Cận thị là một tật khúc xạ về mắt rất phổ biến. Độ tuổi bị cận thị càng thấp thì nguy cơ cận thị diễn biến tệ hơn càng cao. Do đó việc phát hiện con bạn có bị cận thị hay không giúp có những biện pháp can thiệp kịp thời.
Cận thị ở trẻ em là gì?
Cận thị ở trẻ em là một tật khúc xạ, không phải một bệnh về mắt. Cận thị xảy ra khi mắt không bẻ cong ánh sáng đúng cách, tập trung hình ảnh ở phía trước võng mạc thay vì trên võng mạc ở trẻ. Ở trẻ cận thị, các vật ở gần nhìn rõ nhưng các vật ở xa trông bị mờ. Cận thị là một tình trạng thường gặp và ngày càng phổ biến.
Nguyên nhân và hệ luỵ của tật cận thị ở trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị cận thị như: Trẻ thiếu ngủ hoặc ít ngủ, đặc biệt là từ 7 – 9 tuổi và 12 – 14 tuổi. Trong khoảng thời gian này, nếu trẻ ngủ quá ít hoặc không đủ thời gian để ngủ vì học quá nhiều sẽ dễ gây ra cận thị.
Trẻ sinh ra mà trọng lượng cơ thể quá nhẹ (trọng lượng cơ thể dưới 2,5kg) đến tuổi thiếu niên dễ bị cận thị. Trẻ sinh thiếu tháng (sinh thiếu từ 2 tuần trở lên) thường bị cận thị từ khi học vỡ lòng.
Ngoài ra, trẻ xem ti vi quá gần, nếu như ngày nào trẻ cũng xem ti vi nhiều hơn 2 giờ, với khoảng cách từ mắt tới ti vi nhỏ hơn 3m thì sẽ làm cho thị lực suy giảm rất nhiều. Khi ngồi học hoặc xem sách báo mà cúi gằm mặt xuống bàn, tư thế ngồi không ngay ngắn, đọc sách trong điều kiện ánh sáng không đảm bảo… cũng rất dễ bị cận thị.
Dấu hiệu nhận biết trẻ cận thị
- Hay nheo mắt nhìn mọi vật, đặc biệt khi ánh sáng yếu. Hoặc có những tác động bất thường liền tục như dụi mắt, nheo mắt, nghiên đầu khi nhìn.
- Trẻ kêu mắt nhìn mờ hoặc nhức mắt, đặc biệt là khi nhìn xa.
- Kết quả học tập sút kém, không thích các hoạt động nhìn xa như đá bóng, đá cầu mà thích thú hơn với việc đọc truyện, chơi game…
- Nhìn vật gì cũng phải đưa sát vào mắt mới nhìn rõ: Cúi sát mắt vào sách vở, đứng sát vào khi xem phim.
- Trẻ bị cận thị nặng có thể bị lác mắt kèm theo.

Mắt cận thị có chữa được không?
Thường xuyên tập bài tập về mắt để giúp mắt thư giãn
Bé có thể chọn 1 trong các bài tập sau để luyện tập mắt, cải thiện thị lực:
- Sau khi học tập liên tục trong vòng 30 phút, bạn nên cho trẻ chớp mắt liên tục trong 2 phút để giúp tăng lượng máu lưu thông đến đôi mắt, giảm tình trạng mỏi mắt, khô mắt.
- Giữ nguyên đầu, từ từ di chuyển cặp mắt sang bên phải, rồi sang trái khoảng 10 lần.
- Dùng tay ấn nhẹ vào thái dương, giữ trong 4, 5 giây để giúp dịch trong mắt lưu thông tốt hơn.
- Nhắm mắt thư giãn từ 1 đến 2 phút. Kết hợp với động tác vươn vai, kéo căng cơ thể, sau đó từ từ thả lỏng để giúp cải thiện lượng máu lưu thông đến mắt, đồng thời giải phóng căng thẳng.
- Nhìn gần rồi nhìn xa: Nhìn gần 1 vật trong vòng 10s sau đó phóng tầm mắt xa khoảng 10s. Thực hiện khoảng 5 – 7 lần.
Cuối cùng là thường xuyên khám mắt định kỳ 6 tháng một lần để kiểm tra độ cận của mắt. Nếu độ cận tăng lên thì nên cân nhắc về việc đeo kính nhé!
Chế độ dinh dưỡng
Ngoài việc đề ra cho đôi mắt một chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý,… thì việc bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho mắt cũng là một điều hết sức quan trọng mà chúng ta không thể bỏ qua.
- Vitamin A: Vitamin A là một loại vitamin quan trọng đối với mắt, đặc biệt là mắt cận. Vitamin A có nhiều trong lòng đỏ trứng gà, sữa, gan động vật, các loại rau củ như mồng tơi, rau dền, rau ngót, cà chua, gấc, đu đủ, cà rốt,…
- Kẽm: Kẽm có nhiều trong thịt bò, thịt gà, sò, lòng đỏ trứng,…
- Beta carotene: Beta carotene có nhiều trong rau, củ, quả có màu vàng, cam hay xanh đậm như cà rốt, bí đỏ, đu đủ, khoai lang,… Beta carotene được hấp thu ở ruột non, vì thế khi chế biến nên kết hợp chúng với các loại dầu, mỡ để quá trình hấp thụ tốt hơn.
- Crom: Crom có nhiều trong gan bò, lòng đỏ trứng, nấm, nước ép nho,…
- Selen: Selen có nhiều trong các loại cá, tôm, cua, ốc, các loại hạt,…
- Các loại vitamin B: Để bổ sung vitamin B1, B2 và niacin, bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm như thịt nạc, gà, bò, các loại đậu, rau màu đậm, sữa, trứng,…

Ngăn ngừa sự tiến triển cận thị ở trẻ em tại nhà
Một số các biện pháp bạn có thể thực hiện tại nhà để ngăn ngừa cận thị ở trẻ tệ hơn như:
- Gia tăng các hoạt động ngoài trời: Gia tăng thời gian ở ngoài trời là một chiến lược đơn giản để giảm nguy cơ phát triển cận thị và làm chậm sự tiến triển của bệnh cận thị.
- Không giữ sách hoặc các thiết bị quá gần: Đọc sách, xem tivi quá gần có thể gây ra sự gia tăng độ cận thị. Con bạn nên cầm sách hoặc thiết bị di động ở cùng khoảng cách từ đốt ngón tay đến khuỷu tay của chúng – đây được gọi là khoảng cách Harmon.
- Không đọc sách hoặc sử dụng các thiết bị điện tử quá lâu: Thực hiện theo nguyên tắc 20/20/20. Cứ sau 20 phút tập trung vào một vật cách xa ít nhất 20 feet (0.6 m) trong 20 giây.
- Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ làm cận thị tiến triển tệ hơn. Trẻ em nên ngủ từ 9-11 tiếng mỗi đêm.
Cận thị ở trẻ em hoàn toàn có thể diễn tiến nặng gây nguy hiểm đến sức khỏe thị lực của trẻ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì vậy, khi trẻ bị cận thị thì các bậc phụ huynh nên cho con đi khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Leave a reply