Thủy đậu là bệnh thường gặp, nhất là vào mùa đông xuân, rất dễ bùng phát thành dịch bởi lây lan nhanh qua đường hô hấp, qua tiếp xúc. Việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp bệnh nhanh khỏi và hạn chế tối đa các biến chứng. Vậy chăm sóc người bị thủy đậu thế nào và bị thủy đậu kiêng gì, ăn gì để sớm khỏi?
Chăm sóc tốt nhất cho người bị bệnh thủy đậu
Đối với người bị bệnh thủy đậu
- Tránh tiếp xúc với người xung quanh, đặc biệt là phụ nữ mang thai.
- Nên mang khẩu trang.
- Phải đặc biệt lưu ý tránh làm vỡ các nốt thuỷ đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể để lại sẹo tồn tại lâu dài.
- Nằm trong phòng riêng, thoáng khí và có ánh sáng mặt trời. Thời gian cách ly là khoảng từ 7 đến 10 ngày tính từ khi bắt đầu phát hiện bệnh cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn.
- Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng như: khăn mặt, ly, chén hay muỗng, đũa.
- Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.
- Dùng nước ấm để tắm rửa và thay quần áo hàng ngày trong phòng tắm.
- Nên mặc những loại quần áo rộng, nhẹ, mỏng.
Đối với trẻ em bị thủy đậu
- Nên cắt móng tay cho trẻ và giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ lại. Nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do việc trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.
- Ăn các thức ăn mềm, lỏng và dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.
- Dùng dung dịch xanh Milian để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.
- Trong trường hợp sốt cao, có thể dùng các loại thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo sự chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc. Có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng: nốt rạ có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh… và tuyệt đối không được dùng thuốc Aspirin để hạ sốt.
- Nếu bệnh nhân cảm thấy: Khó chịu, lừ đừ hay mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ thì nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.
Đối với người thân trong gia đình có bệnh nhân bị thủy đậu:
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt, đối với những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.
- Vệ sinh phòng ở của người bệnh: Lau sàn, bàn ghế, tủ giường, đồ chơi của người bệnh hàng ngày bằng nước Javel hoặc dung dịch Cloramin B, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Đối với những đồ vật nhỏ có thể đem phơi nắng.
Chế độ ăn cho người bị bệnh thủy đậu
Bị thủy đậu nên kiêng gì?
- Các loại thực phẩm từ bơ sữa: Tất cả các loại thực phẩm làm từ bơ sữa đều không tốt đối với người đang mắc bệnh thủy đậu. Kem, bơ, sữa sẽ làm da tiết nhờn và gây ngứa ngáy, khó chịu hơn cho người bệnh.
- Nhục quế: Kỵ nhất là nhục quế, vì nhục quế có tính đại nhiệt, thuần dương, tác dụng ôn nhiệt trợ hỏa, quá khô táo, làm tổn hại âm chất, rất nguy hiểm cho bệnh nhân thủy đậu.
- Thức ăn cay, nóng và mặn: Những loại thực phẩm này có thể gây kích ứng đối với các vết loét trong khoang miệng và cổ họng. Do đó, bạn nên tránh ăn chúng khi bị thủy đậu.
- Rau muống: Không chỉ với bệnh thủy đậu, rau muống luôn là thực phẩm nên tránh xa với người có các vết thương ngoài da. Rau muống sẽ làm tăng khả năng mắc sẹo lồi với những vết thương chưa lành. Vì thế, người mắc thủy đậu nên kiêng ăn rau muống trong các bữa ăn hàng ngày.
- Thực phẩm có nhiều arginie: Arginie là một loại axit amin thúc đẩy sự sinh sôi của virus. Sô cô la, đậu phộng, nho khô,… là những thực phẩm bạn nên tránh xa nếu không muốn tình trạng bệnh nặng nề thêm.

Một số món dinh dưỡng giúp thủy đậu nhanh lành
- Cháo đậu đỏ ý dĩ: Theo y học cổ truyền, đậu đỏ có tính bình, vị ngọt chua, giúp kháng khuẩn chống viêm, giảm tình trạng nhiễm trùng.
- Cháo đậu nấu thịt heo: Với khoảng 30 gam đậu đỏ, 30 gam đậu xanh, 80 gam gạo tẻ nấu chung 50 gam thịt lợn. Đây là món ăn rất dễ tiêu, kích thích sự ngon miệng của bệnh nhân trong những ngày mệt mỏi.
- Canh bí đao: Công thức canh bí đao gồm 500 gam bí đao nấu cùng 200 gam thịt nạc và lá sen tươi có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Ngoài ra, món ăn này còn có công dụng chữa tiểu buốt.
- Nước kim ngân hoa: Kim ngân hoa 10g, nước mía 20ml. Nấu với 500ml nước, sôi khoảng 10 phút. Ngày uống một lần, uống liên tục 7 – 10 ngày, để giúp sơ phong thanh nhiệt, hạ sốt.
Biện pháp phòng khác
Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên thực hiện một số biện pháp sau để ngăn chặn sự lây lan của thủy đậu:
- Chỉ định phòng cho trẻ 12 – 18 tháng tuổi. Nếu trong nhà có người bị thuỷ đậu có thể tiêm từ 9 tháng tuổi. Nhắc lại liều thứ 2 lúc 5 đến 6 tuổi hoặc cách liều thứ nhất 3 tháng.
- Người lớn tiêm 2 liều, cách nhau 1 tháng.
- Liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4 – 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc bệnh thuỷ đậu trở lại mặc dù trước đó đã tiêm phòng.
- Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.
Bệnh thủy đậu là bệnh lý nguy hiểm, để đảm bảo cho sức khỏe của bản thân và gia đình, bạn nên chủ động trong phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời. Nó có thể để lại biến chứng nếu như không được thăm khám và chăm sóc tốt. Bạn cần xây dựng chế độ ăn uống phù hợp cùng với việc giữ gìn vệ sinh cá nhân để đẩy nhanh quá trình lành bệnh.