Cúm mùa có xu hướng lan rộng thành dịch vào mùa đông, bệnh có khả năng lây nhiễm rất qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi. Dưới đây là những thông tin cơ bản và cách phòng tránh bệnh cúm mùa.
Bệnh cảm cúm là gì?
Cúm là một bệnh nhiễm virus, thường ảnh hưởng đến hệ hô hấp, gồm mũi, cổ họng và phổi. Đối với hầu hết trường hợp, bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, đôi lúc bệnh cúm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong.
Nhiều người thường nhầm lẫn cảm cúm với cảm lạnh vì hai tình trạng này đều do virus gây ra. Tuy nhiên, nó vẫn có những điểm khác nhau.
Nguyên nhân gây cảm cúm
Nguyên nhân chủ yếu của cảm cúm bắt nguồn từ virus cúm Influenza A và Influenza B. Các chuyên gia phân biệt hai chủng vi sinh vật này bằng vật chất di truyền của chúng (DNA và RNA).
Virus cúm A có khả năng gây bệnh với mức độ trung bình – nặng ở tất cả độ tuổi. Chúng có thể lây nhiễm cho cả người lẫn các loài động vật khác. Trong khi đó, chủng loại B gây bệnh với mức độ nhẹ và chỉ ảnh hưởng đến con người, chủ yếu là trẻ nhỏ.
Các tiểu loại của virus cúm A được phân biệt bởi hai loại kháng nguyên trên bề mặt virus. Những loại protein này có khả năng thay đổi (đột biến) theo thời gian. Nhóm virus chứa kháng nguyên “đột biến” sẽ trở thành một chủng virus cúm mới.
Chính sự biến đổi đó gây ra nguy cơ gây bùng phát dịch cúm cực lớn. Chẳng hạn như virus cúm H1N1 xuất hiện vào tháng 3/2009 và dẫn theo một trận đại dịch kéo dài đến mùa hè năm 2010.
Nguy cơ mắc cảm cúm
Những đối tượng dễ mắc bệnh cảm cúm bao gồm:
- Tuổi nhỏ hay cao tuổi: Dưới 5 tuổi hay trên 65 tuổi.
- Phụ nữ đang có thai.
- Mắc bệnh mạn tính kéo dài: bệnh hô hấp như hen, COPD, bệnh tim mạch như suy tim, bệnh gan, bệnh tiểu đường…
- Trẻ vị thành niên sử dụng aspirin kéo dài.

Biểu hiện cho thấy bạn đã mắc bệnh
Triệu chứng cảm cúm thường xuất hiện ra đột ngột và bắt đầu 24 đến 48 giờ sau khi tiếp xúc với virus cúm. Các triệu chứng nặng thường kéo dài 3 đến 5 ngày. Chúng bao gồm:
- Sốt cao (40°C).
- Ớn lạnh.
- Ho.
- Hắt hơi.
- Sổ mũi.
- Đau họng.
- Đau cơ.
- Đau đầu.
- Cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi.
- Mắt nhạy cảm với ánh sáng.
- Dạ dày khó chịu (xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn).
- Ho và cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài đến 6 tuần.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Con đường lây truyền
Cảm cúm lây truyền chủ yếu qua các hạt nước bọt do người bệnh bắn vào không khí
Bệnh cảm cúm lây lan chủ yếu qua các hạt nước bọt do người bệnh bắn vào không khí. Khoảng thời gian virus cúm phát tán thường bắt đầu trước cả khi người bệnh cảm thấy không khỏe hoặc chỉ mới xuất hiện một vài triệu chứng đầu tiên.
Bệnh cảm cúm có nguy hiểm không?
Đối với bệnh cảm cúm ở người lớn, tình trạng này thường không nghiêm trọng. Mặc dù bạn có thể cảm thấy khổ sở trong khi mắc bệnh, nhưng cúm thường hết sau một hoặc hai tuần mà không có tác dụng lâu dài. Nhưng trẻ em và người lớn tuổi có nguy cơ cao có thể bị biến chứng như:
- Viêm phổi.
- Viêm phế quản.
- Hen suyễn bùng phát.
- Vấn đề tim mạch.
- Nhiễm trùng tai.
Viêm phổi là biến chứng nghiêm trọng nhất. Đối với người lớn tuổi và những người mắc bệnh mãn tính, viêm phổi có thể gây tử vong.
Biến chứng của cảm cúm
Cảm cúm kéo dài có khả năng dẫn đến một loạt vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Trong số đó, phổ biến nhất là viêm phổi do nhiễm khuẩn.
Viêm phổi do virus cũng có nguy cơ xảy ra nhưng tình huống này không phổ biến. Mặc dù vậy, tình trạng này có khả năng cao đe dọa đến tính mạng người bệnh. Một số biến chứng khác cũng có thể phát sinh, ví dụ như:
- Viêm cơ tim
- Các tình trạng tệ hơn của bệnh lý liên quan đến phổi, chẳng hạn như viêm phế quản
- Hội chứng Reye, xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ. Lúc này, bé sẽ có dấu hiệu nôn mửa và lú lẫn nghiêm trọng. Một số trường hợp trẻ còn hôn mê do phù não. Nhằm giảm thiểu nguy cơ phát triển hội chứng Reye, bố mẹ cần lưu ý không cho trẻ dưới 18 tuổi sử dụng aspirin để hạ sốt hoặc giảm đau.
Điều trị cảm cúm tại nhà
Cảm cúm không gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, người bệnh vẫn có thể tự duy trì cuộc sống của mình. Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh dẫn đến không đảm bảo chất lượng cuộc sống, cơ thể mệt mỏi kéo dài gây khó chịu. Do đó, người bệnh nên trang bị cho mình những phương thức giúp giảm nhanh các triệu chứng và hỗ trợ điều trị bệnh.
Gừng
Đây không chỉ là một loại gia vị thường dùng mà còn có công dụng hữu ích trong việc điều trị cảm cúm. Chuẩn bị hỗn hợp gồm gừng và hạt rau mùi sắc uống hàng ngày thay nước giúp hỗ trợ triệu chứng mệt mỏi, toát mồ hôi,… giúp bệnh chóng khỏi nhanh hơn.
Canh thịt hầm rau củ
Canh là món ăn dễ tiêu hóa, tốt cho thể lực cơ thể. Có thể kết hợp nhiều loại nguyên liệu như: gà, cá, củ quả, nấm,… trong việc hầm canh. Sử dụng chúng trong bữa ăn hàng ngày có tác dụng tốt trong việc tăng sức đề kháng cơ thể để chống lại quá trình xâm nhập và phát triển của các virus gây bệnh. Từ đó, cải thiện nhanh chóng tình trạng cảm cúm.
Hỗn hợp các loại hạt
Hạt là dạng thực phẩm chứa hàm lượng cao các chất protein và chất béo có lợi cho cơ thể. Chúng có công dụng hỗ trợ chống lại sự xâm lấn của các vi khuẩn, virus gây bệnh. Đặc biệt, một số loại hạt còn chứa kẽm, đồng hay vitamin D,… có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Súc miệng bằng nước ấm pha muối
Sử dụng nước muối loãng có tác dụng diệt khuẩn sát trùng cao. Sử dụng dung dịch này kiên trì trong vài ngày sẽ giảm nhanh các triệu chứng đau họng, rát cổ và viêm nhiễm cổ họng.
Nghỉ ngơi
Nên giảm thiểu tối đa lượng công việc có tính chất nặng nhọc hay đi lại ngoài trời nhiều. Dành những khoảng thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn,… sẽ giúp tình trạng bệnh tiến triển tốt hơn.
Làm vệ sinh mũi
Đối với người bị cảm cúm, mũi trong tình trạng viêm nhiễm, chảy dịch mũi liên tục gây cảm giác khó chịu cho người bệnh. Do đó nên vệ sinh sạch sẽ mũi để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, giúp người bệnh dễ chịu hơn. Có thể vệ sinh bằng các dạng dung dịch chuyên dùng, hỉ mũi,… Sau khi thực hiện xong, nên vệ sinh tay sạch sẽ để tránh tình trạng lây lan bệnh.

Phòng ngừa bệnh cảm cúm
Cảm cúm và cảm lạnh đều là hai loại bệnh truyền nhiễm thông thường mà ai cũng có thể gặp phải trong đời. Chúng ta cần có sự phòng ngừa bằng một số biện pháp:
- Giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, thường xuyên rửa tay và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với cộng đồng.
- Có chế độ nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý.
- Giữ cho cơ thể luôn đủ ấm và nên tắm bằng nước ấm.
- Hạn chế dùng chung đồ ăn, thức uống.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, vận động cơ thể.
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày.
- Tăng cường bổ sung cho cơ thể các thực phẩm có nhiều chất khoáng, vitamin.
- Không tiếp xúc với người đang bị cảm cúm.
- Hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…
- Hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm và có biện pháp bảo vệ cơ thể khỏi khói bụi khi ra ngoài đường phố.
Cảm cúm là bệnh phổ biến, dễ mắc phải khi thay đổi thời tiết hoặc do sức đề kháng cơ thể kém. Người bệnh có thể phòng chống cảm cúm thông qua chế độ ăn uống, sinh hoạt hoặc tiêm phòng cúm.