HIV là bệnh gì?
HIV là hội chứng suy giảm miễn dịch do một loại virus có tên là HIV gây ra. Bệnh chủ yếu lây qua đường tình dục, máu và mẹ truyền qua con.
HIV có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, do đó cho phép các bệnh cơ hội, vi khuẩn, virus khác tấn công cơ thể bạn. Không giống như các virus khác, virus HIV sẽ tồn tại trong cơ thể con người suốt đời.
Sau nhiều tháng hoặc nhiều năm nhiễm HIV, người bệnh sẽ phát triển hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). AIDS là giai đoạn cuối của bệnh HIV và được tạo ra bởi sự phát triển của các bệnh khác, chẳng hạn như ung thư và nhiều bệnh nhiễm trùng. AIDS là biểu hiện khi hệ thống miễn dịch của cơ thể của bạn quá yếu. Bệnh do virus HIV gây ra gọi chung là HIV/AIDS.
Vì sao nên thực hiện xét nghiệm HIV?
Có thể nói, xét nghiệm HIV là cách duy nhất giúp xác định chắc chắn rằng bạn đã bị nhiễm HIV hay chưa. Những người trong nhóm có nguy cơ cao bị nhiễm HIV nên đi kiểm tra, xét nghiệm HIV thường xuyên hơn.
Nếu bạn đã làm xét nghiệm và nhận được kết quả âm tính với HIV từ hơn một năm trước, nhưng vẫn liên quan đến những hoạt động dưới đây thì bạn nên đến cơ sở y tế xét nghiệm càng sớm càng tốt vì nguy cơ nhiễm vi rút HIV của bạn vẫn rất cao:
- Quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su qua đường âm đạo hoặc hậu môn với người bị nhiễm HIV.
- Quan hệ tình dục không lành mạnh với nhiều người khác nhau kể từ lần xét nghiệm HIV cuối cùng.
- Tiêm chích ma túy, dùng chung bơm kim tiêm và các đồ dùng cá nhân với người khác.
- Đã được chẩn đoán hoặc đang được điều trị cho một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
- Được chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan hoặc bệnh lao.
Bạn nên làm xét nghiệm HIV ít nhất mỗi năm một lần nếu như vẫn thực hiện một trong số những hoạt động trên. Trong trường hợp đang mang thai, bạn nên báo với bác sĩ khi làm xét nghiệm để nhận được sự tư vấn cũng như đưa ra các biện pháp giúp bạn và con không bị nhiễm HIV.
Các loại xét nghiệm HIV
Các loại xét nghiệm HIV gồm 3 loại xét nghiệm chính, bao gồm:
- Xét nghiệm axit nucleic (NAT).
- Xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể.
- Xét nghiệm kháng nguyên.
Xét nghiệm HIV thường được thực hiện trên mẫu máu hoặc dịch miệng, đôi khi là mẫu nước tiểu.
Xét nghiệm axit nucleic (NAT)
Xét nghiệm NAT giúp xác định virus HIV có thực sự ở trong máu hay không. Xét nghiệm có thể cho kết quả dương tính/âm tính hoặc một lượng virus có trong máu (được gọi là xét nghiệm tải lượng virus HIV). Nhìn chung, loại xét nghiệm này khá tốn kém, và nó không được sử dụng thường xuyên cho việc sàng lọc với mục đích cá nhân, trừ trường hợp bạn có nguy cơ cao phơi nhiễm HIV hoặc xuất hiện sớm các triệu chứng HIV.
Xét nghiệm NAT thường đem lại kết quả khá chính xác trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh. Tuy nhiên, để giúp bác sĩ hiểu rõ kết quả âm tính khi xét nghiệm, tốt nhất bạn nên làm thêm xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể. Thêm vào đó, độ chính xác của xét nghiệm này có thể giảm đi nếu bạn dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) hoặc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP).
Xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể
Xét nghiệm này cho phép tìm kiếm cả kháng nguyên và kháng thể HIV. Các kháng thể được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với vi khuẩn hoặc virus như HIV. Kháng nguyên là những chất lạ, chúng xâm nhập vào cơ thể và kích hoạt hệ thống miễn dịch tự nhiên của bạn. Nếu bạn bị nhiễm HIV, một kháng nguyên có tên P24 được tạo ra ngay cả trước khi kháng thể phát triển.
Xét nghiệm kháng thể
Xét nghiệm kháng thể là loại xét nghiệm HIV nhanh và có thể thực hiện tại nhà. Xét nghiệm giúp tìm kiếm các kháng thể HIV trong máu hoặc dịch tiết cơ thể.
Để phát hiện HIV sớm hơn, bạn có thể làm xét nghiệm kháng thể thông qua sử dụng máu từ tĩnh mạch thay vì thực hiện các xét nghiệm với mẫu máu hoặc dịch tiết cơ thể.
- Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm hầu như là xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể HIV. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tiến hành xét nghiệm sàng lọc kháng thể trong phòng thí nghiệm tại cơ sở y tế. Khi thực hiện xét nghiệm, bác sĩ sẽ lấy máu từ tĩnh mạch, sau đó cho vào ống đựng mẫu rồi gửi tới phòng thí nghiệm để phân tích. Bạn sẽ mất khoảng vài ngày để nhận được kết quả xét nghiệm
- Với xét nghiệm sàng lọc kháng thể nhanh chóng, kết quả thường có sớm hơn (trong khoảng 30 phút, thậm chí ít hơn). Xét nghiệm được thực hiện trong môi trường lâm sàng thông thường, lấy mẫu máu từ ngón tay hoặc dịch miệng.
- Tự kiểm tra kháng thể trong dịch miệng cũng là một cách xét nghiệm HIV cho kết quả nhanh chóng. Bạn chỉ cần tự lấy mẫu dịch tiết cơ thể và kiểm tra bằng bộ dụng cụ y khoa. Sau khoảng 20 phút, bạn sẽ nhận được kết quả. Ưu điểm của xét nghiệm này là có thể thực hiện ngay tại nhà hoặc tại các chương trình sàng lọc HIV trong cộng đồng hay tại các phòng khám.
Nếu bạn thực hiện bất kỳ loại xét nghiệm kháng thể nào và nhận được kết quả là dương tính, bạn sẽ cần thực hiện xét nghiệm theo dõi để xác nhận kết quả. Để biết loại xét nghiệm nào là phù hợp với mình, bạn nên tìm gặp bác sĩ để nhờ tư vấn và giải đáp các thắc mắc.
Sau khi có được kết quả cuối cùng, nếu bạn đã nhiễm HIV, hãy nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn điều trị. Trong trường hợp xét nghiệm cho kết quả âm tính, bạn vẫn nên tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn ngừa HIV, ví dụ như sử dụng bao cao su đúng cách, quan hệ tình dục lành mạnh và uống thuốc để ngăn ngừa HIV nếu bạn có nguy cơ cao.
Các mốc xét nghiệm HIV cần lưu ý
Khi nghi ngờ bị phơi nhiễm HIV, phương pháp tốt nhất để phát hiện bệnh là xét nghiệm. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc rằng liệu xét nghiệm HIV sau bao lâu thì cho kết quả xét nghiệm chính xác. Vì vậy thời gian xét nghiệm HIV chính xác nhất để phát hiện virus HIV là rất quan trọng trong việc điều trị và phòng lây nhiễm cho cộng đồng.
Theo các chuyên gia, các mốc quan trọng để xét nghiệm HIV gồm:
- Lần thứ 1: Xét nghiệm ngay sau thời điểm có hành vi nguy cơ lây nhiễm để xác định rằng người bệnh chưa bị nhiễm HIV trước đó.
- Lần thứ 2: Sau khi có hành vi nguy cơ lây nhiễm tối thiểu 1 tháng. Tránh đi xét nghiệm quá sớm bởi đây là lúc cơ thể chưa xuất hiện virus gây bệnh.
- Lần thứ 3: Nếu sau 4 tháng xét nghiệm cho kết quả âm tính, người bệnh nên được xét nghiệm HIV sau 12 tuần từ thời điểm có hành vi nguy cơ.
- Lần thứ 4: Nếu kết quả xét nghiệm HIV sau 12 tuần âm tính, người bệnh nên được xét nghiệm thêm 1 lần cuối là sau 6 tháng kể từ thời điểm có hành vi nguy cơ. Nếu kết quả vẫn cho âm tính thì chắc chắn rằng người bệnh không bị lây nhiễm HIV từ thời điểm có hành vi nguy cơ.
Tuy nhiên, thời điểm để phát hiện ra virus HIV chính xác nhất thường từ 3 đến 6 tháng sau khi phơi nhiễm. Bởi lúc này, cơ thể người bệnh bắt đầu sản sinh ra kháng thể chống lại virus gây bệnh. Người bệnh cũng nên được khám tổng thể sức khỏe để có thể hỗ trợ chẩn đoán các tình trạng có suy giảm miễn dịch hoặc tiền sử mắc các bệnh miễn dịch khác,…
Xét nghiệm HIV bao lâu thì có kết quả?
Tùy thuộc vào từng phương pháp xét nghiệm để xác định thời gian nhận kết quả. Đối với những loại xét nghiệm thực hiện trong phòng thí nghiệm sẽ mất nhiều thời gian hơn, khoảng 2 tuần để bạn nhận được kết quả. Đối với loại xét nghiệm được thực hiện tại nhà sẽ chỉ mất khoảng 20 phút để có kết quả, tuy nhiên độ đặc hiệu của nó không cao bằng những phương pháp trong phòng thí nghiệm.
Mặc dù hiện nay trình độ nhận thức của người dân về HIV đã được nâng cao, tuy nhiên vấn đề đảm bảo tính bảo mật thông tin riêng tư của người bệnh là yếu tố được người cần thực hiện xét nghiệm HIV quan tâm. Chính vì vậy, bạn hãy tới các trung tâm, đơn vị uy tín để thực hiện các loại xét nghiệm HIV để đảm bảo bảo mật thông tin cũng như cho kết quả chính xác và đưa ra những phương án giải quyết tốt nhất cho bạn.