Dị vật đường thở là tai nạn khá thường gặp và nguy hiểm ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi do sự tò mò tìm tòi những điều mới lạ xung quanh nhưng chưa nhận thức những việc nguy hiểm cần tránh. Dị vật hô hấp có thể gây giảm hoặc tắc nghẽn đường thở hoàn toàn. Nếu không xử lý kịp thời, tình trạng này có thể để lại những hậu quả nặng nề như tổn thương não dẫn đến tử vong.
Dị vật đường thở là gì?
Dị vật đường hô hấp là những vật bị mắc lại trên đường thở của bệnh nhân từ thanh quản đến phế quản. Đây là cấp cứu tai mũi họng thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn (75% gặp ở trẻ dưới 4 tuổi), do trẻ em thường có thói quen cho các đồ vật vào miệng và phản xạ bảo vệ đường thở của trẻ chưa hoàn thiện.
Nguyên nhân dẫn đến hóc dị vật đường hô hấp
Hóc dị vật đường hô hấp có rất nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:
- Trẻ em có thói quen ngậm thức ăn hoặc đồ chơi vào miệng.
- Người lớn có thói quen ngậm dụng cụ khi làm việc.
- Trong quá trình ăn uống không cẩn thận để các dị vật vướng vào.
- Do hít mạnh, sâu và đột ngột.
- Sau một cơn cười, khóc hay khi quá ngạc nhiên, quá sợ hãi.
- Phụ huynh cho trẻ uống thuốc nguyên viên, không được bẻ nát.
- Bị sặc khi ăn.
Tác nhân gây hóc dị vật đường hô hấp có rất nhiều, có thể là đồ vật hoặc thức ăn. Đối với trẻ thì đó là tất cả những thứ có thể cho vào miệng hoặc vào mũi như hạt gạo, hạt cườm, nút áo, viên bi,…

Triệu chứng của dị vật đường thở
Những trường hợp dễ gây dị vật đường hô hấp ở trẻ bao gồm:
- Trẻ bị sặc thức ăn như cơm, sữa, cháo,… khi bị ép ăn hoặc giật mình.
- Trẻ bị sặc do các loại thức uống hoặc đờm dãi, thường gặp khi trẻ bị viêm đường hô hấp tiết nhiều dịch nhưng chưa biết cách điều tiết.
- Trẻ bị dị vật đường thở do hít vào những vật nhỏ như các loại hạt, thuốc viên, kẹo viên,… hoặc những đồ chơi nhỏ, nắp bút, hòn bi,…
Dị vật đường thở có thể do sự vô ý của cha mẹ hoặc do sự tò mò từ trẻ lại gây nguy hiểm cho bản thân. Cha mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu trẻ bị dị vật đường thở để kịp thời xử lý. Xử lý càng sớm, dị vật được loại bỏ càng nhanh thì nguy cơ biến chứng cho sức khỏe càng thấp.
Biến chứng khi bị hóc dị vật đường hô hấp
- Nếu không được xử trí kịp thời bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng do dị vật bít lấp đường thở gây ngạt thở cấp.
- Dị vật có thể gây viêm phế quản, viêm phổi, khí phế thũng, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, áp xe phổi một bên, xẹp phổi một bên, sẹo hẹp thanh quản.
Biện pháp chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán dị vật đường thở
Các biện pháp chính để phát hiện dị vật đường thở:
- Chụp Xquang lồng ngực.
- Chụp X-quang giai đoạn hít vào và thở ra.
- Nội soi phế quản.
Cách điều trị dị vật đường thở
Khai thông đường thở: Móc hết chất nôn, đờm giải, dị vật trong mồm, họng, làm nghiệm pháp Heimlich (nằm, ngồi đứng) nếu mắc phải dị vật lớn vào đường thở.
- Nếu người bệnh bất tỉnh: Đặt người bệnh ở tư thế nằm, người cấp cứu quỳ bên người bệnh đặt bàn tay lên bụng người bệnh giữa rốn và xương ức bàn tay kia đặt trên bàn tay này làm động tác đẩy mạnh và nhanh lên phía trên làm đi làm lại 10 lần.
- Nếu người bệnh tỉnh: Để người bệnh ở tư thế đứng hoặc ngồi, người làm thủ thuật đứng sau người bệnh, vòng hai tay ra phía trước áp vào vùng thượng vị của người bệnh, ép mạnh từng nhịp, tạo áp lực đột ngột dồn từ từ dưới cơ hoành tống dị vật ra.
- Đối với trẻ nhỏ: Cho trẻ cúi về phía trước vỗ mạnh lưng trẻ đột ngột vài lần. Làm đi làm lại 10 lần.
Việc xử trí trẻ bị dị vật đường hô hấp cần thực hiện đúng cách và nhanh chóng, nếu không có kinh nghiệm và được đào tạo, tốt nhất bạn nên tìm đến người có chuyên môn hoặc chờ đội cấp cứu. Nếu xử trí sai cách, dị vật đường hô hấp có thể gây tổn thương nghiêm trọng hơn.

Những lưu ý giúp tránh được khi có dị vật trong đường thở
- Không ép trẻ ăn khi trẻ đang khóc và không đùa giỡn khiến trẻ cười khi đang ăn.
- Không để trẻ ăn các thực phẩm dễ bị hóc như các loại thực phẩm nguyên hạt.
- Tập cho trẻ thói quen không đưa đồ vật vào miệng ngậm mút.
- Tuyên truyền để nhiều người được biết rõ những nguy hiểm của dị vật đường hô hấp.
- Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây nên hóc, không nên hoảng hốt, la hét, mắng trẻ vì làm như vậy trẻ sợ hãi dễ bị hóc.
- Không nên cười đùa trong khi ăn, không ép buộc trẻ em ăn khi đang khóc.
- Không nên uống nước không đảm bảo vệ sinh như nước sông suối đề phòng dị vật sống đi vào đường thở.
- Nếu bị hóc hoặc nghi bị hóc vào đường thở, cần đưa đi bệnh viện ngay.
- Sau khi thực hiện các bước sơ cứu nếu dị vật đã được lấy ra, phụ huynh vẫn cần phải mang trẻ đến bệnh viện kiểm tra, đề phòng trường hợp có thể còn sót dị vật.
Khi mắc hóc dị vật đường hô hấp nếu không được xử trí kịp thời bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng do dị vật bít lấp đường thở gây ngạt thở cấp. Dị vật có thể gây viêm phế quản, viêm phổi, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, áp xe phổi một bên, … Vây nên, bất kì người dân nào cũng cần phải biết và bổ sung vào cẩm nang kỹ năng sống của bản thân về những thao tác thủ thuật nhỏ trong việc sơ cứu khi xảy ra trường hợp xấu, bảo vệ tính mạng mình và gia đình.