Chấn thương liên quan đến dây chằng đầu gối luôn là nỗi ám ảnh của bất kỳ ai, đặc biệt là người chơi thể thao. Trong đó, chấn thương dây chằng bên ngoài là chấn thương khá phổ biến và quá trình phục hồi cũng cần nhiều thời gian. Khi có dấu hiệu dây chằng bên bị đứt, người bệnh cần được điều trị đúng cách và kịp thời.
Chấn thương dây chằng bên ngoài
Dây chằng bên gối (dây chằng bên ngoài) là dây chằng chính giữ nhiệm vụ nâng đỡ mặt ngoài đầu gối. Dây chằng này được cấu tạo từ những dải mô dày và chắc, có chức năng kết nối xương với nhau giúp ổn định khớp khi khớp gối bị đẩy ra phía ngoài. Chấn thương dây chằng bên gối là tình trạng giãn hoặc rách dây chằng này.
Tổn thương dây chằng bên ngoài (LCL) bao gồm căng, bong gân, đứt dây chằng (một phần hay hoàn toàn). Đây là loại dây chằng sẽ bị tổn thương khi vận động khớp gối sai cách, khi bị tổn thương dây chằng ở đây sẽ gây ảnh hưởng đến các dây chằng khác ở đầu gối.
Có 3 mức độ chấn thương dây chằng bên gối:
- Chấn thương độ 1: Dây chằng giãn nhẹ nhưng không bị lỏng.
- Chấn thương độ 2: Dây chằng bị rách một phần.
- Chấn thương độ 3: Dây chằng bị rách hoàn toàn và khớp không ổn định.
Nguyên nhân chấn thương dây chằng bên
Dây chằng bên ngoài đầu gối có thể bị chấn thương nếu gặp lực ép lên đầu gối từ trong ra ngoài. Chấn thương này chủ yếu xảy ra khi chơi thể thao, tuy nhiên, cũng có thể xuất hiện do sử dụng khớp quá mức hoặc do ngã nếu đối tượng đã cao tuổi.
Các tác nhân thường gặp bao gồm:
- Một lực mạnh tác động trực tiếp vào bên trong đầu gối: Lực này gây tác động lên dây chằng dọc theo mép ngoài đầu gối, khiến cho dây chằng bị kéo căng quá mức hoặc bị rách. Chẳng hạn như sự va chạm giữa các cầu thủ trong các môn thể thao như bóng đá hoặc khúc côn cầu.
- Thay đổi hướng nhanh chóng hay xoay người bằng một chân: Nguyên nhân này có thể xảy ra trong các môn thể thao đòi hỏi tốc độ di chuyển nhanh như bóng đá hoặc bóng rổ. Cầu thủ thường thực hiện các cú xoay người hoặc dừng đột ngột. Người chơi đô vật cũng có thể bị tổn thương LCL nếu chân của họ trẹo ra ngoài trong một chuyển động đột ngột.
- Tiếp đất sai cách sau cú bậc: Nguyên nhân chấn thương LCL này có thể xảy ra trong một trận đấu bóng rổ hoặc bóng chuyền.
Đứt dây chằng bên ngoài gối gây hậu quả nghiêm trọng như giảm bớt vai trò chức năng của khớp gối, rách sụn chêm thứ phát, suy yếu khớp gối… Khi có dấu hiệu dây chằng LCL bị đứt, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và hạn chế di chứng.
Điều trị chấn thương dây chằng bên ngoài ở đầu gối
Đối với chấn thương nhẹ, người bệnh có thể điều trị tại nhà:
- Nghỉ ngơi.
- Chườm đá lên vị trí đau.
- Sử dụng băng thun gối hoặc nẹp để cố định đầu gối.
- Nâng vị trí đầu gối cao hơn tim.
- Uống thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau và phù nề.
- Hạn chế hoạt động thể chất đến khi dây chằng phục hồi.
Với trường hợp đứt dây chằng bên ngoài nghiêm trọng hơn, người bệnh cần tập vật lý trị liệu. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân những bài tập tăng cường cơ bắp quanh đầu gối.
Phương pháp trị liệu sẽ được áp dụng để hỗ trợ người bệnh cải thiện phạm vi chuyển động của đầu gối, giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi chấn thương.
Có thể cần tiến hành phẫu thuật trong trường hợp tổn thương nặng, ví dụ như khi dây chằng bị rách và đầu gối không ổn định. Phẫu thuật phục hồi dây chằng giúp người bệnh phục hồi cơ năng khớp gối, ngăn chặn các tổn thương khác như rách sụn chêm, suy yếu khớp gối…
Quá trình phục hồi
- Đối với những chấn thương nhẹ, dây chằng LCL có thể lành lại mà không có di chứng gì. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là nếu dây chằng đã bị kéo căng quá mức, nó không thể phục hồi lại như ban đầu. Đầu gối sẽ bị mất đi sự ổn định, người bệnh có thể dễ dàng bị chấn thương dây chằng trở lại.
- Đối với những người bị chấn thương nặng mà không được phẫu thuật, khớp gối sẽ thiếu sự ổn định và dễ bị chấn thương. Bệnh nhân có khả năng không thực hiện được các hoạt động thể chất yêu cầu gập gối nhiều như chạy, leo núi hoặc đi xe đạp. Người bệnh cần đeo băng bảo vệ đầu gối khi hoạt động thể chất.
- Đối với những người phải phẫu thuật, triển vọng hồi phục LCL sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương và quá trình phẫu thuật. Tóm lại, người bệnh sẽ cải thiện khả năng vận động và sự ổn định của khớp gối sau khi lành chấn thương hoàn toàn.
Cách phòng ngừa chấn thương
Chấn thương dây chằng bên ngoài rất khó ngăn ngừa. Vì chấn thương này thường do tai nạn hay tình huống khó đoán trước. Để ngăn ngừa chấn thương thì cần phải đảm bảo thực hiện biện pháp phòng ngừa mỗi khi vận động.
- Đảm bảo tập luyện đúng kỹ thuật.
- Thực hiện bài tập giãn cơ thường xuyên để duy trì phạm vi chuyển động của cơ thể ở mức tốt nhất.
- Chú trọng các bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp ở chân để giúp ổn định khớp.
- Thận trọng khi chơi các môn thể thao dễ gặp chấn thương đầu gối.
Đứt dây chằng bên ngoài rất thường xảy ra có trong quá trình chơi thể thao hoặc sinh hoạt hằng ngày nếu đầu gối bị chấn thương do chịu tác động mạnh. Khi nhận thấy dấu hiệu đứt dây chằng bên, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh hậu quả nghiêm trọng.
Leave a reply