Ung thư trực tràng là loại ung thư phổ biến hiện nay, gây tỷ lệ tử vong cao. Ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện sớm tỷ lệ điều trị thành công sẽ lên tới 90% nhưng sẽ chỉ còn 10% khi phát hiện ở giai đoạn muộn. Việc phát hiện sớm là cực kỳ quan trọng trong việc điều trị ung thư đại trực tràng. Giúp tỷ lệ sống cao hơn, kéo dài tuổi thọ và cắt giảm chi phí điều trị.
Đại trực tràng là phần cuối của ống tiêu hóa bao gồm 2 phần: đại tràng và trực tràng. Đại tràng gồm: manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống và đại tràng Sigma.
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ ba trên thế giới thường hiếm gặp ở người dưới 40 tuổi. Các triệu chứng của bệnh không đặc hiệu và thường nhầm lẫn với bệnh đại trực tràng lành tính.
Phần lớn ung thư đại trực tràng là ung thư biểu mô tuyến phát sinh từ tế bào biểu mô. Khoảng 71% trường hợp ung thư đại trực tràng mới phát sinh từ đại tràng và 29% phát sinh từ trực tràng. Các loại khối u đại trực tràng ác tính ít gặp hơn là khối u carcinoid, khối u tế bào stroma đường tiêu hóa và u lympho. Tuổi cao là yếu tố nguy cơ lớn nhất của ung thư biểu mô tuyến đại trực tràng đơn phát với 99% trường hợp gặp ở người từ 40 tuổi trở lên.
Phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu trong điều trị ung thư đại trực tràng. Phẫu thuật giúp lấy đi khối u và một phần mô lành xung quanh khối u trong quá trình phẫu thuật.
Phẫu thuật ung thư đại tràng bằng cách cắt bỏ một phần đại tràng (đại tràng trái, đại tràng ngang, đại tràng phải, đại tràng sigma) hoặc cắt bỏ trực tràng tùy theo vị trí khối u cùng các hạch lân cân và tái lập lưu thông đường tiêu hóa.
Các dạng phẫu thuật ung thư đại trực tràng bao gồm:
- Phẫu thuật nội soi: Trong một số trường hợp phát hiện bệnh sớm, người bệnh có thể được tiến hành phẫu thuật nội soi. Với công nghệ này, một số vòi quan sát sẽ được đưa vào ổ bụng khi người bệnh được gây tê. Đây là phương pháp mổ vết thương không lớn, do vậy thời gian hồi phục nhanh.
- Mở thông kết tràng (Mổ hở): Thực hiện phẫu thuật mổ hở, nối thông đại tràng ra ngoài bụng làm được dẫn chất thải ra ngoài cơ thể. Việc tiến hành mở thông chỉ có thể là tạm thời, hoặc vĩnh viễn.
- Phương pháp hủy khối u bằng nhiệt. Một số bệnh nhân có thể được tiến hành phẫu thuật gan hoặc phổi để loại bỏ khối u di căn.
Các biến chứng của phẫu thuật có thể bao gồm: đau, chảy máu hoặc nhiễm trùng. Ngoài ra, việc thực hiện phẫu thuật có thể dẫn đến tiêu chảy hoặc táo bón.
Các biến chứng sau mổ này sẽ biến mất sau một thời gian ngắn. Trường hợp bệnh nhân phẫu thuật mở thông ruột kết có thể bị kích thích, đau khu vực nối thông.
Hóa trị
Điều trị hóa chất là một phần quan trọng trong điều trị bệnh ung thư đại trực tràng. Các phương pháp điều trị khác nhau đang được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng, như thử nghiệm các loại thuốc hóa chất mới, tìm kiếm các phương thức kết hợp mới cho các thuốc kinh điển nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.
Nghiên cứu các phương thức kết hợp hóa trị với xạ trị, liệu pháp đích và liệu pháp miễn dịch.
Tìm ra phương thức tốt nhất để xác định, ngăn ngừa và điều trị các phản ứng phụ về hóa trị cũng là mục tiêu của nhiều nghiên cứu.
Xạ trị
Xạ trị là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách sử dụng các tia X có năng lượng cao hoặc các tia bức xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư.
Đối với ung thư đại trực tràng, phương pháp xạ trị thực hiện trước phẫu thuật gọi là điều trị tân hỗ trợ, nhằm thu nhỏ khối u để phẫu thuật cắt bỏ dễ dàng hơn. Phương pháp này cũng có thể được áp dụng sau phẫu thuật nhằm tiêu hủy các tế bào ung thư còn sót lại.
Liệu pháp điều trị đích
Một số loại thuốc điều trị nhắm trúng đích đã được áp dụng để điều trị ung thư đại trực tràng tiến triển. Ví dụ: Nghiên cứu lĩnh vực miễn dịch, sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư.
Rất nhiều thuốc theo cơ chế này đang được nghiên cứu và hứa hẹn sẽ cho kết quả khả quan. Các tế bào ung thư đại trực tràng có thể có các thay đổi gen, khác với tế bào đại trực tràng bình thường nên dễ phát hiện hơn, đó cũng là điều kiện để chỉ định một số thuốc theo cơ chế miễn dịch.
Theo khuyến cáo trên thế giới, người từ 50 tuổi trở lên cần được nội soi tầm soát ung thư đường tiêu hóa, trong đó có ung thư dạ dày và đại trực tràng. Trường hợp trong gia đình có người thân đã bị polyp dạ dày hay đại tràng… thì nên tiến hành nội soi đại trực tràng sớm hơn, từ khoảng 40 tuổi. Trường hợp khi nội soi phát hiện polyp trong dạ dày hoặc đại tràng, bác sĩ sẽ cắt polyp qua đường nội soi và đưa đi xét nghiệm tế bào. Khi bạn đã phát hiện polyp khi nội soi, tùy theo mức độ loạn sản sau khi sinh thiết, bác sĩ sẽ chỉ định tầm soát định kỳ nội soi từ 6 tháng đến 1 – 2 năm/lần.
Trường hợp kết quả nội soi bình thường, không có viêm loét, không có polyp thì bạn cũng nên 5 năm nội soi lại 1 lần để tầm soát bệnh.
Để phòng bệnh, bạn cần có chế độ ăn uống hợp vệ sinh, không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, tập thể dục. Ngoài ra, bạn không nên ăn nhiều dưa muối – cà muối, thịt nướng. Và đặc biệt là thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn của thầy thuốc.