Bệnh mắt hột là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm thị lực. Bệnh do vi khuẩn gây ra nên có thể phát triển, lây lan thành dịch. Nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh và điều trị sớm đúng cách là biện pháp tốt nhất tránh những biến chứng do bệnh gây ra.
Đau mắt hột là bệnh gì?
Bệnh mắt hột (BMH) là một viêm kết giác mạc đặc hiệu, lây lan, tiến triển mạn tính ở người, gây ra do tác nhân Chlamydia Trachomatis. Tổn thương đặc trưng ở kết giác mạc bởi: hột mắt hột, tăng sản nhú gai, màng máu, cuối cùng là sẹo hoá kết giác mạc, gây lông quặm, lông siêu và dẫn đến mù loà.
Nguyên nhân bệnh đau mắt hột
Bệnh đau mắt hột do vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Bệnh lan truyền qua tiếp xúc với dịch tiết từ mắt hoặc mũi của người bị nhiễm bệnh. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau mắt hột bao gồm:
- Điều kiện sống thấp: Điều kiện sống thấp cho phép các vi khuẩn lây nhiễm sinh sống và phát triển.
- Điều kiện sống đông đúc: Những người sống trong điều kiện không gian hẹp cũng có nguy cơ lây nhiễm cao hơn.
- Vệ sinh kém: Tình trạng vệ sinh kém và thiếu vệ sinh, tay và đặc biệt ở mắt khiến bệnh dễ lây lan hơn.
- Tuổi tác: Trẻ em từ 4 đến 6 tuổi là độ tuổi dễ mắc đau mắt hột nhất.
- Điều kiện vệ sinh kém: Không có nhà vệ sinh hay các côn trùng như ruồi, nhặng khiến bệnh dễ lây lan và bùng phát thành dịch.

Triệu chứng của bệnh mắt hột
Mắt hột là bệnh rất dễ phát hiện bởi gây ngứa và khiến người mắc khó chịu. Một vài triệu chứng rõ ràng của bệnh đau mắt hột như:
- Ngứa ngáy vùng mắt và mí mắt.
- Mắt luôn ướt và chảy dịch nhầy có mủ màu vàng.
- Khu vực mí mắt bị nhiễm khuẩn sẽ sưng, thường bị ở góc mí mắt trên hoặc dưới.
- Khó chịu khi tiếp xúc ánh sáng.
- Đau mắt kéo dài.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh mắt hột
Nếu như người bệnh không được thực hiện các phương pháp điều trị đau mắt hột có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như là:
- Dẫn đến viêm kết mạc mạn tính khiến cho mắt bị đỏ mắt, ngứa, cộm, xốn quanh năm.
- Lông quặm là tình trạng tổn thương kết mạc bờ mi gây cho lông mi bị xiêu vẹo và biến dạng, quặp vào bên trong gây cọ xát liên tục vào giác mạc, gây tổn thương, trầy xước, loét giác mạc và làm mờ đục giác mạc.
- Viêm sụn mi: Đây là một dạng tổn thương làm bờ mi dày lên, xơ hóa, biến dạng sụn mi.
- Bội nhiễm: Đây là biến chứng xảy ra do bệnh mắt hột làm cho giác mạc bị tổn thương dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus và cả nhiễm vi nấm, dẫn đến viêm loét giác mạc và có thể gây mù lòa.
- U hột ở rìa giác mạc lan dần vào diện đồng tử và có khi còn có thể lan cả toàn bộ giác mạc
- Loạn thị: Xảy ra do sạn vôi và các sẹo mắt hột cọ sát lâu ngày trên giác mạc khiến cho giác mạc gồ ghề, lởm chởm, làm sai lệch đường đi của ánh sáng, gây nên hiện tượng loạn thị, giảm thị lực.
- Viêm tuyến lệ, tắc ống dẫn lệ dẫn đến tình trạng người bệnh bị, chảy nước mắt sống.
- Khô mắt, khô giác mạc: Biến chứng này xảy ra do các ống tuyến bị teo, giảm tiết dịch, mắt trắng khô, tầm nhìn mờ hẳn, có thể dẫn tới tình trạng loét giác mạc, thủng giác mạc và gây mù lòa.
Điều trị đau mắt hột
Điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, các phương pháp điều trị bao gồm:
- Thuốc kháng sinh – thuốc kháng sinh azithromycin (dùng 1 liều 1 năm) được sử dụng để điều trị trong trường hợp không biến chứng. Thuốc này giết chết vi khuẩn, sau đó mắt sẽ tự khỏi. Điều trị có thể cần phải được lặp lại sau mỗi 6 đến 12 tháng.
- Thuốc tra mắt mỡ Tetracyclin – tra ngày 2 lần trong 6 tháng.
- Erythromycin 250mg uống 4 viên/ngày x 3 tuần.
- Phẫu thuật mổ quặm.
- Nước mắt nhân tạo và các vitamin.

Phòng ngừa bệnh đau mắt hột
Các phương pháp phòng ngừa đau mắt hột như sau:
- Nếu như bạn sống trong vùng có dịch bệnh mắt hột thì điều quan trọng nhất đó là cần giữ vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là đối với mắt, tập thói quen đeo kính khi đi ra ngoài để bảo vệ mắt.
- Hạn chế tối đa việc dùng chung dụng cụ vệ sinh đối với người khác, bạn có thể thay bằng việc sử dụng khăn lau mặt hàng ngày bằng bông tẩy trang sử dụng một lần.
- Cải thiện điều kiện sống xung quanh như là tạo nguồn nước sạch, diệt ruồi.
- Nước để vệ sinh cá nhân phải luôn là nước sạch.
- Nếu như phát hiện có những triệu chứng đau mắt hột như là đỏ, cộm… thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ kiểm tra.
- Có thói quen thăm khám mắt định kỳ để phát hiện kịp thời những bệnh lý mà mắt đang gặp phải.
Đau mắt hột không phải là bệnh viêm nhiễm thông thường mà là nhiễm khuẩn khó chữa, thời gian lành bệnh rất lâu. Vì thế người bệnh cần đề cao cảnh giác hơn trong việc phòng tránh. Nếu cảm thấy tình trạng bệnh của mình đang chuyển biến xấu, hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị. Bên cạnh đó, cần thiết lập và điều chỉnh lại lối sống để hỗ trợ việc điều trị và cải thiện tình trạng bệnh giúp mắt sáng khỏe.