Đau quặn thận xảy ra khi sỏi vào trong niệu quản gây tắc nghẽn dòng nước tiểu, đặc biệt khi sỏi di chuyển. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đau quặn thận có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Cơn đau quặn thận là gì?
Cơn đau quặn thận là một loại đau khi sỏi tiết niệu chặn một phần của đường tiết niệu. Đường tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.
Bạn có thể có sỏi ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiết niệu. Chúng hình thành khi các khoáng chất như canxi và axit uric gắn kết vào nhau trong nước tiểu và tạo ra các tinh thể cứng. Những viên sỏi có thể nhỏ như một hạt cát hoặc lớn như một quả bóng golf. Khi những viên sỏi này phát triển đủ lớn, chúng có thể gây đau rất nhiều.
Nguyên nhân dẫn đến cơn đau quặn thận
Cơn đau quặn thận xảy ra khi một viên sỏi nằm trong đường tiết niệu, thường là trong niệu quản. Viên sỏi làm căng giãn tại chỗ, gây ra cơn đau dữ dội.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cơn đau quặn thận
Có nhiều yếu tố nguy cơ đối mắc cơn đau quặn thận như:
- Chế độ ăn có nhiều chất tạo sỏi như oxalate hoặc quá nhiều protein.
- Có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị sỏi tiết niệu.
- Mất nước do không uống đủ nước hoặc mất quá nhiều mồ hôi, ói mửa hoặc tiêu chảy.
- Bệnh béo phì.
- Phẫu thuật dạ dày, làm tăng hấp thụ canxi và các chất hình thành nên sỏi.
- Rối loạn chuyển hóa, bệnh di truyền, cường cận giáp và các tình trạng khác có thể làm tăng lượng sỏi hình thành trong cơ thể.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu.
Triệu chứng cơn đau quặn thận
Cơn đau quặn thận chỉ là một trong những triệu chứng gây ra do sỏi tiết niệu. Các triệu chứng khác thường xảy ra cùng với đau quặn thận bao gồm:
- Đau hoặc khó đi tiểu.
- Có máu trong nước tiểu làm cho nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc nâu.
- Nước tiểu có mùi hôi, khó chịu.
- Buồn nôn.
- Các hạt sạn nhỏ trong nước tiểu.
- Cảm thấy nhu cầu cấp thiết liên tục phải đi tiểu.
- Nước tiểu đục.
- Đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường.
Các dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xuất hiện trong một số trường hợp. Chúng bao gồm sốt, ớn lạnh và đổ mồ hôi lạnh. Bất kỳ ai có một trong các triệu chứng trên đều nên nói chuyện với bác sĩ.
Cơn đau quặn thận có nguy hiểm không?
Khoảng 12% nam giới và 6% nữ giới bị một hoặc nhiều viên sỏi tiết niệu. Tỷ lệ đau quặn thận tăng lên do những thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Phương pháp điều trị cơn đau quặn thận
Xử trí cơn đau quặn thận
Khi đã chẩn đoán xác định, bệnh nhân sẽ được điều trị như sau để giảm đau, giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng:
Điều trị giảm đau
Các thuốc giảm đau chống viêm không Steroid có tác dụng giảm cơn đau quặn thận hiệu quả, thường dùng là Piroxicam dạng tiêm bắp, Indomethacin dạng đặt hậu môn, Efferalgan dạng truyền tĩnh mạch,…
Thuốc chống co thắt hoặc thuốc giảm đau dạng Morphin sẽ được sử dụng khi các thuốc giảm đau nhẹ không có tác dụng.
Điều trị nhiễm khuẩn
Nếu cơn đau quặn thận liên quan đến nhiễm khuẩn hệ tiết niệu do có triệu chứng sốt hoặc xuất hiện bạch cầu niệu, cần dùng kháng sinh điều trị. Kháng sinh thường dùng là:
- Ciprofloxacin 200mg tĩnh mạch 2 lọ/ngày.
- Hoặc norfloxacin (2 viên/ngày, chia 2 lần).
- Hoặc ceftriaxon 1g tĩnh mạch 2 lần/ngày nếu bệnh nhân có chống chỉ định với quinolon.
Thuốc khắc phục cơn đau quặn thận tạm thời
Ở bệnh nhân nguy cơ cao cơn đau quặn thận tái phát, trước khi xử lý ra viện bệnh nhân có thể được hỗ trợ cung cấp thuốc giảm đau uống khi cơn đau quặn thận xuất hiện.
Phương pháp phòng ngừa bệnh
- Uống nhiều nước (bảo đảm lượng nước tiểu ít nhất 2 lít/ngày).
- Tập luyện thể dục thường xuyên, tránh ngồi lâu một chỗ.
- Không nhịn tiểu.
- Ăn nhạt và hạn chế ăn quá nhiều đạm từ động vật.
Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường người bệnh cần được thăm khám, chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp. Điều trị sớm có thêm nhiều cơ hội khắc cải thiện bệnh, hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Đồng thời chủ động đối mặt nếu chẳng may mắc phải, tránh trường hợp e ngại mà giấu bệnh, để bệnh kéo dài.
Leave a reply