Phơi nhiễm HIV là gì?
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y Tế, phơi nhiễm với HIV là trường hợp có tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch cơ thể của người nhiễm HIV hoặc nghi nhiễm HIV, từ đó dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.
Phơi nhiễm HIV được chia làm 2 loại:
- Phơi nhiễm nghề nghiệp: Các đối tượng thường xuyên tiếp xúc với máu và dịch tiết từ người khác.
- Phơi nhiễm ngoài môi trường nghề nghiệp (tại cộng đồng): Chẳng hạn như đạp phải kim tiêm, vật sắc nhọn, dùng chung kim tiêm nghi có dính máu, dịch của người bệnh HIV…
Cần nhận thức được rằng phơi nhiễm HIV không có nghĩa là sẽ mắc HIV. Trong thời gian nghi ngờ phơi nhiễm, hãy bình tĩnh và nhanh chóng sắp xếp điều trị dự phòng ngay.
Xử lý phơi nhiễm HIV
Đánh giá nguy cơ phơi nhiễm
Nguy cơ cao
- Tổn thương qua da sâu, chảy máu nhiều.
- Máu và các dịch của người mắc HIV bắn vào các vết thương, niêm mạc bị loét rộng từ trước.
Nguy cơ thấp
- Tổn thương da xây xát nông và không chảy máu hoặc chảy máu rất ít.
- Máu và chất dịch cơ thể bắn vào niêm mạc không bị tổn thương, viêm loét.
Không có nguy cơ
- Máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành, và không bị tổn thương.
Xử lý vết thương tại chỗ
Với tổn thương da chảy máu
- Rửa ngay vết thương dưới vòi nước.
- Để vết thương chảy máu trong thời gian ngắn.
- Rửa kỹ bằng xà phòng, sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn (Dakin, Javen 1/10 hoặc cồn y tế) trong thời gian ít nhất là 5 phút.
Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt
- Rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCL 0,9% liên tục trong vòng 5 phút.
Phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi
- Rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCL 0,9%.
- Súc miệng bằng nước NaCL 0,9% nhiều lần.
Điều trị phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV
Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) là sử dụng thuốc phơi nhiễm HIV – thuốc kháng virus ARV để ngăn ngừa nhiễm virus này sau khi thực hiện hành động tiềm ẩn nguy cơ.
Cần tiến hành điều trị ARV ngay cho người bị phơi nhiễm, đặc biệt là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, càng sớm càng tốt.
Tốt nhất là điều trị ARV sớm 2-6 tiếng đồng hồ sau khi bị phơi nhiễm và không nên điều trị muộn sau 72 tiếng. Thời gian điều trị ARV kéo dài trong bốn tuần và có thể sử dụng các phác đồ sau theo chỉ định của bác sĩ: ZDV + 3TC hoặc d4T + 3TC.
Trong giai đoạn “cửa sổ cơ hội” này, thuốc kháng virus có thể phòng ngừa nhiễm HIV bằng cách khống chế sự nhân lên của virus, cô lập và đào thải những tế bào đã bị nhiễm HIV ra khỏi cơ thể.
Ở trong thời gian điều trị dự phòng ARV, cần theo dõi tác dụng phụ của thuốc ARV thông qua các xét nghiệm: Xét nghiệm công thức máu, đo chỉ số men gan ALT/SGPT lúc bắt đầu điều trị và sau khi điều trị được hai tuần, xét nghiệm đường máu. Đồng thời, người bị phơi nhiễm cần xét nghiệm HIV sau một, ba và sáu tháng kể từ thời điểm bị phơi nhiễm.
Trong thời gian này, người bị phơi nhiễm cần thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho người khác. Sau 6 tháng xét nghiệm HIV mà cho kết quả âm tính, người bị phơi nhiễm có thể yên tâm rằng đã không bị lây nhiễm HIV trong tình huống đó.
Lưu ý khi dùng thuốc phơi nhiễm HIV
Thuốc phơi nhiễm HIV không thể thay thế cho việc phòng ngừa HIV bằng các biện pháp an toàn khác nên bạn vẫn cần sử dụng bao cao su, kim tiêm vô trùng,… trong giai đoạn PEP. PEP cũng không phải là sự lựa chọn phù hợp cho người có thể thường xuyên tiếp xúc với HIV. Sau khi được chỉ định uống thuốc phơi nhiễm HIV (không tự ý mua thuốc), bạn cần tái xét nghiệm sau phơi nhiễm 1-3-6 tháng.
Không điều trị dự phòng bằng thuốc phơi nhiễm HIV ARV sau phơi nhiễm cho các trường hợp:
- Người bị phơi nhiễm đã có kết quả nhiễm HIV.
- Kết quả xét nghiệm HIV cho nguồn gây phơi nhiễm khẳng định âm tính.
- Phơi nhiễm với các dịch cơ thể không có nguy cơ lây nhiễm đáng kể như nước mắt, dịch nước bọt không dính máu, nước tiểu và mồ hôi.
- Người phơi nhiễm liên tục với HIV như quan hệ tình dục thường xuyên với người nhiễm HIV hoặc gái mại dâm nhưng không bảo đảm quan hệ an toàn (sử dụng bao cao su), người nghiện chích ma túy thường xuyên sử dụng chung bơm kim tiêm.
Nhiều bằng chứng khoa học trong những năm gần đây cũng cho thấy hiệu quả dự phòng sau phơi nhiễm HIV bằng ARV. Việc điều trị, khống chế tốt tải lượng virus HIV trong máu sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác.
Hiện nay, chỉ các trường hợp bị phơi nhiễm khi đang làm nhiệm vụ chuyên môn mới được điều trị dự phòng miễn phí, còn các trường hợp phơi nhiễm cộng đồng không được cấp chế độ này. Tuy nhiên, những người bị phơi nhiễm có thể mua thuốc tại các hiệu thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Nhìn chung, hãy luôn luôn thực hành các biện pháp an toàn để tránh phơi nhiễm HIV, kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm cũng như chia sẻ kiến thức phòng bệnh cho người thân, nâng cao nhận thức cộng đồng về HIV/AIDS.