Bệnh ngủ rũ là một loại bệnh rối loạn giấc ngủ rất phức tạp, nó ngược lại với tình trạng mất ngủ. Người mắc bệnh này nếu không được điều trị sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống.
Chứng ngủ rũ là gì?
Chứng ngủ rũ là điển hình cho một dạng rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến sự kiểm soát giấc ngủ và sự tỉnh táo của con người. Những người bị chứng ngủ rũ thường rơi vào tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày, các cơn ngủ đến không thể kiểm soát được. Đặc biệt là các cơn ngủ này có thể xảy ra ở bất cứ lúc nào, trong bất kỳ hoạt động nào trong ngày.
Có hai loại ngủ rũ là ngủ rũ với sự tê liệt nhất thời và ngủ rũ không có sự tê liệt nhất thời. Thực tế thống kê cho thấy, chứng ngủ rũ không quá phổ biến và thường bắt đầu trong độ tuổi từ 10- 25 tuổi.
Nguyên nhân gây ra chứng ngủ rũ
Nguyên nhân gây ra chứng ngủ rũ chưa được kết luận. Các chuyên gia nghĩ rằng nó liên quan đến nhiều yếu tố kết hợp với nhau và gây ra các vấn đề trong não, làm rối loạn giấc ngủ của bạn.
Các nhà khoa học đang tiến gần hơn đến việc tìm ra các gen liên quan đến chứng rối loạn này. Những gen này kiểm soát việc sản xuất các hóa chất trong não có thể báo hiệu chu kỳ ngủ và thức.
Một số chuyên gia cho rằng chứng ngủ rũ có thể xảy ra do não của bạn gặp khó khăn trong việc tạo ra một chất hóa học gọi là hypocretin. Họ cũng phát hiện ra các vấn đề ở các bộ phận của não liên quan đến việc kiểm soát giấc ngủ.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng ngủ rũ bao gồm tuổi của bạn. Chứng ngủ rũ thường bắt đầu ở độ tuổi từ 15 đến 25, nhưng nó có thể biểu hiện ở mọi lứa tuổi. Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc chứng ngủ rũ, nguy cơ mắc bệnh này cao hơn 20 đến 40 lần.

Triệu chứng ngủ rũ
Các triệu chứng phổ biến nhất của chứng ngủ rũ bao gồm buồn ngủ nhiều vào ban ngày, mất kiểm soát cơ bắp, bóng đè, ảo giác.
Nếu bạn bị chứng ngủ rũ, có thể bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ trong ngày ngay cả khi bạn đã có một giấc ngủ ngon. Bạn có thể bị thiếu năng lượng, tâm trạng chán nản, khó tập trung hoặc kiệt sức.
Tác hại của chứng ngủ rũ
Chứng ngủ rũ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời. Có thể nói đến các tác hại điển hình của chứng ngủ rũ như:
- Gây sự hiểu lầm: người bị ngủ rũ sẽ bị hiểu lầm về nhân cách như biểu hiện của sự lười biếng, mất tập trung, khó tập trung khi làm việc không hiệu quả.
- Ảnh hưởng đến các mối quan hệ: tình trạng ngủ nhiều ban ngày có thể làm giảm ham muốn tình dục, bất lực hoặc ngủ quên khi đang quan hệ gây xấu cho quan hệ tình cảm. Các cảm xúc mãnh liệt, giận dữ hoặc hạnh phúc có thể kích hoạt không đúng lúc, một vài triệu chứng như mất trương lực cơ làm ảnh hưởng đến quan hệ với những người khác.
- Gây hại cho thể chất: các cơn ngủ rũ có thể ảnh hưởng đến khi đang lái xe hoặc bị đứt tay… khi đang thực hiện các hành động nấu ăn mà rơi vào trạng thái ngủ rũ.
- Béo phì: người mắc bệnh ngủ rũ có xu hướng thừa cân, số cân nặng tăng lên có thể liên quan đến thuốc, sự thụ động, ăn nhiều, giảm hypocretin hoặc tất cả các yếu tố này kết hợp lại.
Một số phương pháp được áp dụng trong chẩn đoán ngủ rũ
Để kết luận bệnh nhân có đang bị chứng ngủ rũ hay không, bên cạnh dựa trên những biểu hiện lâm sàng thì bác sĩ sẽ kết hợp chẩn đoán thông qua các yếu tố như sau:
- Khai thác lịch sử ngủ rũ: Bệnh nhân cần cung cấp cho bác sĩ về lịch sử giấc ngủ hàng ngày thông qua các câu hỏi ngắn giúp đánh giá chính xác về tình trạng bệnh.
- Theo dõi nhật ký buồn ngủ: Người bệnh cần ghi lại chính xác lịch trình giấc ngủ của mình mỗi ngày trong vòng từ 1 – 2 tuần. Dựa trên nhật ký này bác sĩ sẽ so sánh biểu đồ tương quan giữa lịch thức và lịch ngủ. Hoặc bệnh nhân sẽ đeo thiết bị actigraph tương tự như một chiếc đồng hồ đeo tay giúp theo dõi và ghi lại chu trình giấc ngủ của người bệnh.
- Thử độ trễ giấc ngủ: Giúp kiểm tra thời điểm bệnh nhân chìm vào giấc ngủ tiếp theo, mỗi giấc ngủ trong ngày cách nhau bao nhiêu lâu. Bệnh nhân bị ngủ rũ mắt thường chuyển động nhanh và dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
- Nghiên cứu sâu hơn về giấc ngủ: Sử dụng các điện cực để đặt lên da đầu bệnh nhân giúp kiểm tra các tín hiệu trong quá trình ngủ. Bệnh nhân cần thực hiện biện pháp này tại viện.

Điều trị và phòng ngà chứng ngủ rũ
Việc thay đổi lối sống đống vai trò quan trọng trong kiểm soát và khắc phục chứng ngủ rũ. Người mắc chứng ngủ rũ nên:
- Ngủ một giấc ngắn: Có những giấc ngủ ngắn theo lịch trình thường xuyên vào những thời điểm họ có xu hướng cảm thấy buồn ngủ nhất.
- Duy trì một lịch trình ngủ đều đặn: Đi ngủ và thức dậy vào đúng một thời điểm hàng ngày, dù là ngày nghỉ, có thể giúp mọi người ngủ ngon.
- Tránh uống rượu và chất kích thích thần kinh trong vài giờ buổi tối trước khi đi ngủ.
- Không hút thuốc, nhất là vào ban đêm.
- Tập thể dục thường xuyên ít nhất 4 – 5 tiếng trước khi đi ngủ có thể giúp bạn tỉnh táo vào ban ngày và ngủ ngon.
- Nên ăn tối trước 19 giờ và chế độ ăn ít năng lượng vào bữa tối.
- Thư giãn trước khi đi ngủ: Các hoạt động thư giãn như tắm nước ấm trước khi đi ngủ tối giúp thúc đẩy cơn buồn ngủ. Đồng thời đảm bảo không gian ngủ thoáng mát, dễ chịu, không để hoa và chất tạo mùi trong phòng, duy trì nhiệt độ phòng phù hợp.