Co thắt thực quản là một bệnh lý rối loạn nhu động thực quản hiếm gặp. Bệnh nhân thường có các triệu chứng như đau ngực không liên quan đến tim mạch, khó nuốt, cảm giác thức ăn mắc kẹt trong cổ họng,… Việc thăm khám và điều trị sớm có vai trò quan trọng, các phương pháp điều trị làm giảm áp lực lên cơ vòng thực quản, giúp cải thiện các triệu chứng và tình trạng bệnh.
Co thắt thực quản là bệnh gì?
Co thắt thực quản là chứng rối loạn co giãn cơ trơn ở thực quản (ống nối giữa miệng và dạ dày) khiến thức ăn khó di chuyển xuống dạ dày. Khi bị co thắt thực quản, phần cơ nằm giữa thực quản và dạ dày (phần cơ vòng thực quản dưới) sẽ không hoạt động và làm thức ăn không trôi xuống được.
Nguyên nhân gây co thắt thực quản
Vẫn chưa có tài liệu chỉ ra nguyên nhân chính xác gây co thắt thực quản, một yếu tố có liên quan mật thiết với bệnh như:
- Hệ thần kinh điều khiển cơ thực quản bị tổn thương.
- Nhiễm trùng: thực quản bị viêm nhiễm nhưng không được điều trị.
- Di truyền: tiền sử gia đình có người mắc bệnh.
Nguy cơ cao mắc co thắt thực quản
- Bệnh trào ngược dạ dày-thực quản (GERD).
- Mắc bệnh ợ nóng do đau dạ dày mãn tính.
- Thường xuyên sử dụng thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
- Rối loạn lo âu, stress, căng thẳng kéo dài.

Triệu chứng co thắt thực quản
Các dấu hiệu và triệu chứng co thắt thực quản bao gồm:
- Đau ép ngực, thường xuyên căng thẳng, có thể nhầm lẫn với đau thắt ngực.
- Khó nuốt.
- Cảm giác một vật mắc kẹt trong cổ họng.
- Sụt cân vì ăn uống khó khăn hoặc bị đau.
- Thở khò khè.
- Ợ nóng, ợ hơi và nôn mửa.
- Trường hợp nặng có thể dẫn đến hôi miệng.
Triệu chứng co thắt thực quản không đặc trưng nên dễ làm người bệnh chủ quan và nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác của đường tiêu hóa.
Biến chứng của bệnh co thắt thực quản
Ở một số trường hợp bệnh diễn biến chậm và âm thầm, bệnh nhân sống bình thường trong một thời gian dài. Một số khác bệnh diễn biến thành từng đợt. Bệnh nhân có thể bị tử vong đột ngột do phản xạ tim mạch hay dây X hoặc do ngạt thở vì trào ngược thức ăn vào khí quản. Nếu ở giai đoạn muộn và không được điều trị tốt, bệnh nhân có thể chết vì suy dinh dưỡng.
Nếu không được điều trị kịp thời,bệnh có thể có các biến chứng như: viêm loét thực quản; sẹo xơ gây chít hẹp thực thể thực quản; chèn ép khí quản, tĩnh mạch, tim… do đoạn thực quản giãn; viêm phổi, ápxe phổi do trào ngược thức ăn; ung thư hoá tại vùng viêm mãn tính của thực quản.
Điều trị co thắt thực quản
Phương pháp chẩn đoán co thắt thực quản
- Thăm khám triệu chứng lâm sàng: Biểu hiện chung chung không đặc trưng.
- Chụp X-quang đường tiêu hóa trên có chất cản quang (Bari): Giúp bác sĩ thấy được độ hẹp của phần thực quản dưới và độ rộng của phần thực quản trên.
- Phương pháp đo lường áp xuất: Xác định cơ ở thực quản có hoạt động hay không.
- Phương pháp đo áp ở cơ vòng thực quản dưới.
- Phương pháp nội soi: kiểm tra xem cơ vòng có co thắt chặt hay không nhờ ống nhỏ có gắn đèn sáng và đầu máy quay nhỏ.
Điều trị nội khoa
- Với chế độ ăn: Ăn thức ăn mềm hoặc lỏng, dễ tiêu. Nhai kỹ và nuốt từ từ. Bệnh nhân nên tự tìm lấy chế độ ăn thích hợp cho mình.
- Dùng thuốc: Cho đến nay vẫn chưa có loại thuốc nào đưa lại hiệu quả điều trị triệt để cho bệnh co thắt tâm vị. Có thể dùng một số thuốc điều trị triệu chứng như: atropin, nitrit amyl… để mở cơ tâm vị, các thuốc trấn tĩnh dịu thần kinh để điều hoà các rối loạn giao cảm, các thuốc chống viêm và giảm xuất tiết niêm mạc thực quản…
- Rửa thực quản: Có thể rửa hàng ngày vào lúc 2 – 4 giờ sau khi ăn và trước khi ngủ để tránh hiện tượng đánh trống ngực và khó thở khi nằm.
- Nong và thông thực quản: Để tránh hiện tượng ứ đọng thức ăn ở thực quản.

Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiết bệnh co thắt thực quản bao gồm:
- Ăn và nhai chậm.
- Uống nhiều nước.
- Bổ sung rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thức ăn giàu protein.
- Tránh thực phẩm quá cay, nóng hoặc quá lạnh.
- Tránh những thực phẩm có tính acid như cam, chanh, bưởi.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
- Gọi cho bác sĩ nếu bạn bị chứng khó nuốt trong thời gian dài, bị đau khi nuốt, nôn ra máu hoặc có các triệu chứng còn sót lại sau khi đã điều trị.