Đau dây thần kinh tam thoa là một bệnh hay gặp nhưng ít người biết do sợi thần kinh cảm giác của dây thần kinh bị tổn thương, các cơn đau ngắn, dữ dội, xuất hiện tự nhiên hoặc do kích thích.
Đau dây thần kinh sinh ba là gì?
Đau dây thần kinh sinh ba (Trigeminal neuralgia – TN) còn được gọi là dây thần kinh tam thoa hay dây thần kinh sọ não V (một trong những dây thần kinh phân bố rộng rãi nhất ở đầu) là tình trạng đau đớn, mãn tính liên quan đến dây thần kinh sinh ba.
Dây thần kinh tam thoa còn được gọi là dây thần kinh V là một trong những dây thần kinh chính của vùng mặt. Đau dây thần kinh V là do dây thần kinh V có vấn đề, là dây thần kinh chạy từ não ra chi phối cảm giác và vận động 1 bên mặt.
Dây số V khởi nguồn từ não rồi chạy ra trước tai, vươn dọc theo khuôn mặt. Ba nhánh chính của dây thần kinh số V gồm:
- Nhánh số 1: Vươn ra da đầu, da trán và quanh vùng mắt.
- Nhánh số 2: Vươn ra xung quanh má.
- Nhánh số 3: Vươn ra khu vực quai hàm.
Nguyên nhân dẫn đến Đau dây thần kinh tam thoa
Nguyên nhân gây đau dây thần kinh tam thoa chưa được xác định rõ ràng. Một số trường hợp có thể do:
Do khối u chèn ép
Khi dây thần kinh V bị chèn ép bởi khối u nằm ở vùng lân cận của góc cầu – tiểu não hoặc vùng góc cầu – tiểu não như: u ác tính di căn, u màng não, u nang thượng bì, túi phình động mạch,… cơn đau có thể xuất hiện song không biết chính xác về tần suất hay mức độ đau đặc thù gặp phải.
Do chèn ép mạch máu
Ngoài chèn ép trực tiếp vào dây dây thần kinh V thì chèn ép mạch máu được cho là có liên quan đến khoảng 60% trường hợp bệnh. Thường gặp nhất là chèn ép ở động mạch tiểu não trên, thường gặp ở nhóm người cao tuổi nhưng nguyên nhân khiến mạch máu chèn ép ảnh hưởng đến dây dây thần kinh V thì không rõ.
Do virus
Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra, đau dây thần kinh V đặc hiệu có liên quan mật thiết đến 1 loại virus nhiễm trùng, gây tổn thương ở nhánh dây thần kinh sọ ngoại biên hoặc hạch Gasser.
Ngoài những nguyên nhân thường gặp trên, đau dây thần kinh V còn có thể do chấn thương, thủ thuật can thiệp tại vùng mặt như nhổ răng, gọt hàm, sửa mũi,… Những chấn thương nặng vùng đầu mặt, điển hình là gãy xương nền sọ thường gây đau dây thần kinh V nghiêm trọng.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau dây thần kinh tam thoa
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Đau dây thần kinh tam thoa, bao gồm:
- Đang hoặc đã từng mắc bệnh đa xơ cứng.
- Tuổi cao (đau dây thần kinh tam thoa hiếm gặp ở những người dưới 40 tuổi).
- Tiền sử gia đình có thành viên từng mắc bệnh này.
- Nữ giới.
- Chấn thương vùng mặt hoặc phẫu thuật răng miệng.
- Tăng huyết áp.

Triệu chứng đau dây thần kinh tam thoa
Triệu chứng đau của TN có thể xuất hiện theo từng cơn với cảm giác co thắt mạnh, giống như điện giật. Đau thường xảy ra ở một bên mặt và có thể do âm thanh hoặc xúc giác gây ra. Đau cũng có thể được kích hoạt bởi các hành động thường ngày, bao gồm:
- Đánh răng.
- Cạo râu.
- Trang điểm.
- Chạm vào mặt.
- Ăn uống.
- Nói chuyện.
- Làn gió mạnh thổi thốc vào mặt.
Một đợt đau có thể kéo dài theo ngày, tuần hoặc tháng, sau đó chuyển sang giai đoạn thuyên giảm.
Tình trạng bệnh có thể tiến triển, với các cơn đau ngày càng nghiêm trọng và tần suất dày hơn. Trong một số trường hợp, cơn đau còn kèm theo cảm giác nhức nhối liên tục.
Đau dây thần kinh số V có nguy hiểm không?
Bệnh đau dây thần kinh số V không đe dọa đến tính mạng người bệnh, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu như không được thăm khám, kiểm tra và phát hiện bệnh sớm.
Nếu để bệnh có thời gian phát triển, dây thần kinh bị tổn hại nghiêm trọng sẽ gây liệt nửa mặt, nếu như dây thần kinh số V bị tê liệt hoặc các cơn đau ảnh hưởng sang dây thần kinh số VII.
Mặc dù bệnh ít nguy hiểm nhưng rất dễ chẩn đoán nhầm sang các vấn đề về răng miệng. Việc chẩn đoán sai khiến quá trình điều trị không mang lại hiệu quả.
Chẩn đoán đau dây thần kinh V
Chẩn đoán đau dây thần kinh V chủ yếu dựa trên biểu hiện lâm sàng, song không phải trường hợp nào biểu hiện cũng rõ ràng, có thể gây chẩn đoán nhầm với những bệnh răng miệng. Vì thế, có thể cần thiết phải làm 1 số xét nghiệm như: Chụp CT, chụp cộng hưởng từ,… phân biệt đau dây thần kinh V với các bệnh như:
- Phân biệt với bệnh xoang mặt, đau nửa đầu Migraine, thiên đầu thống.
- Phân biệt với bệnh tuyến tai, răng hàm trên hoặc viêm xoang sàng.
- Phân biệt với đau răng hàm dưới.

Điều trị đau dây thần kinh sinh ba
Điều trị nội khoa
Đau dây thần kinh V thường không đáp ứng với morphin hay thuốc giảm đau thông thường, vì thế chủ yếu được dùng thuốc hướng thần kinh và tâm thần. Đây cũng là một đặc điểm phân biệt đau dây thần kinh V với các cơn đau dạng khác.
Khi dùng thuốc này để giảm đau, cần lựa chọn thuốc với chủng loại và dùng với liều lượng thích hợp, nếu không sẽ gây hại cho sức khỏe. Nghiên cứu trên những bệnh nhân bị đau dây thần kinh V, hầu hết ở giai đoạn đầu vẫn đáp ứng điều trị với nội khoa.
Tuy nhiên khi cơn đau lặp lại, sử dụng thuốc nhiều lần thì tác dụng giảm đau sẽ không còn. Vì thế khoảng 75% dùng thuốc không còn hiệu quả phải chuyển sang điều trị ngoại khoa.
Điều trị ngoại khoa
Những bệnh nhân bị đau dây thần kinh V nặng nề, dùng thuốc không hiệu quả hoặc không thể dùng thuốc sẽ phải can thiệp thủ thuật và phẫu thuật. Các phương pháp can thiệp thường dùng bao gồm: phẫu thuật giải ép vi mạch máu, nhiệt đông dây thần kinh V qua da, chèn ép hạch Gasser qua da, tiêm glycerol trong bể thần kinh sinh ba,…
Các cách tiếp cận bổ sung
- Kết hợp với điều trị bằng thuốc. Liệu pháp này mang lại hiệu quả khác nhau.
- Thực hiện những bài tập thể dục nhẹ như yoga, liệu pháp hương thơm hoặc thiền định giúp tăng cường sức khỏe.
- Các lựa chọn khác bao gồm châm cứu, liệu pháp vitamin, liệu pháp dinh dưỡng… hay tiêm độc tố botulinum để ngăn hoạt động của các dây thần kinh cảm giác.
Phòng ngừa đau dây thần kinh sinh ba
Đến nay chưa có biện pháp cụ thể nào được khuyến cáo trong việc phòng ngừa đau dây thần kinh sinh ba. Bạn chỉ có thể hạn chế tiến triển của bệnh bằng cách thay đổi một số thói quen sinh hoạt sau:
- Thay thế các loại thức ăn cứng bằng các thức ăn mềm, dễ nhai.
- Tránh làm những việc kích thích vùng mặt khi đang đau.
- Khi thấy xuất hiện các triệu chứng của đau TN, hãy đi khám để được điều trị sớm nhằm giảm bớt những khó chịu, đau đớn, duy trì chất lượng sống ổn định.
Leave a reply