Tuy bệnh cường giáp không thể chữa khỏi bằng chế độ dinh dưỡng song những bữa ăn lành mạnh với thực phẩm tốt có thể hỗ trợ điều trị bệnh, giảm triệu chứng và biến chứng tốt hơn. Dưới đây là những lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng về vấn đề bệnh cường giáp nên ăn gì và kiêng gì.
Cường giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ, hình bướm nằm ở trước cổ với chức năng sản xuất các hormone có tác dụng điều hòa quá trình trao đổi chất, chuyển hóa của các tổ chức tim, gan thận. Có hai loại hormone tuyến giáp là triiodothyronine(T3) và thyroxine(T4). Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, sản xuất hormone giáp hơn nhu cầu cơ thể.
Người bị bệnh cường giáp nên ăn gì?
Các loại quả giàu chất chống oxy hóa
Các chất chống oxy hóa tự nhiên có trong các loại rau quả giúp cải thiện và nâng cao hiệu quả của hệ miễn dịch trong cơ thể đồng thời hỗ trợ cân bằng hormone tuyến giáp.
Các nghiên cứu cho thấy các loại quả mọng như: dâu tây, việt quất, kiwi, trái cây họ cam quýt, cà chua, cải mâm xôi hoặc các loại rau củ như: rau chân vịt, cải xoăn, ớt chuông hoặc bí đỏ có chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hóa. Vì vậy, đây là nhóm thực phẩm hàng đầu khi đề cập đến vấn đề người bị cường giáp nên ăn gì.
Các loại rau họ cải
Ăn nhiều rau họ cải như bắp cải, bông cải xanh làm giảm hoạt động của tuyến giáp và hormone mà tuyến giáp sản xuất ra, vì thế triệu chứng bệnh cũng được ngăn chặn tốt hơn.
Cần lưu ý không nên sử dụng quá nhiều loại thực phẩm này, nhất là những người bị suy giáp có thể tiến triển bệnh nặng hơn.
Thực phẩm giàu axit béo Omega 3
Người cường giáp nên ăn gì? Trứng gà, cá hồi, gan cá, dầu oliu, hạt óc chó,… có tác dụng làm dịu hoạt động của tuyến giáp, ngăn chặn tình trạng cường giáp cũng như tăng cường sức khỏe toàn cơ thể.
Các thực phẩm giàu kẽm
Thiếu kẽm có thể cản trở sự phân chia tế bào, sự tăng trưởng và phân hủy carbohydrate. Đồng thời, khi tuyến giáp hoạt động quá mức sẽ dẫn đến cạn kiệt khoáng chất này. Vì vậy, người bị cường giáp nên bổ sung kẽm trong chế độ ăn bằng các loại các hạt như: hạnh nhân, hạt óc chó, hạt bí ngô hoặc hạt lanh.
Đạm thực vật
Giảm cân là một triệu chứng của bệnh cường giáp, do đó việc cung cấp đủ lượng đạm cho cơ thể để duy trì cân nặng hợp lý là vô cùng cần thiết. Trong đó, protein từ các loại đậu hạt đã được chứng minh là an toàn và tốt cho sức khỏe, đặc biệt cho người bị cường giáp.
Thực phẩm giàu vitamin D và canxi
Sữa chua, sữa ít béo, phô mai,… là những thực phẩm mà bệnh nhân cường giáp nên thường xuyên sử dụng. Cường giáp khiến hệ xương khớp yếu và giòn do rối loạn chuyển hóa canxi máu, dẫn đến loãng xương. Khi điều trị cường giáp ổn định, hệ xương khớp sẽ được cải thiện. Đồng thời, người bệnh cần bổ sung vitamin D và canxi vào chế độ ăn hàng ngày để tăng cường nâng cao sức khỏe xương khớp. Lưu ý, bạn nên bổ sung đầy đủ vitamin D để giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn.
Bệnh cường giáp kiêng gì?
Thực phẩm nhiều Iot
Iot là chất làm tăng hoạt động của tuyến giáp – điều không hề tốt với bệnh nhân cường giáp. Vì thế người bệnh nên tránh những loại thực phẩm giàu Iot như: hải sản, rong biển, tảo bẹ,…
Caffein
Caffeine rất tốt cho tinh thần, giúp chúng ta làm việc hiệu quả. Thế nhưng với bệnh nhân tuyến giáp, Caffeine lại vô cùng có hại, nó khiến cơ thể hoạt động nhanh hơn bình thường, tỏa ra nhiều nhiệt và kích thích tuyến giáp tăng tiết hormone Thyroxin.
Thay vào sử dụng cà phê hay trà, bạn nên chọn uống nước lọc hoặc nước ép trái cây.
Đường
Đường nên hạn chế là đường tinh luyện, đường múa, đường Fructose từ thực phẩm, nó làm tăng mức độ triệu chứng và diễn tiến bệnh cường giáp.
Rượu bia
Sử dụng rượu bia hoặc các sản phẩm chứa cồn làm hạn chế sự hấp thu canxi, làm nặng thêm tình trạng rối loạn chuyển hóa canxi ở người cường giáp và gây biến chứng loãng xương.
Sữa tươi nguyên kem
Lượng chất béo trong sữa tươi nguyên kem không được khuyến khích cho bệnh nhân cường giáp vì rất khó tiêu hóa. Trong khi khả năng tiêu hóa của bệnh nhân cường giáp lại không tốt như người bình thường, vì vậy khi sử dụng loại sữa này bệnh nhân sẽ đầy bụng, khó tiêu và làm nặng thêm triệu chứng tại đường tiêu hóa của người bệnh.
Bệnh cường giáp làm tăng chuyển hóa nên khiến cơ thể dễ mất các chất dinh dưỡng, đặc biệt là vi chất (sắt, kẽm, magie,…). Do đó, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng với đa dạng các loại thực phẩm để mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị.