Bệnh sỏi thận là tình trạng các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại và hình thành những viên sỏi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy nguyên nhân gây sỏi thận là gì và cách chữa sỏi thận như thế nào?
Bệnh sỏi thận
Sỏi thận hay còn gọi là sạn thận, bệnh xảy ra khi các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, bàng quang, niệu quản… thành những tinh thể rắn, hay gặp hơn cả là tinh thể Calci. Kích thước của sỏi có thể lên tới vài cm.
Đối với sỏi thận có kích thước nhỏ có thể được tống ra ngoài khi đi tiểu bình thường. Tuy nhiên, những viên sỏi lớn khi di chuyển trong thận, niệu quản, bàng quang… gây cọ xát dẫn tới tổn thương thậm chí làm tắc đường dẫn nước tiểu để lại những hậu quả rất khôn lường.
Nguyên nhân gây sỏi thận
Có nhiều nguyên nhân gây ra sỏi thận, bắt đầu từ sự kết tinh, lắng đọng tinh thể trong hệ tiết niệu. Sỏi tiết niệu hình thành có thể do nước tiểu có chứa quá nhiều hóa chất, điển hình là calci, acid uric, cystine… đa số lượng sỏi hình thành bắt đầu từ sự lắng đọng canxi.
Các nguyên nhân gây ra sỏi thận:
- Uống không đủ nước: Cơ thể không đủ nước cho thận bài tiết, nước tiểu quá đặc. Nồng độ các tinh thể bị bão hòa trong nước tiểu.
- Lạm dụng Calcium, Vitamin C: Chúng ta bổ sung vi chất quá nhiều, dẫn đến tình trạng cơ thể thừa chúng. Đối với Vitamin C, khi chuyển hóa thành gốc Oxalat. Còn ion Ca++ sẽ cạnh tranh và ức chế việc hấp thu các ion khác như Ze++, Fe++, … Khi thận quá thừa các chất sẽ bị quá tải, đương nhiên sẽ tăng nguy cơ hình thành sỏi tại đây.
- Ăn nhiều muối: Đây là nguyên nhân thường gặp ở người Việt, khẩu vị của người Việt khá mặn. Muối và nước mắm là gia vị quen thuộc hàng ngày… Ăn nhiều muối (NaCl), cơ thể phải tăng đào thải Na+, tăng Ca++ tại ống thận… Do đó, sỏi Calcium dễ hình thành.
- Chế độ ăn nhiều đạm: Đạm trong đồ ăn làm tăng nồng độ pH nước tiểu, tăng bài tiết Calcium và lại làm giảm khả năng hấp thu Citrate.
- Hậu quả của bệnh lý đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tiêu chảy… cũng có thể hình thành sỏi Calci Oxalat. Tiêu chảy làm mất nước, mất các ion Na+ K+,…. giảm lượng nước tiểu; nồng độ Oxalat trong nước tiểu tăng,… từ đó dễ hình thành sỏi.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Vi trùng xâm nhập, gây viêm đường tiết niệu dai dẳng, tạo ra mủ, lắng đọng các chất bài tiết lâu ngày cũng là nguyên nhân gây sỏi ở thận.
- Yếu tố di truyền: Bệnh cũng có thể do gen trong gia đình. Nguy cơ mắc bệnh trong các thành viên cùng huyết thống, cao hơn bình thường.
- Béo phì: Theo một số nghiên cứu, nguy cơ mắc bệnh của người béo phì sẽ cao hơn người bình thường.
- Ở những người bẩm sinh hoặc mắc phải, có dị dạng đường tiết niệu, khiến đường tiểu bị tắc nghẽn ví dụ do Phì đại tuyến tiền liệt, túi thừa trong bàng quang, u xơ tiền liệt tuyến…. Một số bệnh nhân chấn thương, lâu ngày không di chuyển được. Đường tiết niệu tắc nghẽn làm nước tiểu, mà tích trữ lâu ngày, lắng đọng sinh ra sỏi thận.
Kích thước sỏi thận bao nhiêu mm thì phải điều trị?
Có đến 70-80% trường hợp sỏi thận mà người bệnh có thể tống sỏi ra ngoài cơ thể thông qua đường tiểu. Tuy nhiên, trường hợp tống sỏi ra ngoài khi đi tiểu bình thường chỉ xảy ra với sỏi thận có kích thước nhỏ.
Sỏi thận tự đào thải
Những viên sỏi thận 4-6mm có nhiều khả năng cần được xử lý, nhưng khoảng 60% trường hợp chúng có thể tự ra ngoài với thời gian trung bình là 45 ngày.
Những viên sỏi thận lớn hơn 6mm thường cần được điều trị y tế chữa sỏi thận. Chỉ khoảng 20% trường hợp là sỏi tự ra ngoài. Tuy nhiên, những viên sỏi có kích thước lớn này có thể cần mất khoảng một năm để tự ra ngoài.
Vị trí của sỏi thận cũng góp phần quyết định sỏi có tự ra ngoài được không. Theo nghiên cứu, khoảng 79% trường hợp sỏi nằm cuối niệu quản sẽ dễ ra ngoài hơn, 48% trường hợp sỏi nằm cuối niệu quản và nằm gần bàng quang sẽ tự ra ngoài mà không cần phải điều trị y tế.
Kích thước sỏi thận cần phải phẫu thuật
Với sỏi thận 6mm thường được chỉ định điều trị nội khoa, tăng lượng nước tiểu.
Với sỏi thận 7mm đồng thời gây tắc nghẽn hay nhiễm khuẩn đường tiết niệu, khi đó có thể cần phải can thiệp ngoại khoa.
Khi điều trị, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc hoặc tán sỏi dưới da. Tuy nhiên, người bệnh cần được điều trị dứt điểm tình trạng nhiễm trùng trước. Vì nếu còn nhiễm trùng, bác sĩ không thể tiến hành phẫu thuật tán sỏi. Mặt khác, nếu như nhiễm trùng tái phát, nguy cơ tán sỏi xong lại tiếp tục sinh sỏi là cao.
Trong trường hợp sỏi có kích thước lớn hơn, khoảng 1cm, và được đánh giá là không quá cứng thông qua phương pháp chụp cản quang, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể để hạn chế tối đa nguy cơ can thiệp xâm lấn.
Cuối cùng, trong trường hợp kích thước khoảng 2cm, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và quyết định phương án phù hợp để tránh các biến chứng nguy hiểm do sỏi thận, bao gồm mổ nội soi hoặc mổ hở.
Cách chữa sỏi thận
Phương pháp điều trị sỏi thận hiện đại
Các phương pháp chữa sỏi thận hiện đại ngày nay đã giúp giải thoát người bệnh khỏi các vết thương lớn, nguy cơ đau đớn vết mổ và sự bất tiện trong chăm sóc. Thậm chí, người bệnh còn có thể xuất viện ngay trong ngày và quay trở lại với cuộc sống thường nhật.
Phương pháp tán sỏi bằng sóng xung kích
Ngoài ưu điểm điều trị sỏi thận an toàn và không gây đau đớn cho người bệnh, phương pháp tán sỏi bằng sóng xung kích ngoài cơ thể (ESWL) còn có nhiều ưu điểm khác như: ít ảnh hưởng đến thận, không mất nhiều thời gian nằm viện hay chăm sóc…
Nội soi niệu quản
Một trong những phương pháp điều trị tuân theo nguyên tắc ít can thiệp xâm lấn. Nội soi niệu quản được chỉ định cho các trường hợp: bệnh nhân mắc các dạng sỏi niệu quản không nằm trong chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi ngoài cơ thể thất bại, sỏi niệu quản tái phát hoặc hẹp niệu quản sau mổ lấy sỏi niệu quản.
Tán sỏi thận qua da
Là một trong những phẫu thuật an toàn, với những tổn thương thận tối thiểu nhưng lại mang đến hiệu quả tối đa với tỉ lệ sạch sỏi cao, đau vết mổ ít, có khả năng lấy sạch sỏi chỉ trong một lần phẫu thuật. Kỹ thuật này là lựa chọn đầu tiên với những sỏi kích thước lớn từ 1-2cm.
Nội soi bằng ống mềm
Tán sỏi nội soi bằng ống soi mềm dưới tác động của tia laser để sỏi vỡ ra, nhằm bảo tồn chức năng thận cho người bệnh. Phương pháp này được chỉ định cho bệnh nhân bị sỏi thận đài dưới gây kẹt cổ đài, ứ nước đài dưới thận; Sỏi thận sót hoặc tái phát; Sỏi niệu quản trên di chuyển vào thận sau tán sỏi nội soi ngược dòng bằng ống cứng, ống bán cứng và phẫu thuật nội soi sau phúc mạc…
Nội soi bằng ống soi cứng
Nội soi niệu quản bằng ống soi cứng cũng là một kỹ thuật cao với rất nhiều ưu điểm và được áp dụng rộng rãi. Kỹ thuật này giúp điều trị sỏi niệu quản ở nhiều vị trí khác nhau, nhưng hiệu quả nhất là với sỏi ở vị trí 1/3 giữa và dưới, có kích thước > 10mm.
Phẫu thuật mở
Với những ưu điểm vượt trội của kỹ thuật mổ nội soi, phẫu thuật mổ hở ít khi được thực hiện trong thực hiện trong điều trị sỏi thận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể như kích thước viên sỏi quá lớn, không thể lấy ra hoặc nghiền nát bằng các phương pháp điều trị khác, phẫu thuật mổ hở vẫn được chỉ định.
Cách chữa sỏi thận tại nhà
- Uống nhiều nước là cách trị sỏi thận đơn giản.
- Ăn nhiều thực phẩm có axit citric.
- Hạn chế dùng thực phẩm giàu oxalat.
- Không dùng vitamin C liều cao.
- Bổ sung đủ canxi.
- Cắt giảm lượng muối ăn hàng ngày.
- Bổ sung lượng magie.
- Giảm bớt thức ăn chứa nhiều protein động vật.
Bệnh sỏi thận có diễn biến âm thầm, người mắc bệnh sỏi thận có thể không nhận ra cho tới khi đi khám.. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì rất có thể sẽ dẫn tới biến chứng suy thận. Do vậy điều trị sớm cũng như phòng ngừa bệnh là điều quan trọng để đảm bảo sức khỏe của bạn tốt nhất.