Sốt là hiện tượng rất hay gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây ra những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, không phải lúc nào trẻ bị sốt cũng phải uống thuốc hạ sốt. Phụ huynh cần hiểu đúng và có cách xử lý kịp thời nhằm giúp con vượt qua cơn sốt hiệu quả.
Các nguyên nhân chính khiến bé bị sốt
Dưới đây là một vài nguyên nhân chính khiến bé bị sốt cha mẹ cần nắm rõ để có phương pháp điều trị hiệu quả nhất:
- Sốt do mặc quá ấm: Phụ huynh thường mặc cho con nhiều lớp quần áo vì nghĩ con rét, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Thói quen này dễ khiến bé bị sốt do cơ thể trẻ sơ sinh chưa có khả năng điều nhiệt hoàn thiện.
- Sốt do tiêm chủng: Sau khi trẻ tiêm phòng các bệnh như uốn ván, sởi, ho gà,… thường có dấu hiệu bị sốt.
- Sốt do mọc răng: Khi sắp mọc răng, con sẽ khóc nhiều, biếng ăn kèm theo sốt nhẹ trong khoảng thời gian ngắn. Sau khi mọc răng mới trẻ cũng thường bị sốt.
- Sốt do cảm nắng: Thời tiết nóng nực là một trong những nguyên nhân phổ biến gây sốt ở trẻ nhỏ và người lớn.
- Sốt do cảm cúm: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Bé sẽ đi kèm các biểu hiện như ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng kèm với sốt trong 2-3 ngày.
- Sốt do viêm tai: Bé sốt cao kèm theo dấu hiện như biếng ăn, đau tai, chảy mủ, nghe không rõ. Những bé chưa nói được sẽ có các biểu hiện rõ rệt: kéo tai, ngoáy tay vào tai.
Một số bệnh khác: Sốt có thể là một trong những dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm như: viêm phổi, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm màng não, viêm não nhiễm khuẩn huyết,…

Cách chăm sóc trẻ khi bị sốt tại nhà
Cho bé uống nhiều nước và ăn thức ăn loãng
Trẻ bị sốt nên ăn gì? Khi bị sốt, cơ thể mệt mỏi nên trẻ thường biếng ăn. Ba mẹ nên cho trẻ ăn những loại thức ăn loãng như là cháo, súp, phở… nấu cùng các loại thịt, cá… để tăng thêm dưỡng chất. Món ăn cũng nên thêm các loại gia vị như gừng, tỏi, lá hành… để tăng hiệu quả chữa bệnh cho trẻ.
Ngoài ra, khi trẻ sốt sẽ bị mất nước. Vì vậy, ba mẹ nên cho trẻ uống càng nhiều nước càng tốt như: nước ép, nước dùng, súp, trà thảo mộc.
Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát cho trẻ
Một số phụ huynh thấy con sốt chân tay lạnh nên mặc nhiều quần áo, đắp chăn ủ ấm cho con. Như thế không những không giúp con hạ sốt mà còn ngăn chặn cơ chế thải nhiệt tự nhiên của cơ thể.
Do đó, khi trẻ sốt ba mẹ nên cho bé mặc quần áo mỏng, rộng rãi, thoáng mát để cơ thể tỏa bớt nhiệt giúp trẻ hạ sốt nhanh hơn.
Chườm mát cho bé
Một kỹ thuật sơ cứu thường được sử dụng để hạ nhiệt độ cao là đặt túi lạnh dưới nách và ở vùng háng. Điều này được sử dụng trong trường hợp trẻ bị sốt vì các yếu tố bên ngoài; Chẳng hạn như: tập thể dục hoặc ở ngoài trời nắng trong thời gian dài.
Giữ nhiệt độ trong phòng trẻ vừa phải
Bạn nên giữ nhiệt độ trong phòng con ở mức vừa phải, tức là không quá nóng cũng không quá lạnh. Tốt nhất hãy mở các cửa sổ và đặt một chiếc quạt ở chế độ quay để không khí lưu thông và làm thoáng mát không gian trong phòng, giúp bé có cảm giác dễ chịu và không bí bách.
Cho trẻ nghỉ ngơi
Trẻ em có thể cảm thấy tốt hơn sau khi dùng thuốc hạ sốt. Kết quả là, bé có thể cảm thấy nhiều năng lượng và bắt đầu tham gia các trò chơi hao tốn nhiều năng lượng.
Tuy nhiên, để có thể chống lại vi khuẩn, virus, cơ thể chúng ta cần rất nhiều năng lượng. Vì vậy, điều quan trọng lúc này là phải đảm bảo trẻ nghỉ ngơi cho đến khi hết sốt hoặc bệnh. Nếu trẻ không thể ngủ, ba mẹ có thể thử đọc cho chúng nghe một vài câu chuyện hoặc chơi cho một trò chơi nhẹ nhàng nào đó như là xếp hình, búp bê… ngay tại giường.

Những điều cần tránh khi hạ sốt cho trẻ
Một số điều ba mẹ không nên làm khi con sốt như:
- Không ủ ấm, mặc quần áo nhiều lớp.
- Không nên cho trẻ nằm phòng kín, ngột ngạt.
- Không dùng rượu, cồn hay nước đá lau hạ sốt cho bé.
- Không lạm dụng thuốc hạ sốt, chỉ dùng thuốc khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C.
- Không nặn chanh, không cho vật cứng vào miệng khi trẻ sốt cao co giật.
- Không kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt.
- Tuyệt đối không dùng aspirin để hạ sốt cho con.
Trên đây là những biện pháp hạ sốt cho bé tại nhà, ba mẹ có thể áp dụng để chủ động kiểm soát tốt cơn sốt và giúp trẻ dễ chịu hơn khi sốt.
Ba mẹ cần chú ý thường xuyên theo dõi thân nhiệt và dấu hiệu bên ngoài của trẻ, khi bé sốt cao liên tục, ngủ li bì, uống thuốc hạ sốt không hạ, nôn nhiều, co giật,…cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.