Bệnh chàm tai có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Bệnh chàm tai là bệnh ngoài da rất dễ điều trị khỏi nếu người bệnh có các biện pháp điều trị và chăm sóc da phù hợp.
Chàm tai là bệnh gì?
Bệnh chàm tai là một dạng bong tróc, tổn thương lớp biểu bì (lớp da), thường xuất hiện ở các ngón, lòng bàn tay, bàn chân của người mắc bệnh. Tuy nhiên, một trường hợp của bệnh chàm có các triệu chứng khô ráp, bong tróc da ở xung quanh ống tai và bên trong tai. Đây được gọi là bệnh chàm tai.
Chàm tai khởi phát với các biểu hiện như ngứa ngáy khoanh vùng, bị nổi mẩn đỏ phát ban và gây kích ứng bên ngoài ống tai và bên trong tai. Đôi khi, bệnh có thể xuất hiện mà không chịu tác động bởi bất kỳ yếu tố bên ngoài nào.
Nguyên nhân gây chàm tai
- Yếu tố như dị ứng.
- Trạng thái tinh thần.
- Rối loạn chức năng thần kinh – nội tiết.
- Rối loạn chuyển hoá hoặc rối loạn chức năng tiêu hoá.
- Do mủ, thường mủ nhầy, chảy thường xuyên hay ứ đọng mủ lâu. Chàm từ ống tai lan ra vành tai.
- Do thể địa dị ứng, chàm có thể từ đầu, cổ lan đến vành tai và ống tai ngoài.

Triệu chứng của chàm tai
Chàm tai có những những triệu chứng điển hình để nhận biết như:
- Da bị khô, ráp, bong tróc lớp bề mặt và đóng vảy ở ống tai và xung quanh tai.
- Vùng da bị bệnh bị mất lớp ngoài nên thường chuyển sang màu hồng nhạt hoặc màu đỏ.
- Vùng bị chàm sẽ tấy, sưng viêm.
- Luôn có cảm giác ngứa ngáy ở bên trong như bị nấm ống tai hoặc xung quanh tai.
- Xuất hiện chất dịch lỏng có mùi hoặc không có mùi chảy ra từ tai.
- Bệnh cũng có thể lây lan đến các vùng liền kề như gáy, sau tai, vùng kết nối giữa đầu, cổ và tai.
Khi bệnh chàm vùng da trở nên nghiêm trọng hơn do chuyển sang giai đoạn bán cấp tính hoặc mãn tính thì thường có các biểu hiện như:
- Vùng da bị bệnh sưng đỏ, có thể đổi màu hoặc xuất hiện tia máu.
- Làn da khô ráp, trở nên nhạy cảm hơn nên rất dễ bị kích thích gây đau rát, khó chịu.
- Có thể xuất hiện các vết nứt nẻ sâu ở tai hoặc chảy máu.
- Bị nhiễm trùng lớp bề mặt bên trong ống tai.
- Sụn vành tai sưng đỏ, viêm nhiễm.
Cách điều trị chàm tai
Tránh tiếp xúc với dị nguyên
Nếu đã xác định chàm là do phản ứng dị ứng và đã tìm được dị nguyên thì cố gắng tránh tiếp xúc với nó. Khi chưa tìm được tác nhân cụ thể thì cần phải xem xét các yếu tố về môi trường cư trú cho đến các vấn đề ăn uống cũng như các vật dụng và trang phục. Cần phải lưu ý đến những thứ làm bằng lông thú, những loại hoa kiểng, những thức ăn làm từ đồ biển hay trứng sữa..v.v…
Dùng thuốc chống dị ứng
Chọn loại thuốc chống dị ứng thích hợp. Việc bổ sung calci và vitamin C cũng có tác dụng làm giảm tính thẩm thấu, giảm tiết dịch tại chỗ và bớt ngứa.
Làm sạch vùng bị ngứa
Dùng nước Oxy già rửa sạch vùng bị bệnh, thấm khô bằng bông gạc vô trùng, sau đó bôi thuốc mỡ hoặc thuốc hồ có chứa Corticoid và kháng sinh. Có thể dùng gạc vô khuẩn nhúng vào dung dịch Acid boric 3% hoặc dung dịch Acid acetic 5% đắp lên tổn thương cho bớt ngứa.
Làm khô vùng tổn thương
Nếu sau khi đã làm sạch và đắp gạc thuốc mà vẫn thấy “đứng ngồi không yên ngứa xuyên lục địa” thì nên bỏ gạc ra để cho bề mặt tổn thương se lại, khi bề mặt khô đi có thể sẽ hết ngứa. Muốn tổn thương khô nhanh có thể sấy nhẹ bằng máy sấy tóc nhưng phải hết sức cẩn thận, tránh làm bỏng da.
Làm mềm vùng da có tổn thương
Khi bị chàm có “thâm niên” với đặc điểm là vùng tổn thương bị khô nẻ và đóng vảy thì nên sử dụng Vaselin (dùng trong y học), dầu mè hoặc thuốc mỡ Aureomycin (hoặc Tetracyclin) bôi lên cho da mềm lại.
Chườm nóng tại chỗ
Dùng khăn lông sạch ngâm vào nước nóng, sau đó vắt thật khô, chà nhè nhẹ lên chỗ bệnh có thể làm bớt ngứa. Khi dùng phương pháp này cần phải chú ý đến thời gian chà áp và độ nóng của khăn sao cho thích hợp. Nếu khăn quá nóng và chườm quá lâu thì không những làm bệnh nặng thêm mà còn có thể gây bỏng. Cần phải lưu ý rằng phương pháp này chỉ làm bớt ngứa tạm thời chứ hoàn toàn không có tác dụng điều trị.
Ngoài ra, có thể bổ sung canxi và vitamin C, cũng có tác dụng làm giảm tính thẩm thấu, giảm tiết dịch tại chỗ và bớt ngứa.

Phương pháp phòng ngừa
Để phòng tránh các nguy cơ đáng tiếc, mọi người nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh cũng như các biện pháp ngăn bệnh tái lại như:
- Luôn giữ độ ẩm cần thiết cho tai vì khi da tai khô sẽ tạo điều kiện khởi phát các triệu chứng chàm vành tai bằng dầu dừa, dầu dưỡng ẩm tinh chất oliu,…
- Với những người có làn da mẫn cảm nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm không mùi, không chứa thành phần kích ứng và có nguồn gốc thiên nhiên.
- Giữ ấm tai, tránh tiếp xúc với không khí khô và lạnh, nhất là vào đầu mùa đông vì có thể gây kích thích da, ngứa da và làm xuất hiện các triệu chứng chàm da.
- Nên vệ sinh sạch ống tai và vùng da xung quanh tai bằng nước ấm thường xuyên để bảo vệ tai khỏi bệnh chàm và các bệnh viêm tai khác.
- Nếu đã từng mắc chàm da, nên hạn chế đeo tai nghe, dùng kẹp kim loại, không nên sử dụng các loại trang sức kim loại, đặc biệt là các trang sức làm từ Niken.
- Tránh ăn nhiều các thực phẩm gây dị ứng hoặc gây kích thích da như: Đồ cay nóng, Hải sản, thuốc lá, bia rượu, nước ngọt có gas,…
- Sử dụng các loại chất tẩy rửa, dầu gội đầu, sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa chất kích thích, thích hợp với da nhạy cảm. Mọi người cũng có thể tham khảo ý kiến từ các bác sĩ da liễu để lựa chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp với cơ địa.
Mặc dù không nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng nhưng nếu không điều trị đúng cách thì bệnh chàm tai sẽ để lại biến chứng nhiễm khuẩn. Vì vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu của chàm tai, người bệnh nên chủ động tới các cơ sở y tế thăm khám để được điều trị tốt nhất. Bên cạnh đó bạn cần bổ sung các chất dinh dưỡng tốt, tăng cường sức đề kháng để chống dị ứng.