Bệnh khởi phát ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhiều từ 6 đến 20 tuổi, đặc trưng là các nút sừng ở vị trí nang lông, tạo thành các sần nhô lên khỏi mặt da, khiến da thô ráp, sần sùi.
Dày sừng nang lông là bệnh gì?
Dày sừng nang lông là một tình trạng da mãn tính khá phổ biến. Bệnh gặp ở 80% trẻ vị thành niên và 40% người trưởng thành. Dày sừng nang lông thường xuất hiện từ khi bệnh nhân còn nhỏ và tiến triển dần, lan rộng đến 20 tuổi, nhiều nhất ở tuổi dậy thì, đến tuổi ngoài 30 tuổi thì bệnh giảm hoặc tự mất.
Vị trí thường xuất hiện
- Trẻ em: Cánh tay trên, đùi (trước) và má.
- Thanh thiếu niên và người lớn: Cánh tay trên, đùi (phía trước) và mông.
Một số người có rất nhiều vết sần trên da đến nỗi các vết sần kéo dài đến chân dưới và cẳng tay.
Nguyên nhân gây bệnh
- Thiếu các vitamin A, C, rối loạn hormone, khiến da dễ bị khô, thiếu độ ẩm thường xuyên, lâu ngày gây hiện tượng dày sừng nang lông.
- Yếu tố di truyền khiến chất keratin sản sinh ra nhiều hơn bình thường gây bít tắc lỗ chân lông, dẫn đến dày sừng nang lông.
- Bệnh nhân bị viêm nang lông cấp tính, nấm da, viêm da cơ địa,… điều trị không tốt dẫn đến dày sừng nang lông.
Những nguy cơ mắc bệnh
Bạn có nhiều khả năng gặp vấn đề này hơn nếu bạn có một hoặc những điều sau đây:
- Có những người họ hàng gần mắc dày sừng nang lông.
- Hen suyễn.
- Da khô.
- Bệnh chàm.
- Thừa cân.
- Sốt hoa cỏ.
- Da vảy cá.
- Người có khối u ác tính.

Triệu chứng khi bị dày sừng nang lông
Khi mắc dày sừng nang lông bạn có thể gặp những triệu chứng sau:
- Bạn sẽ cảm thấy da thô ráp và khô như giấy nhám.
- Vẻ ngoài da nhìn như da của một con gà hoặc ngỗng khi nhổ lông.
- Tình trạng trở nên nặng nề hơn vào mùa đông hoặc khí hậu khô.
- Ngứa.
- Xuất hiện với nhiều màu sắc khác nhau, bao gồm cùng màu với làn da của bạn, trắng, đỏ, tím hồng và đen nâu.
Biện pháp điều trị bệnh
- Giữ ẩm bằng cách thường xuyên bôi kem dưỡng ẩm, làm mềm da, tránh tắm lâu bằng nước nóng, xà phòng có tính tẩy rửa mạnh. Lựa chọn ưu tiên loại dưỡng ẩm chứa ure. Nên dùng kem dưỡng ẩm ít nhất 2 lần mỗi ngày, bao gồm 1 lần ngay sau khi tắm xong vài phút.
- Đối với trẻ lớn hơn và người trưởng thành, kem tẩy da chết loại nhẹ có thể được sử dụng, chứa các thành phần: axit lactic, axit alpha-hydroxy, axit salicylic.
- Thuốc bôi tại chỗ có thành phần acit salicylic, vitamin A acid tuỳ từng trường hợp cụ thể. Quý vị nên tới khám bác sĩ da liễu để được kê đơn thuốc bôi phù hợp, một số loại thuốc bôi chứa vitamin A acid có thể gây kích ứng da ở trẻ nhỏ.
- Liệu pháp ánh sáng: Một số trường hợp, chuyên gia sẽ áp dụng tia UVA, UVB, laser,… để làm mềm hóa da, tăng cường lưu thông máu, tăng tốc độ chuyển hóa thuốc trị bệnh. Phương pháp này cần được áp dụng chung với phương pháp dùng thuốc.

Cách phòng ngừa bệnh
- Không tắm nước quá nóng, tốt nhất là tắm nước ấm hoặc nước mát.
- Sử dụng xà phòng nhẹ, tự nhiên, không độc để làm sạch các khu vực nhạy cảm.
- Không tự ý nặn các nốt sẩn.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm cho da mỗi ngày.
- Giữ độ ẩm trong môi trường sống và phòng ngủ.
- Không chà xát quá mạnh lên da vì có thể gây kích ứng da và khiến các triệu chứng thêm nghiêm trọng.
- Mặc quần áo thoải mái, không mặc quá chật để tránh gây ma sát, trầy xước và tổn thương da.
- Tránh để da tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời.
- Hạn chế thời gian tắm quá lâu để da không bị khô.
- Tẩy tế bào chết đúng cách và dưỡng ẩm da thường xuyên.
- Khi ra ngoài nên che chắn cẩn thận, tránh tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.
Tất cả tình trạng dày sừng nang lông đều không nguy hiểm, vì vậy việc điều trị thường không cần thiết. Nhưng nếu căn bệnh này làm ảnh hưởng đến vẻ thẩm mỹ của làn da cũng như cuộc sống của bạn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ có thể đưa ra những giải pháp điều trị và lời khuyên phù hợp cho vấn đề của bạn.