Cúm là bệnh lý rất thường gặp ở trẻ với nhiều chủng khác nhau. Trong đó chủng cúm A có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Cúm A là bệnh gì?
Cúm A là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, do các chủng virus cúm phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây nên. Trong đó, chủng A/H7N9 và A/H5N1 là những chủng virus cúm thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây nhiễm sang người và tạo thành dịch. Bệnh cúm A thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường do những triệu chứng tương tự; tuy nhiên bệnh diễn tiến nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và có nguy cơ cao bùng phát thành dịch và đại dịch.
Tác nhân gây bệnh cúm A
Trẻ mắc cúm A do nhiễm virus cúm A, virus này có thể lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Tác nhân gây bệnh cúm A ở trẻ chủ yếu do các chủng virus như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9,… gây nên. Virus cúm A có nguy cơ gây bệnh rầm rộ hơn và nhanh chóng lây lan thành dịch, với đặc trưng tính cảm thụ cao, thời gian ủ bệnh ngắn, lây lan nhanh và khả năng tồn tại lâu dài khiến bệnh nhi dễ mắc cúm A.
Đối tượng dễ mắc cúm A ở trẻ
Bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc cúm A, đặc biệt là trẻ em. Trong đó, những đối tượng trẻ nhỏ dưới đây có nguy cơ mắc cao hơn, gồm:
- Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
- Trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng cúm.
- Trẻ tiếp xúc với những người bị cúm hoặc những người có nguy cơ cao bị cúm.
- Trẻ không được rửa tay, sát khuẩn sạch sẽ khi chạm vào bề mặt chứa virus cúm A.

Triệu chứng bệnh cúm A ở trẻ
Trẻ mắc bệnh cúm A có thể xuất hiện các triệu chứng nặng hoặc nhẹ tùy mức độ bệnh. Khi nhiễm bệnh, trẻ sẽ thường có những biểu hiện sau:
- Sốt cao (có thể lên tới 39,4 độ C – 40,5 độ C).
- Ho.
- Sổ mũi, ngạt mũi.
- Đau họng.
- Đau đầu.
- Mệt mỏi, chán ăn, bỏ bú (đối với trẻ sơ sinh).
- Mỏi cơ, đau nhức người.
- Một số trẻ có thể bị nôn, tiêu chảy.
- Đau tai, đau mắt đỏ.
- Co giật nếu sốt cao.
Khi trẻ có những biểu hiện trên, ba mẹ không nên chủ quan mà hãy cho bé đi khám càng sớm càng tốt vì cúm A tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm.
Con đường lây truyền cúm A ở trẻ
Cúm A có thể lây lan nhanh chóng từ người sang người. Đặc biệt, thời gian lây nhiễm ở trẻ nhỏ rất nhanh vì sức đề kháng của bé còn yếu.
Virus cúm A chứa nhiều trong dịch tiết nước bọt, nước mũi, cổ họng… Vì thế, con đường lây truyền thường gặp nhất là do những giọt bắn li ti khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện từ trẻ này sang trẻ khác.
Những giọt bắn này có thể chạm vào miệng, vào mũi của trẻ đối diện khiến các em nhiễm bệnh. Hoặc có thể do trẻ chạm phải đồ dùng, đồ chơi có dính virus cúm rồi đưa tay lên miệng, lên mũi.
Biến chứng nguy hiểm
Nếu các biểu hiện cúm A ở trẻ kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện, hãy đưa bé đến bệnh viện để được điều trị hiệu quả. Nếu không kịp thời chữa bệnh, cúm A có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm ở trẻ em, nhất là ở những bé có hệ thống miễn dịch suy yếu. Những biến chứng này bao gồm:
- Nhiễm trùng tai.
- Hen suyễn.
- Viêm phổi.
- Viêm phế quản.
- Các vấn đề về tim mạch.
- Viêm xoang do bội nhiễm.
- Sốc nhiễm khuẩn.
- Suy đa tạng.
- Mất nước, rối loạn điện giải, giảm thể tích tuần hoàn do sốt cao liên tục và nôn trớ.
Điều trị cúm A tại nhà
Trong trường hợp trẻ mắc cúm A thể nhẹ, không biến chứng, thường sẽ được chỉ định điều trị tại nhà. Bố mẹ cần theo dõi bé sát sao kết hợp sử dụng thuốc theo liều bác sĩ kê và có chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý với bé.
- Cho bé nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc để lấy lại sức.
- Sử dụng nước ấm để tắm cho bé, không để bé ngâm nước quá lâu.
- Cho trẻ bú mẹ, sữa mẹ có nhiều dưỡng chất và cung cấp kháng thể giúp bé khỏe mạnh và chống chọi với cúm A.
- Phụ huynh có thể dùng nước muối sinh lý để vệ sinh đường thở cho bé, giảm dịch nhầy giúp bé dễ thở hơn.
- Cho trẻ tắm nắng đúng cách để bổ sung thêm vitamin D, việc này có ích trong việc tăng cường đề kháng và giúp bé nhanh khỏi bệnh.
- Sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt theo liều chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc không có trong kê toa.
- Uống nhiều nước, bổ sung thêm các vitamin nhóm B,C.
- Cho bé mặc quần áo thấm hút mồ hôi, thoáng.
- Người chăm sóc bé cần giữ vệ sinh, tay chân cần rửa sạch sẽ.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người nhà để tránh lây nhiễm chồng chéo.
Nếu trong khoảng 7 ngày điều trị mà các triệu chứng không thuyên giảm, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, theo dõi và điều trị.

Biện pháp phòng ngừa cúm A ở trẻ
Cúm A ở trẻ không chỉ khiến con mệt mỏi, khó chịu mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm nên cần được phòng ngừa từ sớm.
Ba mẹ hãy áp dụng những biện pháp sau để phòng ngừa bệnh cúm A ở trẻ:
- Vệ sinh cá nhân mỗi ngày, rửa tay cho bé thường xuyên.
- Đeo khẩu trang cho bé khi ra ngoài.
- Không nên đưa bé đến nơi tập trung đông người, nhất là trong thời điểm có dịch bệnh.
- Hạn chế cho bé tiếp xúc với nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị cúm hoặc nghi ngờ mắc cúm.
- Vệ sinh nơi ở thường xuyên.
- Tiêm vắc xin cúm cho bé mỗi năm.
- Bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất giúp nâng cao đề kháng cho bé.
- Tăng cường sức đề kháng bằng cách tập thể dục, chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý.
- Khi bé có những dấu hiệu của cúm như ho, sổ mũi, sốt thì nên cho con đi khám sớm.
Cúm A ở trẻ không phải là một bệnh nhẹ và lành tính đối với trẻ em. Phụ huynh cần thực hiện tốt những biện pháp phòng ngừa một cách chủ động như tiêm vaccine cho trẻ đúng lịch đủ mũi, thực hiện thói quen sinh hoạt tốt để bảo vệ sức khỏe của trẻ và gia đình.