Sau khi sinh con là khoảng thời gian hạnh phúc của người mẹ, nhưng nhiều phụ nữ bị đau cổ tay và ngón tay cái sau khi sinh. Điều này có thể làm cho việc chăm sóc trẻ mới sinh trở nên khó khăn hơn.
Đau cổ tay sau sinh là gì?
Đau cổ tay sau sinh là tình trạng thường gặp ở một số phụ nữ mới sinh. Triệu chứng điển hình nhất là người mẹ sẽ cảm thấy khó chịu, tê bì và đau nhiều ở cổ tay. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do cổ tay phải chịu nhiều áp lực khi nâng và bế con hay lặp đi lặp lại các chuyển động không tốt cho bàn tay và cổ tay.
Trong nhiều trường hợp, đau cổ tay sau khi sinh con là dấu hiệu của hội chứng viêm bao gân vùng mỏm trâm quay (hội chứng De Quervain) hay hội chứng ống cổ tay. Tùy theo nguyên nhân, cơn đau có thể khởi phát đột ngột, đau nhức dữ dội hay tiến triển từ từ, đau âm ỉ. Cơn đau có thể xuất hiện đồng thời với các triệu chứng khác như tê bì, khó gấp duỗi các ngón tay, nhất là vùng ngón cái (triệu chứng của tình trạng viêm gân gấp ngón tay cái).
Nguyên nhân gây đau cổ tay sau sinh
Khớp cổ tay bị đau có thể do nhiều nguyên nhân. Vậy nên khi bị đau bạn nên nghĩ tới các lý do dưới đây:
Thiếu các dưỡng chất sau khi sinh
Sau khi sinh nở, các mẹ cần bổ sung lượng lớn dưỡng chất để vừa cung cấp cho cơ thể vừa tiết sữa nuôi bé. Do đó tình trạng thiếu dưỡng chất thường xảy ra. Các chất dinh dưỡng hay bị thiếu hụt như canxi, khoáng chất, sắt, vitamin D và B12,…gây tác động lên thần kinh ngoại vị, ảnh hưởng đến mật độ xương khớp cũng như gây đau khớp cổ tay.
Thay đổi nội tiết tố dẫn đến rối loạn
Cơ thể phụ nữ xuất hiện nhiều sự thay đổi sau khi sinh, đặc biệt là nội tiết tố. Nội tiết tố nữ như progesterone và estrogen giảm sút khiến cho cấu trúc hệ xương khớp kém phát triển cũng như bị suy yếu. Cùng với việc phải hoạt động thường xuyên trong điều kiện môi trường khác nhau dẫn đến khớp cổ tay sau khi sinh bị đau, gây hạn chế vận động.
Các tư thế sinh hoạt hàng ngày không đúng cách
Khi sinh bé, cơ thể chị em chưa được phục hồi hoàn toàn, hệ xương khớp còn yếu do ảnh hưởng quá trình mang bầu hay chế độ ăn uống. Tuy nhiên, lúc này các mẹ phải chăm ẵm con, ru con ngủ, cho con ăn, vệ sinh cho con. Nhiều chị em còn phải giặt giũ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa,… Các hoạt động diễn ra liên tục, nhiều lúc sai tư thế nên khó tránh khỏi các cơn đau cổ tay xuất hiện ngày một nhiều.

Triệu chứng đau cổ tay sau sinh
- Cơn đau bắt đầu từ từ, âm ỉ và tăng dần theo theo thời gian. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng.
- Người bệnh đau nhiều hơn khi di chuyển ngón tay cái hay cổ tay.
- Cảm giác đau có thể lan rộng lên cánh tay.
- Một số trường hợp cơn đau có thể chỉ xuất hiện ở một phía cổ tay và ngón cái. Đôi khi triệu chứng tê bì, châm chích xuất hiện ở một số ngón tay hoặc cả bàn tay.
- Cơn đau giảm khi cổ tay nghỉ ngơi đúng cách và không lặp lại các động tác gây đau.
Biến chứng đau cổ tay sau sinh
Phần lớn trường hợp đau cổ tay sau sinh thường không nguy hiểm. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen xấu của cổ tay trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, đối với trường hợp đau cổ tay dai dẳng và nghiêm trọng, bạn nên đi thăm khám càng sớm càng tốt. Nếu trì hoãn điều trị, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng như:
- Đau mạn tính.
- Viêm kẹt gân.
- Khả năng vận động suy giảm.
Chuẩn đoán đau cổ tay sau sinh
Các biện pháp chuẩn đoán bệnh có thể chỉ định người bệnh thực hiện như:
- Chụp X-quang: Phương pháp chẩn đoán này được chỉ định khi cổ tay bị đau nhiều, hạn chế tầm vận động có tiền căn chấn thương, hay đau kèm với sưng, cứng khớp. Kết quả chụp X-quang cho phép bác sĩ kiểm tra cấu trúc xương để xem xét người bệnh có bị gãy hoặc nứt xương không, kiểm tra tình trạng thoái hóa, bào mòn xương,…để đánh giá trực tiếp bệnh hoặc đôi khi để loại trừ các nguyên nhân khác.
- Điện cơ (EMG): Nếu nghi ngờ do tổn thương dây thần kinh, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh đo điện cơ, qua đó có thể đánh giá hoạt động của dây thần kinh, vị trí, mức độ và thời gian tổn thương của thần kinh.
- Siêu âm: Siêu âm tạo ra hình ảnh chi tiết về mô mềm gồm các gân, bao khớp, túi hoạt dịch,… tại khớp cổ tay, bàn tay. Từ đó, bác sĩ có thể xác định tình trạng cổ tay bị đau sau sinh có phải là do các nguyên nhân đến từ phần mềm như hội chứng De Quervain hay không.
Biện pháp điều trị đau cổ tay sau sinh
Phần lớn trường hợp đau cổ tay có biểu hiện tốt khi áp dụng những biện pháp chăm sóc tại nhà. Một số ít trường hợp đau nhức không thuyên giảm mới cần đến điều trị y tế.
Biện pháp giảm đau tại nhà
Trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ, bác sĩ thường hướng tới các biện pháp giảm đau không dùng thuốc cho người mẹ, cụ thể:
Nghỉ ngơi
Gia tăng áp lực lên cổ tay có thể làm khởi phát hay khiến cơn đau trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, người bệnh nên nghỉ ngơi, tránh thực hiện những chuyển động nhiều ở cổ tay. Điều này sẽ giúp giảm áp lực lên khớp, dây thần kinh và gân bị tổn thương.
Sử dụng nẹp
Đeo nẹp giúp cố định cổ tay bị thương, ngăn ngừa cơn đau tái phát khi chăm sóc trẻ. Với trường hợp đau nhiều, thiết bị này giúp cổ tay được nghỉ ngơi, giữ thẳng và ổn định khớp. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp hạn chế các chuyển động không cần thiết, giảm đau khớp cổ tay, phòng ngừa chấn thương tái phát.
Massage
Massage là biện pháp hỗ trợ điều trị đau khớp cổ tay tại nhà hiệu quả đối với tình trạng viêm bao gân mạn tính hoặc hội chứng ống cố tay. Biện pháp này giúp thư giãn, giảm đau, tăng sự linh hoạt và lưu thông máu, qua đó cải thiện tình trạng đau nhức, giúp tổn thương mau lành.
Các thao tác massage nên được thực hiện nhẹ nhàng. Bạn có thể xoa kết hợp day ấn, bóp từ cẳng tay xuống ngón tay.
Chườm lạnh
Chườm lạnh đặc biệt hiệu quả với người bệnh đau cổ tay cấp tính do chấn thương, hay viêm bao gân, phần mềm khi có dấu hiệu sưng đỏ. Biện pháp này dùng nhiệt độ thấp để làm co mạch, giảm lưu lượng máu lưu thông, qua đó hạn chế tình trạng tích tụ máu bầm, giảm hiện tượng viêm, đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Chuyển động nhẹ nhàng
Khi tình trạng sưng và đau đã thuyên giảm, người bệnh nên chuyển động cổ tay, ngón tay nhẹ nhàng. Biện pháp này sẽ giúp cải thiện tình trạng co thắt, hỗ trợ giảm đau cổ tay và tăng sự linh hoạt, ngăn ngừa tình trạng cứng khớp.

Cách phòng ngừa đau cổ tay sau sinh
Để tránh được đau khớp cổ tay sau sinh, chị em phụ nữ cần phải có các biện pháp phòng tránh hợp lý. Những biện pháp cụ thể được các chuyên gia xương khớp đưa ra dưới đây:
- Thiết lập chế độ ăn uống, chế độ nghỉ ngơi khoa học. Bổ sung đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, cụ thể hơn là xương khớp thông qua các thực phẩm lành mạnh. Điều này cũng giúp bé được cung cấp đủ chất, phát triển toàn diện.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao tăng cường dẻo dai và sự linh hoạt cho xương khớp.
- Massage vùng cổ tay, xoa bóp lưu thông kinh mạch mỗi khi rảnh rỗi.
- Không hoạt động cổ tay liên tục dẫn đến gắng sức.
- Hạn chế mang vác nặng.
- Không để sai tư thế tay khi chăm con cũng như sinh hoạt đời sống hàng ngày, đặc biệt là tư thế ngủ tránh tì đè lên cổ tay. Thay vì bế bé nhiều giờ gây cảm giác tê mỏi, mẹ hãy cho bé nằm xuống giường hoặc nhờ người thân trông nom hộ.
- Từ bỏ thói quen không tốt như bẻ ngón tay, bẻ bàn tay, vẩy tay mạnh…làm tăng nguy cơ trẹo các khớp tay cũng như tình trạng thoái hóa khớp nhanh.