Chóng mặt là cảm giác mất thăng bằng, khiến bạn cảm thấy chính mình hoặc môi trường xung quanh quay cuồng, lật nhào, xoay tròn khiến bạn không thể giữ thăng bằng và té ngã. Cơ chế sinh bệnh của chóng mặt rất phức tạp và việc điều trị tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây chóng mặt.
Chóng mặt là bệnh gì?
Chóng mặt, nhức đầu không được xem là bệnh mà người ta gọi đó là triệu chứng hay hội chứng của một bệnh lý nào đó có ở bệnh nhân. Có thể do lượng máu không đủ để cung cấp cho não sẽ khiến các tế bào thần kinh không có đủ oxy và các dưỡng chất cần cho hoạt động thường ngày.
Nguyên nhân chóng mặt
Nguyên nhân chóng mặt ngoại biên
- Bệnh Meniere: Tình trạng bất thường này khá hiếm gặp ở tai trong. Triệu chứng này được gây ra bởi bệnh Meniere thường khá nặng nề, diễn ra trong vài giờ cho đến vài ngày, có kèm theo biểu hiện nôn mửa và suy giảm thính lực dài hạn.
- Viêm dây thần kinh sọ não số 8: Dây thần kinh sọ não số VIII còn được gọi là dây tiền đình ốc tai, có vai trò giữ thăng bằng cho cơ thể.
- Từng bị chấn thương đầu: Nguyên nhân gây chóng mặt ngoại biên là do ảnh hưởng của bệnh sử. Những người đã bị thương ở đầu có thể bị rối loạn tai rồi gây chóng mặt.
Nguyên nhân chóng mặt trung ương
- Migraine tiền đình: Bệnh này còn được gọi với một vài tên khác như: “đau nửa đầu” kèm với triệu chứng chóng mặt. Cơn đau đầu có thể xảy ra đột ngột hoặc có các triệu chứng báo trước như: hoa mắt, mờ mắt, chóng mặt, ù tai, nhìn một hình thành hai hình, tê buốt da đầu. Theo khảo sát, trên thế giới tỉ lệ lưu hành bệnh đau nửa đầu chiếm khoảng 15% ở phụ nữ và 5% ở nam giới. Có khoảng 12% dân số mắc bệnh này.
- Đa xơ cứng: Đây là một chứng rối loạn não bộ và tủy sống với chức năng thần kinh bị giảm sút kết hợp với việc hình thành sẹo trên lớp phủ ngoài của các tế bào thần kinh. Người mắc bệnh đa xơ cứng sẽ có các triệu chứng là hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng, yếu cơ, nói lắp, chuột rút…
- Đột quỵ: Triệu chứng phổ biến của bệnh đột quỵ là hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng, thị lực giảm, cơ thể mệt mỏi, cử động khó, khó phát âm, tê cứng bộ phận cơ thể.
- U não: Các khối u trong não hình thành và phát triển sẽ khiến triệu chứng chóng mặt xảy ra thường xuyên và nặng hơn. Nguyên nhân do khối u xâm lấn dẫn tới sự phối hợp không đồng bộ với chuyển động của cơ thể, gây tăng tình trạng chóng mặt, mất thăng bằng.

Dấu hiệu nhận biết chóng mặt
Chóng mặt thường là triệu chứng của một căn bệnh nào đó. Các triệu chứng thường đi kèm là:
- Đầu óc quay cuồng hoặc cảm thấy mệt mỏi.
- Đứng không vững hay cảm giác mất thăng bằng.
- Cảm giác bồng bềnh.
- Đau đầu.
- Chóng mặt buồn nôn.
Những dấu hiệu này sẽ làm người bệnh cảm giác buồn nôn, nôn mửa, đổ mồ hôi nhiều, đôi khi mắt chuyển động bất thường, ù tai và giảm cảm giác. Chóng mặt thường không kéo dài lâu mà sẽ biến mất trong vài phút, giờ hoặc cả ngày.
Điều trị chóng mặt
Điều trị chóng mặt nhằm mục đích điều trị nguyên nhân (nếu nguyên nhân được xác định), làm giảm các triệu chứng và giúp người bệnh phục hồi sức khỏe.
Sau khi xác định được nguyên nhân gây chóng mặt, Bác sĩ chuyên khoa có thể đề nghị các phương pháp điều trị như dùng thuốc, thủ thuật hoặc thay đổi lối sống.
Điều trị bằng thuốc
Điều trị bằng thuốc thường không được khuyến khích nếu các đợt chóng mặt của người bệnh chỉ kéo dài vài giây hoặc vài phút và tần suất diễn ra không thường xuyên.
Thuốc có thể bao gồm:
- Kháng Histamin: Diphenhydramine, dimenhydrinate,…
- Thuốc chống nôn: Ondansetron, promethazine, metoclopramide,…
- Thuốc an thần: Diazepam, lorazepam,…

Biện pháp phòng bệnh
Bạn sẽ có thể kiểm soát chóng mặt và hạn chế diễn tiến xấu của tình trạng này nếu duy trì thói quen, chế độ sinh hoạt phù hợp như sau:
- Cẩn thận khi đi lại nếu cảm thấy mất khả năng thăng bằng, có thể chống gậy để hỗ trợ khi triệu chứng quá nặng.
- Tránh thay đổi tư thế quá đột ngột.
- Hạn chế đặt những đồ vật dễ gây vấp ngã trong nhà.
- Ngồi hoặc nằm xuống ngay khi cảm thấy chóng mặt.
- Không lái xe hoặc vận hành máy móc nguy hiểm nếu thường xuyên bị chóng mặt.
- Giảm lượng cà phê, rượu, thuốc lá và muối tiêu thụ vào cơ thể.
- Uống đủ nước, tuân thủ thực đơn ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng, stress.
- Tìm hiểu về các tác dụng phụ của những loại thuốc đang sử dụng và tham vấn ý kiến của bác sĩ.
- Dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát và bù chất điện giải.
Chóng mặt có thể được xử lý nếu như bệnh nhân đến khám sớm và điều trị hiệu quả. Khi có biểu hiện choáng váng và chóng mặt, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh. Việc phát hiện sớm có thể nâng cao hiệu quả điều trị và phòng tránh rủi ro về sức khỏe. Bên cạnh đó cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp việc nên tập thể dục đều đặn, giảm stress, cố gắng nghỉ ngơi và làm việc trong một không khí trong lành, ngủ đủ giấc sức khỏe của bạn sẽ đảm bảo hơn.