Duy trì sự cân bằng pH của âm đạo là điều cần thiết. Độ pH dưới 7 là axit, trong khi độ pH trên 7 là kiềm. Độ pH âm đạo bình thường thường dưới 4,5. Con số càng thấp, môi trường âm đạo sẽ càng có tính axit.
Độ pH của âm đạo là gì?
Độ pH của âm đạo là thước đo mức độ axit hoặc kiềm; trên thang điểm từ 0 đến 14. Trong đó chỉ số càng thấp tức là nồng độ axit càng cao. Ở trạng thái khỏe mạnh bình thường, vùng kín có độ pH từ 3,8-4,5. Tại môi trường này, hệ sinh thái vùng âm đạo tồn tại song song vi khuẩn có lợi và có hại, có tác dụng giúp vùng kín khỏe mạnh.
Khi độ pH trong âm đạo của bạn mất đi sự cân bằng, vùng kín nhiều khả năng sẽ xuất hiện mùi hôi và khiến bạn khó chịu. Vì vậy, việc giữ cân bằng độ pH sẽ giúp “cô bé” của bạn tránh được nhiều rắc rối.
Nguyên nhân nào gây mất cân bằng độ pH ở âm đạo
Có khá nhiều nguyên nhân khiến pH âm đạo mất cân bằng, như:
- Sử dụng kháng sinh, thuốc điều trị nấm, corticoid liều cao hoặc kéo dài.
- Thói quen thụt rửa âm đạo khi vệ sinh sinh dục.
- Sử dụng thuốc tránh thai hoặc điều trị thuốc nội tiết.
- Thay đổi nội tiết tố do tuổi tác.
- Bị bệnh lý mạn tính: Đái tháo đường, suy giảm miễn dịch,…
- Bị polyp, khối u trong âm đạo.
- Điều trị tia xạ.
- Đặt dụng cụ tránh thai, màng ngăn tránh thai, thuốc diệt tinh trùng,…
Dấu hiệu khi mất cân bằng độ pH âm đạo
Độ pH âm đạo cao dẫn đến viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc nhiễm trùng khác có thể gây ra các triệu chứng như:
- Có mùi hôi, khó chịu.
- Ra khí hư màu trắng, xám hoặc xanh bất thường.
- Ngứa âm đạo.
- Nóng rát khi đi tiểu.
Cân bằng độ pH âm đạo tại nhà
Nếu nồng độ pH âm đạo thường xuyên cao mà không có bất kỳ triệu chứng nhiễm trùng nào, bạn có thể áp dụng một số bí quyết cân bằng độ pH tại nhà:
- Uống bổ sung men vi sinh hoặc sử dụng thuốc đặt: Men vi sinh (probiotic) giúp phục hồi mức độ vi khuẩn tự nhiên của cơ thể. Bạn có thể ăn một số thực phẩm cũng chứa men vi sinh như sữa chua, súp miso, món ngâm chua…
- Thay băng vệ sinh thường xuyên: Thói quen đeo băng vệ sinh quá lâu có thể làm tăng pH âm đạo vì độ pH máu cao hơn pH âm đạo. Bạn nên thay băng vệ sinh thường xuyên giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng vi khuẩn, bao gồm hội chứng sốc độc tố (TSS).
- Sử dụng biện pháp bảo vệ trước khi quan hệ: Bao cao su không chỉ giúp hạn chế mang thai ngoài ý muốn và ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục mà còn có thể ngăn ngừa tinh dịch và các chất lỏng khác ảnh hưởng đến mức độ pH trong âm đạo.
- Tránh thụt rửa âm đạo: Việc thụt rửa có thể làm thay đổi mức độ pH trong âm đạo. Âm đạo có thể tự làm sạch một cách tự nhiên. Bạn nên lựa chọn dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp để làm sạch âm đạo.
Việc giữ cân bằng độ pH âm đạo có thể giúp bạn giảm nhiễm trùng và ngăn ngừa biến chứng. Bác sĩ hiếm khi chỉ dựa vào kết quả đo pH âm đạo để chẩn đoán các tình trạng bệnh lý hoặc để xác định độ tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, xét nghiệm pH âm đạo có thể giúp cảnh báo các yếu tố bất thường về sức khỏe vùng kín. Bạn hãy bổ sung men vi sinh và lưu ý cách vệ sinh vùng kín để giúp cân bằng độ pH âm đạo nhé!
Leave a reply