Mang thai mang lại cho người phụ nữ rất nhiều niềm vui nhưng cũng đem lại cho thai phụ rất nhiều khó chịu. Đặc biệt là những tháng cuối của thai kì, thai càng to thì mức độ khó chịu cũng có thể tăng lên như mệt mỏi do thiếu ngủ và sức nặng của thai nhi, đi tiểu nhiều, xuống máu chân, rạn da, táo bón, khó thở… và đau lưng và mỏi hông là dấu hiệu đem lại sự khó chịu nhiều nhất cho thai phụ ở mọi lúc mọi nơi.
Sơ lược về đau hông khi mang thai
Đau hông trong quá trình mang thai là tình trạng rất thường gặp. Cơn đau thường xuất hiện vào tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba. Tuy nhiên, nó cũng có thể bắt đầu sớm ở tam cá nguyệt thứ nhất.
Thống kê cho thấy, khoảng 32% phụ nữ mang thai báo cáo tình trạng đau hông tại một vài thời điểm trong quá trình mang thai. Cơn đau có thể tập trung ở vùng bên hông hoặc phía sau vùng hông, hoặc ở vùng khung chậu nói chung. Tính chất đau có thể là đau nhói, đau âm ỉ. Cơn đau xuất hiện dần dần hoặc đột ngột.
Khớp hông là một khớp lớn trong cơ thể. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc chịu sức nặng của cơ thể, cũng như sự chuyển động của cơ thể. Vì vậy, việc đứng trong thời gian dài, ngồi hoặc nằm ở một vài tư thế có thể làm nặng thêm triệu chứng đau hông khi mang thai.

Nguyên nhân xuất hiện tình trạng đau hông khi mang thai
- Tăng cân: Khi mang thai, mẹ bầu bị tăng cân và gần cuối thai kỳ trọng lượng của thai nhi cũng tăng lên gây áp lực lên xương và khớp dẫn đến đau hông.
- Sai tư thế: Bước vào giai đoạn giữa và cuối thai kỳ, em bé lớn lên nhiều khiến bụng của mẹ to ra và cơ thể mất cân bằng. Khi đứng lên, ngồi xuống và đi lại nếu mẹ không cẩn thận và sai tư thế sẽ khiến xương hông chịu áp lực nặng nề gây đau kéo dài.
- Loãng xương thoáng qua: 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ có thể xuất hiện tình trạng loãng xương thoáng qua gây giảm mật độ xương tạm thời ở phần trên xương đùi. Điều này sẽ dẫn đến các cơn đau hông bất ngờ.
- Đau thần kinh tọa: Hai dây thần kinh tọa trong cơ thể đều xuất phát từ vùng thắt lưng và nối xuống tới chân. Vì vậy, khi mang thai tử cung sẽ gây áp lực lên 2 dây thần kinh, kéo theo cảm giác tê bì, đau ở hông, đùi và mông.
- Đau dây chằng vòng: Gây ra tình trạng đau nhói tại hông, háng và vùng bụng khi em bé có bất kỳ sự thay đổi nào về vị trí trong bụng.
Nguy cơ đau hông khi mang thai
Những trường hợp mẹ bầu dễ bị đau xương chậu khi mang thai hơn so bao gồm:
- Người đã từng đau xương chậu trước khi mang thai.
- Người từng có chấn thương xương chậu.
- Lần mang thai trước đã bị đau xương chậu.
- Có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao, thừa cân/béo phì trước khi mang thai.
- Mắc hội chứng tăng động khớp.
Dấu hiệu nhận biết đau hông
Đau hông trong thai kỳ với các triệu chứng dưới đây:
- Đau nhức: Tại vùng hông, khớp háng… sẽ xuất hiện cơn đau nhức khi thực hiện vận động đi lại, leo cầu thang… Mẹ bầu ngủ không ngon giấc do thường xuyên tỉnh giấc vì cơn đau.
- Tê bì: Ngoài đau nhức, còn có cảm giác tê bì ở hông và lan ra các bộ phận xung quanh như mông, chân…
- Co cứng khớp: Đau hông khi mang thai sẽ đi kèm triệu chứng co cứng khớp mỗi khi thức dậy.
Đau hông khi mang thai có nguy hiểm không?
Triệu chứng đau hông khi mang thai sẽ ngày một tăng lên vào những tuần cuối thai kỳ, cơn đau khiến mẹ bầu đi lại khó khăn, ngồi xuống đứng lên phải có điểm tựa.
Đau hông được coi là tình trạng bình thường khi mang thai, không gây ảnh hưởng đến thai nhi mà chỉ gây khó chịu cho mẹ.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, hãy cẩn trọng và đến cơ sở y tế khám ngay nếu cơn đau hông kèm theo các biểu hiện sau:
- Đau hông dữ dội, liên tục và lan sang phần bụng dưới hoặc bụng trên.
- Chảy máu âm đạo.
- Mỏi thắt lưng.
- Chóng mặt và mệt mỏi.
- Không cảm nhận được thai nhi.
Khắc phục tình trạng đau hông khi mang thai
- Không ăn nhiều nhưng ăn đủ: Giảm bớt việc tăng khối lượng không cần thiết.
- Thường xuyên luyện tập các các bài thể dục nhẹ (đi bộ, thể dục tay không, yoga, bơi lội…).
- Hãy xoa bóp vùng lưng một cách nhẹ nhàng và thường xuyên sau một ngày mệt mỏi. Nên đến các chuyên gia tư vấn về xoa bóp, về xương, cột sống và về châm cứu để có những lời khuyên phù hợp.
- Khi ngủ, sử dụng thêm đệm hoặc gối đỡ bụng và lưng. Nếu bạn nằm ngủ nghiêng, chèn thêm gối vào giữa hai chân để tạo cân bằng cho hông. Đầu tư thêm gối chuyên dụng cho bà bầu không phải là quá xa xỉ, nhất là khi đệm nằm của bạn không khiến bạn thoải mái.
- Đến bác sĩ ngay để theo dõi đúng lúc nếu cơn đau lưng lan rộng khắp vùng lưng, mông, đùi, cẳng chân, và đôi khi đến cả bàn chân, hoặc đau kéo dài.
- Sử dụng đai đỡ bụng dưới và quần đặc biệt cho thai phụ cũng giúp bạn hạn chế đau lưng khi mang thai 3 tháng cuối.
- Việc ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi cũng như tham gia vào một số bài tập hay massage nhẹ nhàng sẽ là cách giúp cải thiện tình trạng này một cách đáng kể.

Phòng ngừa đau hông khi mang thai
Các biện pháp phòng ngừa có thể không hiệu quả với tất cả mọi người.
- Duy trì lối sống tích cực trong suốt thai kỳ của bạn. Những bài tập cường độ thấp, như đạp xe đạp, đi bộ, bơi lội có thể phù hợp để tránh đau hông.
- Tăng cân có kiểm soát.
- Mang giày đế bằng, có hỗ trợ vòm bàn chân tốt trong khi tập thể dục hoặc các hoạt động sống hằng ngày.
- Luôn duy trì tư thế tốt trong khi ngồi, đứng, nâng hoặc mang vật nặng.
- Tránh những hoạt động có thể làm nặng thêm cơn đau hông. Ví dụ như bắt chéo chân, đứng trong thời gian dài, nâng vật nặng.
- Có thể dùng đai hỗ trợ vùng chậu để làm giảm áp lực lên vùng chậu.
- Luôn giữ tinh thần vui vẻ, tránh căng thẳng, lo lắng trong suốt thai kỳ.