thận cấp.
- Lupus ban đỏ hệ thống.
- Đái tháo đường.
- Bệnh thận IgA.
- Xơ hóa cầu thận khu trú.
- Tăng huyết áp không kiểm soát.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc, hóa chất.
- Nguyên nhân khác: Viêm mạch nhỏ dạng nút, viêm cầu thận trong bệnh Osler,…
Sự nguy hiểm của bệnh
Các tình trạng có thể gặp phải như: Tăng sinh, phù nề, xuất tiết và hoại tử hyalin, xơ hóa một phần hoặc toàn bộ cầu thận. Bệnh tiến triển mạn tính qua nhiều tháng, nhiều năm dẫn đến xơ teo cả 2 thận.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới suy thận, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, thậm chí gây tử vong.
Bệnh sỏi thận
Sỏi thận còn được gọi là sạn thận, là bệnh xảy ra khi các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, niệu quản, bàng quang,… hình thành những tinh thể rắn. Kích thước của sỏi thận có thể lên tới vài cm. Những viên sỏi thận có kích thước nhỏ có thể được tống ra ngoài khi đi tiểu. Tuy nhiên, những viên sỏi lớn hơn khi di chuyển trong thận, bàng quang, niệu quản,… có thể gây cọ xát, dẫn tới tổn thương, thậm chí làm tắc đường dẫn nước tiểu và gây ra nhiều hậu quả khôn lường.
Nguyên nhân dẫn tới có sỏi ở thận
- Dùng thuốc tùy tiện, lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài.
- Thói quen ăn mặn, nhiều dầu mỡ.
- Thói quen uống ít nước, không đủ nước cho thận lọc và đào thải chất khoáng ra ngoài.
- Mất ngủ kéo dài khiến mô thận không được tái tạo, tổn thương nặng hơn, dễ dẫn tới sỏi thận.
- Nhịn ăn sáng khiến dịch mật tích tụ trong túi mật và đường ruột, dẫn tới sỏi thận.
- Nhịn tiểu khiến các chất khoáng không được đào thải, lắng đọng trong thận gây sỏi thận.
Bệnh viêm thận bể thận cấp
Viêm thận bể thận cấp là nhiễm khuẩn tiết niệu trên, gồm nhiễm khuẩn cấp tính các đài thận, bể thận, niệu quản và nhu mô thận. Viêm thận bể thận dễ xuất hiện sau nhiễm khuẩn tiết niệu dưới, sau phẫu thuật hệ tiết niệu, tắc nghẽn đường niệu (do sỏi, khối u, xơ sau phúc mạc, có thai, hẹp bể thận niệu quản), có ổ viêm khu trú (viêm bàng quang, viêm trực tràng, viêm ruột thừa, viêm tuyến tiền liệt,…).
Nguyên nhân gây bệnh
Do vi khuẩn gram âm, phổ biến là Escherichia coli (70-80%) và một số vi khuẩn gram âm khác gồm Proteus mirabilis, Klebsiella, Enterobacter…
Ngoài ra, vi khuẩn Gram dươngcũng có khả năng là một tác nhân gây bệnh nhưng ít gặp hơn (dưới 10%) như Enterococcus, Staphylococcus…
Biến chứng viêm thận bể thận cấp
Viêm thận bể thận là bệnh cấp tính, có biểu hiện nhiễm trùng rầm rộ. Bệnh cũng đáp ứng khá tốt với điều trị kháng sinh. Nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tích cực, bệnh có thể khỏi hẳn sau 10 – 14 ngày. Tuy nhiên, nếu điều trị muộn hoặc không đúng, bệnh dễ tái phát, chuyển thành mạn tính, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, suy thận cấp, ứ mủ thận, hoại tử nhú thận, tăng huyết áp,… có thể dẫn tới tử vong.
Hội chứng thận hư
Hội chứng thận hư là một rối loạn ở thận làm cơ thể bài tiết quá nhiều protein qua nước tiểu. Triệu chứng gồm có phù toàn thân tăng dần, tăng cân, tiểu ít. Tình trạng bệnh mạn tính cần điều trị lâu dài. Bệnh và điều trị gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân thận hư
- Thận hư nguyên phát do tổn thương ở cầu thận làm suy giảm chức năng thận;
- Thận hư thứ phát – thận hư nhiễm mỡ do các bệnh hệ thống như tiểu đường, lupus ban đỏ, rối loạn hệ miễn dịch, nhiễm trùng và tác động của một số loại thuốc điều trị ung thư.
Sự nguy hiểm của bệnh
Sự mất protein có thể gây ra một loạt các vấn đề như:
- Phù: Giảm protein máu có thể dẫn tới tình trạng giảm sức kéo và giữ nước từ các mô kẽ vào trong lòng mạch, gây ứ nước ở mô kẽ, hậu quả là dẫn đến phù. Tình trạng này thường tiến triển ở quanh mắt, mu bàn chân – cẳng chân rồi mới đến các phần còn lại trên cơ thể.
- Nhiễm trùng: Một số loại protein đặc biệt trong máu đóng vai trò là kháng thể, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Đối với hội chứng thận hư, những protein này bị mất đi, bệnh nhân (nhất là trẻ em) dễ bị nhiễm trùng, thường thấy mệt mỏi, ốm yếu, ăn uống kém đi.
- Thay đổi trong nước tiểu: Đôi khi sự tăng cao thành phần protein vào nước tiểu có thể làm cho nước tiểu trở nên đục, như xuất hiện bọt, một vài bệnh nhân sẽ đi tiểu ít hơn bình thường trong suốt thời gian bệnh.
- Cục máu đông: Những protein đóng vai trò quan trọng để ngăn chặn sự hình thành cục máu đông trong cơ thể có khả năng bị thất thoát qua nước tiểu ở bệnh nhân bị hội chứng thận hư. Điều này dẫn đến tăng nguy cơ gây ra cục máu đông, rất nguy hiểm đối với sức khỏe tim mạch.
Ung thư thận
Ung thư tế bào thận đứng hàng thứ 2 trong các bệnh ác tính hệ tiết niệu và chiếm 1-2% toàn bộ các loại ung thư ở người lớn và có tỷ lệ tử vong cao nhất.
Bệnh thường gặp ở nam giới với tỷ lệ nam/nữ = 2/1. Nhóm tuổi cao nhất bị bệnh là 60-70 tuổi. Ung thư thận rất hiếm gặp ở bệnh nhân dưới 50 tuổi.
Nguyên nhân gây ung thư thận
U thận mới đầu ở nhu mô, khối ung thư to dần, phá vỡ bao thận và lan ra ngoài tới lớp mỡ quanh thận, xâm lấn các tạng gần như đại tràng, gan.
Hiện, nguyên nhân gây ung thư thận vẫn chưa được xác định rõ ràng. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:
- Hút thuốc lá.
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại.
- Thừa cân, béo phì.
- Mắc bệnh thận giai đoạn cuối có lọc máu.
- Sử dụng thuốc giảm đau kéo dài.
- Yếu tố di truyền.
Điều trị ung thư thận
- Ung thư thận giai đoạn sớm (1, 2): Phẫu thuật cắt bán phần hoặc toàn bộ thận, có thể cắt tuyến thượng thận. Bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng kỹ thuật điều trị xâm lấn tối thiểu bằng nhiệt để tiêu diệt khối u.
- Ung thư thận giai đoạn 3: Phẫu thuật cắt bỏ khối u thần kèm điều trị toàn thân bổ trợ. Nếu có thể sẽ cắt khối u di căn xa để giảm triệu chứng khó chịu.
- Ung thư thận giai đoạn cuối: Điều trị phẫu thuật giải phóng chèn ép nếu có, xạ trị giảm đau và chống chèn ép, giảm đau, điều trị đích và điều trị miễn dịch.
Hầu hết các bệnh thường gặp ở thận đều diễn biến âm thầm, người bệnh có thể không nhận ra cho tới khi bệnh diễn tiến nặng. Do đó, những người có nguy cơ cao mắc bệnh thận nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc kiểm tra khi có triệu chứng cảnh báo bệnh thận để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.