Đột quỵ được xếp vào nhóm các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu sau ung thư và bệnh tim mạch. Đáng lo ngại hơn khi đột quỵ có thể xảy ra vào thời điểm bất kỳ và không phân biệt đối tượng nào. Do đó tầm soát đột quỵ là cách duy nhất giúp phòng ngừa tình trạng này, từ đó nâng cao chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Tìm hiểu chung về đột quỵ
Đột quỵ được phân thành 2 nhóm chính, bao gồm: Xuất huyết não (do vỡ mạch máu não) và nhồi máu não (do tắc động mạch não).
Xuất huyết não
Là tình trạng vỡ mạch máu não làm máu chảy vào nhu mô não, khoang dưới nhện hay não thất. Máu tụ lại thành huyết khối. Sự chèn ép, tăng áp lực nội sọ và thiếu máu nuôi làm một hay nhiều nhu mô não bị hoại tử. Nguyên nhân thường gặp nhất là do tăng huyết áp, ít gặp hơn là do vỡ túi phình động mạch não, bệnh mạch máu não dạng bột, rối loạn đông máu…
Nhồi máu não
Xảy ra khi một động mạch cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn. Có hai cơ chế gây tắc nghẽn động mạch não là cơ chế huyết khối và cơ chế thuyên tắc:
- Cơ chế huyết khối: Các mảng xơ vữa bên trong thành mạch có thể tiến triển gây hẹp dần lòng mạch. Các tổn thương này có thể dẫn đến sự kết tập bất thường của tiểu cầu tại vị trí hẹp, làm lòng mạch bị tắc nghẽn hoàn toàn. Hậu quả là một phần của não bị thiếu máu nuôi, dẫn đến đột quỵ do thiếu máu tại chỗ.
- Cơ chế thuyên tắc: Động mạch bị tắc nghẽn do huyết khối từ nơi khác đến gây lấp mạch. Huyết khối này có thể được hình thành từ tim hoặc do mảng xơ vữa động mạch bong tróc ra. Dạng đột quỵ này được gọi là đột quỵ do thuyên tắc.

Những ai cần tầm soát đột quỵ?
Theo các chuyên gia y tế thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ nhưng những bệnh nhân có các đặc điểm sau đây thì nên chủ động tầm soát đột quỵ:
- Bệnh nhân trước đây đã từng bị đột quỵ.
- Người thừa cân, béo phì.
- Huyết áp cao.
- Rối loạn lipid máu, cholesterol máu cao.
- Mắc bệnh tim mạch: hẹp động mạch cảnh, phình mạch não, tăng homocystein máu, rối loạn dễ chảy máu, bị rung nhĩ, bệnh van tim, suy tim, nhồi máu cơ tim,…
- Bệnh hồng cầu hình liềm.
- Đái tháo đường.
- Lối sống thiếu lành mạnh: hút thuốc lá, sử dụng thuốc phiện hoặc cocain, ít hoặc không vận động, chế độ dinh dưỡng không khoa học, uống nhiều bia rượu,…
- Từng gặp chấn thương vùng đầu cổ.
- Đang dùng thuốc ngừa thai.
Đặc biệt cần lưu ý, ở những bệnh nhân đã từng bị đột quỵ thì rủi ro đột quỵ tái phát những lần sau là cao hơn hẳn so với người bình thường. Do đó đối với những bệnh nhân ở nhóm này thì mục tiêu tầm soát đột quỵ là tìm hiểu nguyên nhân làm vỡ mạch máu hoặc tắc nghẽn mạch máu để điều trị và theo dõi, hạn chế tối đa nguy cơ tai biến mạch máu não xảy ra thêm lần nữa.
Nếu bị đột quỵ bệnh nhân sẽ phải đối mặt với những di chứng nghiêm trọng như: giảm sút trí nhớ, rối loạn ngôn ngữ, ăn uống dễ bị nghẹn sặc, mất hoặc giảm chức năng di chuyển, vận động, liệt nửa người,… nặng nhất là sống thực vật hoặc tử vong.
Biện pháp chuẩn đoán đột quỵ
- Đo điện tim (ECG): Biện pháp này giúp ghi lại các hoạt động điện của tim, giúp chẩn đoán bệnh tim mạch như rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim,… và sơ bộ đánh giá, tiên lượng yếu tố nguy cơ đột quỵ của bệnh nhân.
- Soi đáy mắt: Giúp kiểm tra tầm nhìn và xác định các tổn thương đáy mắt do tiểu đường và tăng huyết áp.
- Chụp X-quang ngực: Tìm kiếm các bất thường tim mạch và lồng ngực nhờ hình ảnh hiển thị ở phổi, tim và đường thở.
- Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ mạch máu não và não để bác sĩ đánh giá cấu trúc não và mạch máu chi tiết hơn, từ đó chẩn đoán bất thường xảy ra tại xương sọ và tại não.
- Siêu âm tim: Nhằm phát hiện bệnh lý ở tim như bệnh van tim, buồng tim, bệnh mạch vành hay van tim bẩm sinh, ngoài ra còn kịp thời chẩn đoán cục máu đông ở tim để can thiệp kịp thời, tránh trường hợp tắc mạch do cục máu đông gây ra.
- Siêu âm bụng: Giúp ghi lại hình ảnh của các tạng ở ổ bụng như lách, gan, tụy, mật, buồng trứng, tử cung, tuyến tiền liệt,…
- Siêu âm động mạch cảnh và động mạch đốt sống: Hình ảnh do siêu âm ghi lại có thể cho biết người bệnh có đang bị hẹp hay xơ vữa động mạch hay không.

Biện pháp phòng tránh đột quỵ
- Tập thể dục đều đặn: Chỉ cần 30 phút tập thể dục với tần suất năm lần một tuần có thể giảm 25% nguy cơ đột quỵ.
- Chế độ ăn khỏe mạnh: Lựa chọn thực phẩm tốt sẽ giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý, giảm huyết áp và giảm cholesterol. Chế độ ăn tốt nhất để phòng ngừa đột quỵ là ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật với một lượng nhỏ thịt và cá.
- Duy trì cân nặng hợp lý sẽ giúp bạn giảm nguy cơ đột quỵ.
- Ngưng hút thuốc: Một người hút 20 điếu thuốc mỗi ngày có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 6 lần so với người không hút thuốc.
- Hạn chế uống rượu: Uống quá nhiều rượu thường xuyên hoặc uống quá mức cho phép có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Kiểm soát Cholesterol máu: Đột quỵ có liên quan đến mức cholesterol LDL cao. LDL cholesterol có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống và (hoặc) sử dụng thuốc.
- Kiểm soát tăng huyết áp: Hơn một nửa số ca đột quỵ có liên quan đến tăng huyết áp. Kiểm soát huyết áp bằng cách thay đổi lối sống và (hoặc) thuốc phù hợp.
Đột quỵ có nguy cơ cao gây tử vong hoặc để lại các di chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, đột quỵ có thể ngăn ngừa được bằng cách điều trị phòng ngừa lâu dài và kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác.