Đau vùng chậu mãn tính ở phụ nữ là tình trạng đau ở vùng dưới rốn và giữa hông, có thể kéo dài sáu tháng hoặc lâu hơn. Dấu hiệu đau vùng chậu này có thể là triệu chứng của một số bệnh rất nguy hiểm.
Đau vùng chậu mạn tính là bệnh gì?
Đau vùng chậu mạn tính là đau ở vùng dưới rốn và giữa hông, có thể kéo dài sáu tháng hoặc lâu hơn. Cơn đau khác nhau tùy theo mỗi người. Ở một số phụ nữ, cơn đau chỉ ở mức trung bình và thỉnh thoảng hay tái phát lại. Trong một số trường hợp, cơn đau lại ở mức độ nghiêm trọng hơn và gây ra một số vấn đề về giấc ngủ, làm việc.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, không thể xác định được nguyên nhân gây nên triệu chứng. Trong trường hợp đó, mục tiêu của điều trị là giảm đau và các triệu chứng khác. Đồng thời, cần cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân
Nguyên nhân gây đau vùng chậu mãn tính
Đau vùng chậu mãn tính là một tình trạng phức tạp có thể do nhiều nguyên nhân. Đôi khi, một rối loạn duy nhất có thể được xác định là nguyên nhân gây nên.
Tuy nhiên, trong các trường hợp khác, đau có thể là do một số bệnh lý khác gây nên. Ví dụ, một người phụ nữ có thể bị lạc nội mạc tử cung và viêm bàng quang kẽ, cả hai đều góp phần gây đau vùng chậu mãn tính.
Một số nguyên nhân gây đau vùng chậu mãn tính bao gồm:
- Lạc nội mạc tử cung: Đây là tình trạng mô thuộc niêm mạc tử cung của bạn phát triển ra bên ngoài tử cung. Những khối mô này phản ứng với chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
- Các vấn đề về xương khớp: Tình trạng ảnh hưởng đến mô xương, mô khớp và mô liên kết – chẳng hạn như đau xơ cơ, căng cơ sàn chậu, viêm khớp xương mu (khớp mu) hoặc thoát vị – có thể dẫn đến đau vùng chậu tái phát.
- Bệnh viêm vùng chậu mãn tính: Điều này có thể xảy ra nếu bị nhiễm trùng một thời gian dài. Bệnh thường lây truyền qua đường tình dục, gây ra sẹo liên quan đến các cơ quan vùng chậu.
- U xơ: Tử cung tăng trưởng có thể gây ra áp lực hoặc cảm giác đè nặng lên vùng hạ vị.
- Yếu tố tâm lý: Trầm cảm, căng thẳng mãn tính hoặc có tiền sử lạm dụng tình dục hoặc thể chất có thể làm tăng nguy cơ bị đau vùng chậu mãn tính. Rối loạn cảm xúc làm cho triệu chứng đau trở nên tồi tệ hơn.
- Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu: Các tĩnh mạch trong khung chậu bị chèn ép và giãn do máu bị chặn gây ra các triệu chứng sau: Đau vùng chậu trở nên trầm trọng hơn khi đứng hoặc ngồi.

Dấu hiệu nhận biết đau vùng chậu
Các triệu chứng thường gặp của đau vùng chậu mạn tính là:
- Khí hư có màu sắc, kết cấu bất thường hoặc mùi khó chịu.
- Đau bụng hoặc đau vùng chậu ở một khu vực cụ thể hoặc rộng hơn.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Chu kì kinh không thường xuyên hoặc bị mất.
- Chuột rút kì kinh nguyệt nghiêm trọng hơn so với bình thường.
- Đi tiểu thường xuyên.
- Đau khi đi tiểu.
- Đau khi trứng rụng.
- Đau khi bạn ấn vào một số khu vực xương chậu.
- Đau lưng.
- Mệt mỏi.
- Sốt.
- Buồn nôn.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Chuẩn đoán bệnh đau vùng chậu
Một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh đau vùng chậu mãn tính bao gồm:
- Siêu âm: Phương pháp xét nghiệm dùng sóng siêu âm có tần số cao tạo ra hình ảnh chính xác về cấu trúc bên trong cơ thể con người. Chẩn đoán này giúp phát hiện các u buồng trứng, tử cung hoặc ống dẫn trứng.
- Nội soi: Là một kỹ thuật y học hiện đại được ứng dụng trong việc khám bệnh, chẩn đoán bệnh bằng việc sử dụng các loại dụng cụ chuyên biệt để quan sát trực tiếp bên trong các cơ quan của cơ thể. Với kỹ thuật nội soi, người ta có thể quay phim, chụp hình bên trong các cơ quan, lấy dị vật, sinh thiết và thậm chí là thực hiện phẫu thuật nội soi.
- Nội soi bàng quang: Là phương pháp dùng ống soi bàng quang để nhìn vào bên trong bàng quang và niệu đạo- những bộ phận không nhìn thấy rõ thông qua chụp X-quang.
- Nội soi đại tràng: Là một xét nghiệm được sử dụng để phát hiện những thay đổi bất thường trong ruột già (đại tràng) và trực tràng. Phương pháp này giúp chẩn đoán được các bệnh đại tràng cũng như tìm ra được các nguy cơ gây ung thư.
- Soi đại tràng sigma: Một phương pháp đơn giản giúp đưa ra hình ảnh chi tiết về tình trạng tổn thương của đại tràng sigma, từ đó xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Phương pháp điều trị đau vùng chậu mãn tính
Các phương pháp dùng để điều trị bệnh viêm vùng chậu mạn tính bao gồm:
- Thuốc.
- Phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như: vật lý trị liệu, kích thích tủy sống, tiêm tại điểm gây kích thích, tâm lý trị liệu.
- Phẫu thuật.
- Phục hồi chức năng.
- Châm cứu.
Phương pháp phòng ngừa bệnh
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Quan hệ tình dục an toàn.
- Làm xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Tránh thụt rửa âm đạo.
- Vệ sinh kỹ càng sau khi sử dụng nhà vệ sinh để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo của bạn.
Những cơn đau vùng chậu mãn tính ở phụ nữ có thể không do nguyên nhân tổn thương thực thể. Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào có biểu hiện những cơn đau vùng chậu kéo dài, bệnh nhân nhất thiết phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám loại trừ những nguyên nhân có thể gây nguy hiểm có thể xảy ra. Điều trị sớm bệnh đau vùng chậu mãn tính sẽ giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời, có thể giúp phát hiện sớm những bệnh lý tiềm ẩn và điều trị kịp thời.