Dị ứng đậu nành là loại dị ứng thực phẩm thường gặp. Đối tượng mắc phải chủ yếu là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Bệnh nhi có biểu hiện quá mẫn với đậu nành và các thực phẩm liên quan như sữa đậu nành, mầm đậu nành.
Dị ứng đậu nành là gì?
Dị ứng đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành là một loại dị ứng thực phẩm phổ biến. Đa số các trường hợp dị ứng đậu nành xảy ra ở trẻ sơ sinh, được bố mẹ phát hiện khi thấy trẻ phản ứng quá mẫn với sữa bột đậu nành. Hầu hết bệnh nhi dị ứng với đậu nành đều sẽ hết dần theo thời gian, song một số trường hợp có thể dị ứng đến tuổi trưởng thành.
Nguyên nhân gây bệnh
Dị ứng đậu nành xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn các protein vô hại có trong đậu nành là những kẻ xâm lược và tạo ra kháng thể chống lại chúng. Lần tiếp theo khi tiêu thụ sản phẩm đậu nành, hệ thống miễn dịch sẽ giải phóng các chất như histamine để bảo vệ cơ thể. Việc giải phóng các chất này gây ra phản ứng dị ứng.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh
Một số yếu tố có thể khiến bạn có nguy cơ cao bị dị ứng với đậu nành:
- Tiền sử gia đình: Bạn có nguy cơ bị dị ứng với đậu nành hoặc các loại thực phẩm khác nếu người trong gia đình bạn có các dị ứng khác, như viêm mũi dị ứng, hen, nổi ban hoặc chàm.
- Tuổi tác: Dị ứng đậu nành phổ biến nhất ở trẻ em, đặc biệt là trẻ mới biết đi và trẻ sơ sinh.
- Dị ứng khác: Trong một số trường hợp, người bị dị ứng với lúa mỳ, đậu (cây họ đậu), sữa hoặc thực phẩm khác có thể có phản ứng dị ứng với đậu nành.

Triệu chứng của dị ứng đậu nành
Các triệu chứng phổ biến của dị ứng đậu nành là:
- Ngứa ran trong miệng.
- Phát ban, ngứa, có vảy da (chàm).
- Sưng môi, mặt, lưỡi và cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
- Thở khò khè, chảy nước mũi hoặc khó thở.
- Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn.
- Da đỏ.
Sốc phản vệ gây ra các dấu hiệu và triệu chứng rất nặng bao gồm:
- Khó thở do cổ họng sưng phù.
- Sốc kèm sụt giảm huyết áp nghiêm trọng.
- Mạch đập nhanh.
- Chóng mặt, choáng hoặc bất tỉnh.
Chẩn đoán dị ứng đậu nành
Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng rồi thực hiện các xét nghiệm như:
- Kiểm tra da: Thực hiện bằng cách chích một lượng nhỏ protein trong đậu nành vào đa. Nếu bị dị ứng, tại vùng da đó sẽ xuất hiện vết sưng, mề đay.
- Xét nghiệm máu: Được sử dụng để đo lường phản ứng của hệ thống miễn bằng cách đo lượng kháng thể immunoglobulin E (IgE) nhất định trong máu.

Cách điều trị bệnh dị ứng đậu nành
Cách duy nhất để ngăn chặn một phản ứng dị ứng là tránh protein đậu nành và đậu nành.
Các loại thuốc, như thuốc kháng histamine, có thể làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng đậu nành. Dùng thuốc kháng histamine sau khi tiếp xúc với đậu nành có thể kiểm soát phản ứng của bạn và giúp giảm bớt sự khó chịu. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc kháng histamine.
Thay đổi lối sống và biện pháp khắc phục
Nếu bạn có nguy cơ bị dị ứng nặng hoặc đã từng bị dị ứng, hãy:
- Mang theo epinephrine tiêm (EpiPen, Auvi-Q, các thuốc khác) bên mình. Hãy chắc chắn rằng bạn biết khi nào và làm thế nào để sử dụng epinephrine.
- Mang một vòng tay thông báo để cho người khác biết về tình trạng dị ứng của bạn.
Cách phòng ngừa bệnh
Khá khó ngăn ngừa dị ứng thực phẩm. Cách duy nhất là cố gắng tránh thực phẩm sản xuất từ đậu nành, nhưng không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng biết được thực phẩm nào chứa, thực phẩm nào không chứa. Do đó hãy đọc nhãn cẩn thận trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào.
Các sản phẩm cần tránh bao gồm:
- Sữa đậu nành.
- Bột đậu nành.
- Đậu hũ.
- Nước tương.
- Dầu thực vật.
- Kẹo cao su.
- Nước dùng rau.
- Hương liệu tự nhiên.
- Bột ngọt.
Đậu nành chứa protein đậu nành có thể gây ra phản ứng dị ứng. Kiểm tra nhãn của tất cả các dạng đậu nành nếu bạn bị dị ứng đậu nành. Khi phát hiện ra mình mắc dị ứng cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời và đụng cách. Thay đổi lối sống và cẩn thận hơn trong việc lữa chọn thực phẩm sẽ giúp bạn phòng tránh các tình trạng nguy hiểm xảy ra đối với dị ứng này.