Đau mắt đỏ ở trẻ em rất thường gặp, đặc biệt ở những trẻ đi mẫu giáo, tiểu học vì lây lan từ bạn bè, môi trường xung quanh. Vì thế, bố mẹ cần phát hiện và đưa trẻ đi khám bệnh, chữa trị kịp thời tránh để bệnh bị biến chứng nặng ảnh hưởng đến thị lực.
Đau mắt đỏ ở trẻ em là gì?
Viêm kết mạc hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, là tình trạng viêm lớp màng trong suốt ở bề mặt nhãn cầu (lòng trắng), kết mạc mi.
Bệnh về mắt này rất thường gặp (cấp tính chiếm tần suất mắc cao hơn mạn tính), điều trị dễ dàng và có thể tránh được. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi giới, mọi lứa tuổi: trẻ em, người trưởng thành, người già. Viêm kết mạc dễ lây lan và có thể lan rộng thành dịch vào mùa xuân hè.
Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ ở trẻ
Trong mắt bé có chứa virus Adenovirus hoặc do các vi khuẩn tụ cầu, liên cầu, phế cầu tấn công mắt bé gây ra hiện tượng đau mắt đỏ. Đặc biệt là vào mùa hè, khi thời tiết giao mùa, xuất hiện lượng mưa nhiều làm không khí thời tiết ẩm thấp khiến cho sức đề kháng của bé yếu đi, cơ thể mệt mỏi, môi trường có nhiều khói bụi nên bệnh rất dễ bùng phát.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên mua bao tay để đeo cho bé vì trẻ nhỏ rất hay có thói quen là dụi mắt, làm vi khuẩn xâm nhập vào mắt khiến bé dễ bị bệnh đau mắt đỏ. Không chỉ vậy, vì bệnh này có khả năng lây nhiễm cao nên nếu để cho bé tiếp xúc với người bệnh bị đau mắt đỏ thì bé cũng sẽ bị bệnh luôn.
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua một số trường hợp như:
- Nhìn trực tiếp vào mắt người bệnh.
- Chạm vào những đồ vật của người bệnh đau mắt đỏ như bàn ghế, nắm tay cửa,…
- Hay có thói quen dụi mắt khi chưa vệ sinh tay sạch sẽ.
- Dùng chung nguồn nước bị nhiễm bệnh.
- Tập trung ở nơi đông người như trường học, bệnh viện,…

Dấu hiệu và triệu chứng của viêm kết mạc
Nếu con bạn bị viêm kết mạc, trẻ có thể có một hay nhiều dấu hiệu và triệu chứng như sau:
- Mắt đỏ hoặc hồng, một bên hoặc cả hai mắt.
- Đỏ sau hai mí mắt trên và dưới.
- Sưng mí mắt.
- Chảy nước mắt liên tục.
- Chảy dử mắt đục, đặc và có màu vàng hoặc xanh.
- Ghèn đóng dày đặc quanh mắt khi con bạn ngủ dậy, tạo ra lớp vỏ cứng quanh mí mắt.
- Cảm giác chói mắt.
- Cảm giác xốn mắt như có cát trong mắt.
- Ngứa mắt và liên tục dụi mắt.
Các triệu chứng trên thường xuất hiện trong vòng 24 đến 72 giờ sau khi bị nhiễm bệnh và có thể kéo dài từ hai ngày đến ba tuần.

Cách chăm sóc và phòng ngừa đau mắt đỏ ở trẻ
Khi trẻ bị đau mắt đỏ, cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám chẩn đoán và điều trị. Phần lớn các trường hợp là điều trị ngoại trú, phụ huynh lưu ý:
- Tránh cho bé tiếp xúc với người bị bệnh đau mắt đỏ.
- Luôn vệ sinh sạch sẽ đồ dùng cá nhân của trẻ.
- Cho trẻ sử dụng vật dụng cá nhân riêng như khăn mặt, ly, chén,…
- Hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay kỹ lưỡng bằng xà phòng sát khuẩn.
- Không cho trẻ dùng tay dụi mắt.
- Hạn chế cho trẻ đi bơi trong mùa dịch đau mắt đỏ. Tập thói quen dùng kính bơi khi đi bơi.
- Đeo kính cho trẻ khi đi đường để tránh bụi.
- Cho trẻ tập luyện thể thao và ăn đầy đủ vitamin để tăng cường khả năng miễn dịch.
- Tránh các yếu tố kích ứng: bụi, lông thú,…
- Tránh đến những nên công cộng nên đeo kính, khẩu trang… để tránh lây lan cho người khác.
Đôi mắt là “báu vật” của mỗi con người nên ta phải nâng niu và giữ gìn sức khỏe cho đôi mắt. Đối với trẻ, để bảo vệ và chăm sóc mắt, cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra mắt con xem có biểu hiện gì bất thường hay không. Bố mẹ hoàn toàn có thể phòng bệnh cho bé bằng các sinh hoạt hàng ngày, bổ sung các dinh dưỡng cần thiết giúp tăng sức khỏe, bảo vệ thị giác.