Việc chăm sóc răng miệng cho bé nên được bắt đầu sớm, ngay cả trước khi những cái răng đầu tiên ló dạng. Tập thói quen vệ sinh răng miệng sớm sẽ giúp cho trẻ có hàm răng khỏe mạnh và giảm được các bệnh về răng miệng.
Các thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của trẻ
Mút ngón tay: Mút ngón tay hay ngậm vú giả kéo dài có thể làm răng trên nhô ra trước. Tập cho trẻ bỏ các thói quen này càng sớm càng tốt (trước khi thay răng cửa vĩnh viễn).
Khen thưởng và quở phạt: Không bao giờ sử dụng các thức ăn có chất ngọt như kẹo, chocolate, kem làm phần thưởng cho trẻ khi chúng làm tốt một việc gì, cũng đừng hăm dọa sẽ đưa trẻ đi bác sĩ răng hàm mặt vì trẻ không ngoan.
Chấn thương răng miệng: Trẻ ở độ tuổi tập đi và chạy, thường bị ngã đập vào mặt hay răng, vết thương thường lẫn máu và nước mắt. Dùng gạc ướt làm sạch để thấy rõ ranh giới của vết thương. Các chấn thương thường gặp là:
- Vết bầm do cắn phải môi hay lưỡi.
- Răng bị vỡ một mảnh.
- Răng bị đẩy vào trong nướu hay lòi ra ngoài.
- Răng rơi ra ngoài hoàn toàn (nếu là răng sữa thì không cắm răng lại).

Tác hại của việc chăm sóc răng cho bé không đúng cách
Không chăm sóc răng cho trẻ đúng cách có thể dẫn đến các bệnh lý sau:
- Sâu răng.
- Viêm lợi.
- Viêm quanh răng.
- Răng lung lay.
Khi trẻ mắc các bệnh lý về răng miệng, miệng trẻ thường có mùi hôi. Đau răng gây biếng ăn, nặng hơn có thể mất ngủ, sút cân, kéo dài có khả năng dẫn đến suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân của trẻ.

Tạo hứng thú thích đánh răng cho bé
Đối với trẻ, đánh răng là một hành động khá khó, có thể gây khó chịu, cáu gắt. Mẹ hãy kiên nhẫn giải thích cho con hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh răng miệng, những tác hại do bệnh sâu răng gây nên. Và cách phòng bệnh răng miệng đơn giản nhất là đánh răng thường xuyên.
Bên cạnh việc lựa chọn cho bé loại bàn chải có kiểu dáng dễ thương, màu sắc nổi bật, loại kem đánh răng có mùi thơm hấp dẫn mẹ cần biết cách tạo hứng thú giúp bé thích đánh răng mỗi ngày đơn giản như sau:
- Cùng đánh răng với bé và thi đua xem ai đánh răng đúng cách hơn, sạch hơn, hơi thở thơm tho hơn.
- Khi bé đánh răng xong hãy tỏ ra khen ngợi bé: Con của mẹ thật giỏi, răng con đã trắng đẹp hơn rồi đấy, con đánh răng đúng cách nên hơi thở thật thơm tho,… bé sẽ càng có hứng thú để đánh răng đúng cách, đều đặn.
- Hãy tập cho bé đánh răng đều đặn mỗi ngày vào một giờ cố định để bé có thói quen, cứ đến giờ đó lại biết mình phải đánh răng.
- Hãy cho bé thấy sự khác nhau giữa hàm răng trắng đẹp do đánh răng đều đặn và hàm răng xỉn màu, bị sâu răng vô cùng xấu xí do lười đánh răng để bé có thêm động lực, hứng thú.
- Trong nhà lúc nào mẹ cũng nên “thủ” sẵn hai ba loại kem đánh răng có mùi vị khác nhau (táo, cam, dâu, nho) hoặc vài bàn chải với màu sắc khác nhau để giúp bé có nhiều chọn lựa.
- Ngoài ra, cho bé đi kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ 1 – 2 lần một năm để phòng ngừa các bệnh răng miệng thường gặp.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.