Thai trứng là bệnh lý chỉ sự phát triển bất thường của gai nhau, có ảnh hưởng xấu đối với bào thai và sức khỏe sinh sản của người mẹ, đòi hỏi cần phát hiện và điều trị sớm để ngăn chặn biến chứng.
Chửa trứng là gì?
Thai trứng hay còn gọi là chửa trứng là tình trạng phát triển không bình thường của rau thai. Một phần bánh rau phát triển quá nhanh dẫn đến tình trạng bị thoái hóa thành các túi chứa dịch. Những túi dịch này liên kết với nhau ở tử cung mẹ, ngăn cản sự phát triển của bào thai.
Phân loại chửa trứng
Chửa trứng được phân chia thành:
- Thai trứng hoàn toàn: Không có sự xuất hiện của tổ chức thai nhi, gai nhau phình to, mạch máu lông rau biến mất, tế bào nuôi tăng mạnh.
- Thai trứng bán phần: Vẫn có sự hiện diện của thai nhi hoặc 1 phần của thai nhi. Gai nhau phần lớn biến thành túi nước, phần còn lại bình thường.
Chửa trứng cũng có thể được phân biệt dựa vào tính chất:
- Chửa trứng lành tính: Lớp hợp bào không bị phá vỡ, lớp đơn bào không ăn vào cơ tử cung.
- Chửa trứng ác tính (chửa trứng xâm nhập): Lớp hợp bào mỏng đi và có từng vùng bị phá vỡ. Lớp đơn bào ở trong xâm lấn ra ngoài tràn vào niêm mạc tử cung, ăn sâu vào lớp cơ tử cung, có khi ăn thủng lớp cơ tử cung gây chảy máu trong ổ bụng.
Nguyên nhân xuất hiện chửa trứng
- Sai sót của yếu tố di truyền trong quá trình thụ tinh đã dẫn đến những bất thường ở bộ nhiễm sắc thể. Khoảng 90% trường hợp thai trứng bắt nguồn từ người cha và 10% từ người mẹ.
- Thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi hoặc dưới 20 tuổi.
- Phụ nữ đã sinh đẻ nhiều lần, hoặc có tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường, hoặc đã có những bất thường ở dạ tử cung, là 1 trong những yếu tố nguy cơ cao gây nên chửa trứng.
- Thiếu dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ như thiếu các chất dinh dưỡng như đạm, acid folic vitamin A… Do đó, tỉ lệ mắc ở các nước đang phát triển cao hơn các nước phát triển.

Triệu chứng của thai trứng
Phụ nữ khi mang thai trứng sẽ có những triệu chứng sau đây:
- Bị chậm kinh.
- Rong huyết: Biểu hiện phổ biến nhất của thai trứng, xảy ra sau khi bị trễ kinh vài tuần. Máu âm đạo ra tự nhiên, máu loãng và có màu bầm đen, có thể ra ít hoặc nhiều trong nhiều ngày.
- Nghén nặng: Tình trạng nôn nhiều và kéo dài, cơ thể mệt mỏi, xanh xao, phù nề.
- Vùng bụng dưới đau, nặng bụng.
- Huyết áp tăng, đạm niệu.
- Tử cung mềm, to ra nhanh hơn so với tuổi thai.
- Khi đến giữa thai kỳ không sờ được phần thai, không nghe được tim thai.
- Nếu thai trứng toàn phần sẽ xảy ra tình trạng thiếu máu, thai phụ có biểu hiện mệt mỏi, xanh xao, niêm mạc nhợt, bị hoa mắt chóng mặt.
- Dấu hiệu tiền sản giật.
- Triệu chứng cường giáp: Nhịp tim nhanh, mệt mỏi, đồ mồ hôi, run tay.
Triệu chứng của thai trứng đa dạng nên rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý sản khoa như thai chết lưu, chửa ngoài tử cung, u xơ tử cung….
Chửa trứng có nguy hiểm không?
- Mất máu: Tình trạng rong huyết kéo dài khiến lượng máu giảm nhanh, khiến thai phụ bị suy giảm thể lực, tính khí thay đổi thất thường,…
- Ung thư tế bào nuôi: Diễn biến bệnh kéo dài, nhất là trong trường hợp bệnh mang tính chất ác tính sẽ có thể dẫn đến ung thư tế bào nuôi.
- Nhiễm độc thai nghén: Đây là một tình trạng rất nguy hiểm đối với người mẹ, gây tổn thương các mạch máu và hưởng đến nhiều cơ quan khác (như thận, tử cung, gan,…), có thể dẫn đến chứng tiền sản giật và sản giật.
- U nang hoàng tuyến: Biến chứng này thường xuất hiện ở người mắc bệnh do nồng độ hCG tăng cao.
- Thủng tử cung: Trong các trường hợp ác tính, khi các túi dịch phát triển và xâm nhập sâu vào lớp cơ tử cung có thể gây thủng tử cung.
- Một số biến chứng khác: Suy dinh dưỡng, sẩy thai, cường giáp,…
- Băng huyết: Do trứng bị sảy gây băng huyết, nguy hiểm đến tính mạng thai phụ.
- Xâm lấn gây thủng tử cung: Do trứng ăn sâu vào cơ tử cung, làm thủng lớp cơ tử cung, gây chảy máu ổ bụng.
- Ung thư: Ung thư tế bào nuôi xâm nhập sang cơ thể mẹ qua đường máu di căn đến bộ phận xa. Đây còn gọi là hiện tượng ung thư mô trung sản, chiếm khoảng 10 – 30% các ca chửa trứng.
Ung thư nguyên bào nuôi thường xâm lấn sâu vào lớp cơ tử cung gây hoại tử chảy máu và di căn xa đến các phủ tạng khác của cơ thể như gan, phổi, não, làm việc điều trị rất khó khăn.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh chửa trứng
Bác sĩ chẩn đoán bệnh chửa trứng dựa vào các triệu chứng, khám âm đạo bệnh nhân và thực hiện một số xét nghiệm:
- Khám âm đạo: Có thể thấy nhân di căn âm đạo, to bằng ngón tay máu tím sẫm, dễ vỡ gây chảy máu, khám phần phụ có thể thấy nang hoàng tuyến hai bên mọng, di động dễ.
- Xét nghiệm: Lượng β hCG tăng cao trên 30.000 đơn vị ếch hoặc khoảng 100.000 mlU/ml.
- Siêu âm: Có thể nhiều âm vang trong buồng tử cung, không có âm vang thai, có thể thấy hình lỗ chỗ trong khối rau như hình ảnh tuyết rơi, hoặc thấy nang hoàng tuyến hai bên. Ngoài ra một số phòng thí nghiệm hiện đại có thể giúp chẩn đoán xác định chửa trứng bằng cách phát hiện nồng độ amino peptit, HPL (human Placean Lactogen), estrogen.

Điều trị chửa trứng
Biện pháp điều trị bệnh:
- Nạo hút thai trứng: Càng sớm càng tốt, để phòng sẩy thai gây băng huyết. Trước khi nạo hút, bác sĩ sẽ dùng thuốc làm mềm cổ tử cung. Sau đó, cổ tử cung được nong và đặt dụng cụ để hút toàn bộ phần mô bất thường trong lòng tử cung. Với phương pháp này nên tránh thai trong vòng 2 năm.
- Phẫu thuật cắt tử cung dự phòng: Đối với phụ nữ trên 40 tuổi hoặc đã có đủ con không muốn có con nữa thì có thể áp dụng biện pháp cắt toàn bộ tử cung mà không cần nạo trứng trước. Mục đích của cắt tử cung là làm giảm nguy cơ biến chứng thành bệnh ung thư tế bào nuôi.
Phòng ngừa chửa trứng
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Tăng cường sức khỏe, cải thiện yếu tố xã hội, nâng cao mức sống.
- Tập luyện thể dục thường xuyên.
- Ăn uống khoa học để tăng sức đề kháng, đề phòng các diễn biến xấu của bệnh.
Chửa trứng là bệnh nguy hiểm nhưng rất hiếm gặp, cần được kịp thời phát hiện và điều trị. Sau khi chửa trứng được loại bỏ, việc chăm sóc cực kì quan trọng để đảm bảo rằng không có chi tiết nào còn sót lại trong tử cung. Để phòng ngừa tốt bệnh chửa trứng, ngoài việc chú trọng chăm sóc về mặt dinh dưỡng và tinh thần của thai phụ, cần kết hợp việp tạp luyện thể chất nâng cao sức khỏe, đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh.
Leave a reply