Chuyển dạ đình trệ là một nỗi ám ảnh của sản phụ trong quá trình chuyển dạ, có thể mang đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Chuyển dạ đình trệ bao gồm chuyển dạ kéo dài và chuyển dạ tắc nghẽn.
Đình trệ chuyển dạ là gì?
Chuyển dạ đình trệ hay chuyển dạ ngưng tiến triển là sự kéo dài thời gian chuyển dạ của người mẹ vượt quá thời gian thai nhi được chỉ định ra đời, kèm theo đó là nhiều biến chứng đối với thai phụ và em bé. Chuyển dạ đình trệ bao gồm chuyển dạ kéo dài và chuyển dạ tắc nghẽn. Đây là cuộc chuyển dạ vì nguyên nhân cơ học bị ngừng lại hoặc buộc phải có can thiệp ngay.
Nguyên nhân dẫn đến chuyển dạ đình trệ
Chuyển dạ đình trệ là một cuộc sinh khó không được phát hiện sớm. Tuy nhiên, dựa trên mặt biểu hiện có thể chia thành 2 nguyên nhân chính:
Do cơ địa mẹ bầu
Cơ thể mẹ có thể mang một vài khiếm khuyết về khung xương chậu như khung xương hẹp toàn diện, dẹt, hẹp ngang, méo. Mẹ bầu có u nang buồng trứng, u xơ tử cung ở vị trí tiền đạo, u xương chậu, tử cung đôi cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến hành trình vượt cạn.
Do ngôi thai bất thường
Giai đoạn chuyển dạ có thể bị ảnh hưởng bởi ngôi thai. Ngôi bất thường có đường kính ngôi lớn: ngang, trán, mặt. Ngôi chỏm nhưng đầu cúi không tốt, kiểu thế xấu như chẩm sau hoặc chẩm ngang. Dây rốn ngắn, kích thước thai nhi to (trên 3500gr).
Dấu hiệu chuyển dạ ngưng tiến triển
Một số dấu hiệu chuyển dạ ngưng tiến triển có thể xuất hiện bao gồm:
- Đường mở cổ tử cung cắt sang bên phải đường báo động trên biểu đồ chuyển dạ.
- Cổ tử cung ngừng tiến triển luôn là dấu hiệu của chuyển dạ ngưng tiến triển.
- Suy thai, cơn co tử cung dày (trên 5 cơn trong 10 phút).
- Pha tiềm tàng kéo dài quá 8 giờ, pha tích cực kéo dài quá 7 giờ.
- Khám thấy độ lọt của ngôi không tiến triển.
- Xuất hiện các dấu hiệu chồng khớp sọ, bướu huyết thanh.
Chẩn đoán chuyển dạ đình trệ
Dựa vào biểu đồ chuyển dạ:
- Đường mở cổ tử cung sang phía phải của đường báo động (sớm) hoặc cắt đường hành động (muộn).
- Cơn co tử cung với tần số 3 cơn/10 phút mà sau 4 giờ không có tiến triển về độ lọt.
Dựa vào lâm sàng:
- Đầu có hiện tượng chồng xương, bướu huyết thanh.
- Thường kèm suy thai.
- Người mẹ có biểu hiện mất nước, toan hóa (nước tiểu có acetone). Lượng nước tiểu theo dõi trong 4 giờ được dưới 100ml.
- Tùy thuộc chuyển dạ xuất hiện sớm hay muộn mà sẽ thấy tử cung kéo dài, vòng thắt xuất hiện, bàng quang căng, đại tràng phình.
Cách xử lý khi chuyển dạ đình trệ
Nếu có dấu hiệu chuyển dạ sinh con cần đến bệnh viện để được bác sĩ theo dõi tình trạng và can thiệp phù hợp nếu ca sinh nở của mẹ bầu được chẩn đoán là chuyển dạ đình trệ.
Theo dõi thời gian từ lúc bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ đồng thời cảm nhận các cơn co thắt và nhịp tim thai đang diễn ra trong bụng.
Sau quá trình theo dõi tình trạng mẹ bầu, nếu chưa đến thời điểm sinh thì mẹ vẫn ăn uống, nghỉ ngơi và vận động hợp lý.
Nếu trường hợp của mẹ là chuyển dạ tích cực thì ngay lập tức, bác sĩ sẽ hỗ trợ mẹ bằng các phương pháp giục sinh an toàn để thai nhi có đủ điều kiện sinh thường.
Nếu trường hợp của mẹ đặc biệt, ngôi thai nghịch hoặc tử cung bất thường thì các bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Chuyển dạ đình trệ có thể gây ra nguy hiểm cho cả mẹ và em bé, vì vậy mẹ bầu cần khám thai đầy đủ, để có thể phát hiện sớm các nguy cơ, từ đó có thể đưa ra những chẩn đoán và xử lý kịp thời. Đồng thời, hãy luôn sống theo hướng tích cực, chú trọng dinh dưỡng trong thai kỳ kết hợp việc tập luyện giúp mẹ mạnh khỏe, đẩy lùi các nguy hiểm không đáng có đón con chào đời.