Nổi mề đay ở trẻ em không phải là hiện tượng hiếm gặp. Khá nhiều tác nhân có thể gây ra tình trạng này như dị ứng, nhiễm khuẩn da hay do côn trùng cắn,… Nếu phụ huynh không có biện pháp xử trí cho bé kịp thời thì cảm giác ngứa ngáy, khó chịu sẽ ngày càng tăng, tệ hơn là trẻ quấy khóc, bỏ ăn.
Loại bỏ sớm nhất các yếu tố nguy cơ
Thông thường tình trạng nổi mề đay ở trẻ em luôn bắt nguồn từ một nguyên nhân nào đó. Nếu phụ huynh phát hiện bé đang có dấu hiệu nổi mề đay thì việc đầu tiên cần làm là khoanh vùng nhóm các yếu tố nguy cơ. Ở đối tượng là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các tác nhân có khả năng cao gây ra nổi mề đay bao gồm:
- Dị ứng sữa, thức ăn.
- Dị ứng phấn hoa.
- Do bị côn trùng cắn, chích hoặc bám vào người.
- Da đang bị nhiễm vi khuẩn, các loại nấm hoặc virus.
- Tiếp xúc trực tiếp lâu với ánh nắng mặt trời.
- Do dị ứng hoặc sử dụng một số loại thuốc gây kích ứng,…
Phụ huynh nên căn cứ vào nguyên nhân gây nổi mề đay mà xem xét để trẻ hạn chế tiếp xúc trước các tác nhân gây ra. Cách này sẽ giúp da của bé sớm bình ổn hơn và dần chuyển sang giai đoạn hồi phục.
Chăm sóc bé nổi mề đay tại nhà
Dùng kem dưỡng ẩm khi bé bị nổi mề đay
Bạn nên dưỡng da cho con đều đặn 1 ngày 2 lần bằng kem dưỡng ẩm để con nhanh khỏi bệnh hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng kem chống ngứa sau khi bôi kem dưỡng ẩm cho con để hạn chế tình trạng ngứa da ở trẻ. Kem dưỡng ẩm và kem chống ngứa cần có những thành phần dịu nhẹ để an toàn cho da của con.
Cho con uống nhiều nước khi bé bị nổi mề đay
Bạn có thể cho bé uống nước, nước ép trái cây để tăng cường miễn dịch, tăng khả năng thải độc của cơ thể nhằm giúp giảm triệu chứng ngứa ngáy trên da.
Mặc quần áo thoáng mát
Bạn hãy chọn cho bé loại vải cotton 100% thoáng mát, vải bông hoặc vải sợi tre để hạn chế tình trạng bé đổ mồ hôi cũng như chà xát da bé gây kích ứng.
Chườm lạnh
Tác động của nhiệt được đánh giá là có hiệu quả tích cực đối với chứng nổi mề đay ở trẻ em. Khi trẻ có dấu hiệu bị nổi mề đay, cha mẹ có thể tham khảo cách dùng khăn bông mềm bọc đá lạnh hoặc dùng các loại túi chườm chứa nước mát và chườm lên các vùng da mẩn ngứa. Thời gian chườm lạnh có thể duy trì trong khoảng 10 phút cho mỗi lần và lặp lại vài lần trong ngày nếu thấy cần thiết.
Chữa mề đay cho bé bằng phương pháp dân gian
Bạn có thể áp dụng một trong những cách trị mề đay từ dân gian dưới đây để chữa bệnh cho con tại nhà:
Ngâm da bé bằng lá khế tươi
Bạn lấy lá khế tươi đem rửa sạch rồi cho vào nước và đem đun sôi. Kế đến, bạn để nguội rồi dùng nước đó để ngâm hoặc rửa vùng da nổi mề đay. Bạn áp dụng cách này cho con 2 ngày/lần.
Thoa nha đam lên da
Bạn lấy phần gel bên trong của nha đam rồi bôi lên vùng da bị mề đay trong vòng 20 phút thì vệ sinh lại bằng nước thật sạch.
Tắm lá trà xanh
Bạn lấy lá trà xanh đã rửa sạch đem nấu sôi với nước. Sau đó, bạn dùng nước này pha với nước sạch để tắm cho bé hàng ngày.
Đắp lá cây chó đẻ
Bạn lấy lá của cây chó đẻ đã rửa sạch đem giã và xay nhuyễn rồi lấy lá đắp lên vùng da bé bị nổi mề đay. Bạn thực hiện cách này 1 lần/ngày.
Đắp lá bạc hà
Bạn lấy lá bạc hà tươi đã rửa sạch đem giã và xay nát rồi đắp lên da bé đã được vệ sinh sạch sẽ. Bạn áp dụng cách này cho bé mỗi 2 lần/ngày cho đến khi lành.
Khi trẻ bị mề đay, phụ huynh cần tìm hiểu và lựa chọn phương pháp chữa phù hợp. Trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm, vì vậy tốt nhất bạn nên đưa con đi thăm khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị đúng cách.
Leave a reply