Bệnh cơ tim hạn chế là một trong 3 bệnh lý cơ tim phổ biến nhất hiện nay, liên quan đến sự hạn chế co bóp của thành tim. Ở các bệnh nhân mắc bệnh này, máu khó được bơm đủ đến các cơ quan trong cơ thể, tim dễ trở nên suy yếu nếu không được điều trị kịp thời.
Cơ tim hạn chế là bệnh gì?
Bệnh cơ tim là bệnh bắp thịt trên thành tim. Đây là bệnh lý khi cấu trúc cơ tim thay đổi dẫn đến chức năng cơ tim bị biến đổi. Khả năng bơm máu của tim cũng gặp vấn đề trầm trọng. Người mắc bệnh cơ tim có thể đối mặt với những biến chứng tim mạch thông qua nhiều loại bệnh của bệnh cơ tim.
Khi mắc bệnh cơ tim, các cơ tim trở nên quá lớn, dày hoặc chai cứng. Hiện tượng này khiến tim không thể co bóp liên tục, hữu hiệu để bơm máu trong hệ tuần hoàn. Nhiều trường hợp được bác sĩ ghi nhận khi mô cơ tim biến thành mô sẹo. Tim biểu hiện yếu đi, còn gọi là bệnh lý loạn nhịp tim.
Bệnh cơ tim được chia thành nhiều loại. Theo đó, mỗi loại bệnh cơ tim sẽ có triệu chứng và cách điều trị khác nhau.
Nguyên nhân gây cơ tim hạn chế
Xơ hóa nội mạc cơ tim là nguyên nhân thường gặp của bệnh cơ tim hạn chế, xơ hóa nội mạc cơ tim không rõ nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh cơ tim hạn chế nguyên phát.
Ngoài ra các nguyên nhân khác có thể gây ra bệnh bao gồm:
- Bệnh thừa sắt.
- Bệnh thoái hóa tinh bột.
- Bệnh sarcoidose( viêm hạch bạch huyết và mô).
- Xơ cứng bì hệ thống.
- Sau xạ trị hoặc hóa trị liệu điều trị ung thư trước đó.
- Thải ghép sau cấy ghép tim.
- Bệnh lý màng trong tim.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
- Những người thường xuyên uống rượu bia, thức uống có cồn; sử dụng ma túy.
- Những người có cha/mẹ hoặc người thân tiền sử bệnh cơ tim dễ mắc bệnh cơ tim bẩm sinh.
- Những người đã điều trị ung thư bằng thuốc hóa trị, xạ trị.
Dấu hiệu nhận biết cơ tim hạn chế
Một số bệnh nhân BCTHC không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Nhưng theo thời gian, chức năng tim bị hạn chế có thể đưa đến suy tim. Lúc này, bệnh nhân có các triệu chứng như:
- Mệt mỏi.
- Khó thở.
- Phù chân, báng bụng.
- Hồi hộp.
- Rối loạn nhịp tim.
- Đau ngực.
- Nổi tĩnh mạch ở cổ.
- Ho.
- Ăn không ngon.
- Tăng cân.
- Ngất.
- Choáng váng.

Chẩn đoán cơ tim hạn chế
Các dấu hiệu lâm sàng giúp bác sĩ có thể dự đoán bệnh, song để chẩn đoán chính xác bệnh cũng như tình trạng bệnh thì cần dựa trên các xét nghiệm cận lâm sàng. Dưới đây là dấu hiệu cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh cơ tim hạn chế:
- Điện tâm đồ: Kết quả điện tâm đồ hầu hết mọi lúc đều bất thường, tình trạng bất thường ở mỗi bệnh nhân có thể khác nhau. Thường gặp nhất là block nhánh trái và dày nhĩ trên điện tâm đồ.
- Chụp X-quang tim phổi: Ở các bệnh nhân này, bóng tim thường không to trừ khi có giãn rộng hai nhĩ, thường xuất hiện tình trạng ứ huyết phổi nặng.
- Siêu âm tim: Phương pháp này giúp phát hiện xơ hóa nội mạc cơ tim, đánh giá tình trạng tâm thất, chức năng tim, van tim và màng tim, phát hiện hở 2 lá và các van khác, rối loạn chức năng tâm trương như bất thường khác của tâm thất.
- Xét nghiệm máu: Giúp tìm một số nguyên nhân gây bệnh, đặc biệt các trường hợp có bạch cầu ái toan tăng trong xơ hóa nội mạc cơ tim. Định lượng sắt huyết thanh nhằm đánh giá tình trạng dư sắt, bilan miễn dịch để chẩn đoán xơ cứng bì.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh tái hiện giúp phân biệt với bệnh viêm màng ngoài tim co thắt nhờ dấu hiệu dày màng ngoài tim.
Biện pháp điều trị bệnh cơ tim hạn chế
Nếu không điều trị, thường bệnh nhân cơ tim hạn chế sẽ tử vong do biến chứng bệnh sau 2 – 3 năm. Các trường hợp phát hiện sớm, điều trị tích cực thì tỉ lệ sống sót sau 10 năm đạt khoảng 50%. Hiện chưa tìm được phương pháp điều trị bệnh triệt để, can thiệp điều trị cần hướng tới 3 mục tiêu chính là: giảm nhẹ triệu chứng, kiểm soát nhịp tim và ngăn ngừa biến chứng.
Các phương pháp điều trị hiện được áp dụng cho bệnh nhân cơ tim hạn chế bao gồm:
- Dùng thuốc lợi tiểu: Có tác dụng giảm áp lực đổ đầy tim, giảm nguy cơ tiền tải một cách nghiêm trọng và từ đó tăng cường chức năng cũng như hoạt động của tim.
- Thuốc điều chỉnh nhịp tim hoặc thuốc ngăn ngừa miễn dịch để kiểm soát bất thường nhịp tim, những rối loạn này là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở bệnh nhân cơ tim hạn chế.
- Điều trị và ngăn ngừa thuyên tắc mạch bằng cách sử dụng thuốc kháng đông suốt đời với liều dùng hàng ngày phù hợp.
- Điều trị bệnh lý nền tim mạch cùng tồn tại với cơ tim hạn chế hoặc là nguyên nhân gây cơ tim hạn chế, đây là mục tiêu điều trị quan trọng giúp bệnh nhân kéo dài sự sống. Tuy nhiên việc điều trị và hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh và mức độ nguy hiểm.

Thay đổi lối sống hỗ trợ điều trị bệnh cơ tim hạn chế
Bên cạnh tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, để kiểm soát được những triệu chứng của bệnh, những người mắc bệnh này cần phải thay đổi lối sống theo những hướng sau:
- Xây dựng khẩu phần ăn hợp lý, bổ sung những thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, sữa, sữa chua lên men, thịt nạc, cá… Giảm muối và đường khi chế biến các món ăn.
- Duy trì luyện tập thể dục thể thao hợp lý, đều đặn, tránh luyện tập quá sức sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tim.
- Không sử dụng thuốc lá, rượu bia và những chất kích thích khác có hại cho cơ thể.
- Tránh tối đa stress, căng thẳng, cố gắng ngủ đủ giấc.
- Kiểm tra cân nặng hàng ngày, đặc biệt nếu bệnh nhân có suy tim vì ở những bệnh nhân này, hiện tượng trữ nước trong cơ thể có thể khiến cân nặng của bạn thay đổi.
- Uống nước với lượng vừa phải vì uống quá nhiều nước sẽ làm tăng lượng dịch dư thừa trong cơ thể, gây phù nề cũng như gánh nặng cho tim. Theo chỉ dẫn thì mỗi ngày không nên uống nhiều hơn 1,5 lít nước để tránh tích nước.
Cơ tim hạn chế là bệnh lý hiếm gặp và nguy hiểm, phát hiện và điều trị bệnh càng sớm, tiên lượng bệnh càng tốt, thời gian sống của bệnh nhân càng dài. Do đó, nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh, bệnh nhân nên sớm tới cơ sở y tế để kiểm tra.