Cuồng nhĩ là tình trạng rối loạn nhịp tim thường gặp thứ hai sau rung nhĩ. Bệnh không có những triệu chứng cụ thể và khó nhận biết được cho đến khi trở nên nặng hơn.
Cuồng nhĩ là bệnh gì?
Cuồng nhĩ là tình trạng nhịp tim nhanh bất thường, khoảng 242 – 360 nhịp/phút. Đây là một kiểu rối loạn nhịp tim thường gặp thứ hai sau rung nhĩ. Tuy nhiên trong chứng cuồng nhĩ, nhịp nhĩ có tổ chức và ít rối loạn hơn trong rung nhĩ. Đôi khi bạn có thể gặp các cơn rung nhĩ và cuồng nhĩ cùng lúc. Mặc dù những người bị cuồng nhĩ có thể không cảm nhận được bất kì triệu chứng gì nhưng cuồng nhĩ có thể gây đột quỵ, suy tim và các biến chứng khác. Hiện tại đã có các phương pháp điều trị hiệu quả cho cuồng nhĩ như cắt đốt mô bằng ống thông hoặc dùng thuốc.
Nguyên nhân gây cuồng nhĩ
Cuồng nhĩ thường khó xác định nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên với các cơn cuồng nhĩ mới xuất hiện có thể xem xét một số nguyên nhân sau:
- Nhồi máu cơ tim.
- Cường giáp.
- Tăng huyết áp.
- Bất thường van tim.
- Sau phẫu thuật tim.
- Dị tật tim bẩm sinh.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh cuồng nhĩ
Bệnh cuồng nhĩ thường gặp ở nam giới và ở đối tượng người cao tuổi. Bên cạnh đó, người có tiền sử mắc bệnh về huyết áp, tim mạch cũng có nguy cơ bị bệnh cao hơn những đối tượng khác. Cụ thể là những trường hợp sau đây:
- Người mắc phải các bệnh lý về tim mạch, chẳng hạn như bệnh van tim (van 3 lá, hẹp hở hai lá, thấp tim,…), bệnh màng ngoài tim, cơ tim phì đại.
- Bệnh nhân từng phải trải qua phẫu thuật tim.
- Trường hợp bị bệnh phổi nghiêm trọng, nhồi máu phổi,…
- Người mắc các bệnh lý về tuyến giáp.
- Người có thói quen uống nhiều rượu bia.

Triệu chứng của cuồng nhĩ
Các triệu chứng có thể gặp của cuồng nhĩ là:
- Đánh trống ngực.
- Cảm giác có thứ gì đó rung trong lồng ngực.
- Khó thở.
- Lo lắng.
- Mệt mỏi.
- Ngất hoặc gần như ngất.
- Đau tức ngực.
- Cảm giác lâng lâng.
Biến chứng cuồng nhĩ
Cuồng nhĩ có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của bạn vì chúng có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như:
- Nhịp tim nhanh làm tim bạn không bơm đủ lượng máu cần thiết tới các cơ quan sống còn của cơ thể như não và cơ tim, dẫn tới các biến chứng nặng nề hơn sau này.
- Hạ huyết áp.
- Tắc mạch do cục máu đông.
- Tai biến mạch máu não.
- Bệnh cơ tim.
- Rung nhĩ mạn tính.
Biện pháp điều trị cuồng nhĩ
Điều trị cuồng nhĩ phụ thuộc vào bệnh cảnh nền của bệnh nhân. Nguyên tắc điều trị bao gồm:
Kiểm soát tần số thất
Thường khó khăn hơn so rung nhĩ. Sử dụng thuốc tác động tới nút nhĩ thất như ức chế β, Digoxin, ức chế Ca, Amiodarone. Do đặc tính dễ gây rối loạn nhịp thứ phát của các thuốc chống rối loạn nhịp nên phải cân nhắc kĩ từng bệnh nhân. Tùy thuộc tình huồng lâm sàng bác sĩ sẽ sử dụng thuốc phù hợp.
Dự phòng huyết khối
Huyết khối tạo trong tiểu nhĩ trái ít hơn so rung nhĩ do co thắt nhĩ đều đặn. Không có yêu tố nguy cơ và không kèm rung nhĩ thì không cần điều trị dự phòng huyết khối bằng kháng đông. Nếu cuồng nhĩ > 48 giờ , phải sử dụng kháng đông 4 tuần trước chuyển nhịp. Tiếp tục kháng đông 4 tuần sau chuyển nhịp. Thuốc được khuyến cáo là anti vitamin K, mục tiêu duy trì INR từ 2-3.
Chuyển nhịp xoang
Cuồng nhĩ có chỉ định chuyển nhịp khi kéo dài hơn 48h hoặc gây triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân. Các phương pháp chuyển nhịp có thể là:
- Thuốc chống loạn nhịp.
- Kích thích nhĩ nhanh vượt tần số.
- Sốc điện.
- Triệt đốt qua catheter.
- Phẫu thuật.
Tùy tình trạng từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra cách xử trí phù hợp.

Phòng ngừa bệnh cuồng nhĩ
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp hạn chế diễn tiến bệnh cuồng nhĩ:
- Tập thể dục thường xuyên và tăng hoạt động thể chất.
- Ăn uống lành mạnh, ăn các thức ăn có lợi cho tim mạch, hạn chế muối và chất béo không tan, tăng cường ăn rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên cám.
- Tránh uống quá nhiều rượu bia và cà phê.
- Không hút thuốc.
- Duy trì cân nặng có lợi cho sức khỏe.
- Điều trị các bệnh nền hiện có như đái tháo đường (tiểu đường), bệnh phổi, tăng huyết áp,…
Cuồng nhĩ là rối loạn nhịp nhanh do dòng vào lại lớn nằm trong tâm nhĩ. Bệnh không có triệu chứng đặc hiệu nên chỉ được chẩn đoán khi đo điện tâm đồ. Cuồng nhĩ có thể làm nặng triệu chứng bệnh nền của bệnh nhân và chuyển thành dạng rối loạn nhịp khác nguy hiểm hơn. Hiện nay đã có phác đồ điều trị cuồng nhĩ rõ ràng và hiệu quả. Điều quan trọng là phải xác định rõ toàn bộ vấn đề của bệnh nhân và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.