Tử cung là bộ phận sinh sản quan trọng nhất của người phụ nữ, tuy nhiên đây cũng là bộ phận dễ bị tổn thương và gặp phải các bệnh phụ khoa ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, tước đi khả năng mang thai và thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.
Dính buồng tử cung là bệnh gì?
Dính buồng tử cung là hiện tượng lớp đáy nội mạc tử cung bị tổn thương, khiến thành tử cung phía trước và phía sau dính lại với nhau.
Tử cung là cơ quan vô cùng quan trọng, thực hiện chức năng sinh sản của người phụ nữ. Tử cung có cấu tạo gồm lớp thanh mạc, lớp cơ và lớp nội mạc. Trong đó, lớp nội mạc tử cung gồm 2 lớp, lớp nằm phía trên là lớp chức năng, lớp nằm phía dưới là lớp đáy. Thông thường, vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt, lớp chức năng sẽ bong ra và bị thải ra ngoài gọi là hiện tượng hành kinh, còn lớp đáy sẽ thực hiện nhiệm vụ tái tạo lại lớp nội mạc chức năng sau mỗi khi hành kinh.
Khi bị dính buồng tử cung, do lớp nội mạc đáy bị viêm nhiễm hoặc tổn thương do nạo hút, do can thiệp phẫu thuật trong buồng tử cung làm cho thành tử cung ở hai mặt trước và sau dính lại với nhau, dẫn đến quá trình tái tạo lớp nội mạc chức năng sau khi kết thúc chu kỳ kinh gặp nhiều khó khăn, gây cản trở quá trình làm tổ của trứng đã thụ tinh. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được điều trị hiệu quả, dính buồng tử cung có thể gây vô sinh ở phụ nữ, tước mất khả năng mang thai và thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.
Phân loại dính buồng tử cung
Hiện tượng này có hai dạng chính, bao gồm:
- Dính buồng tử cung hoàn toàn: Thành tử cung phía trước và thành tử cung phía sau dính hoàn toàn vào nhau. Đây chính là nguyên nhân gây vô kinh và vô sinh thứ phát ở phụ nữ.
- Dính buồng tử cung một phần: Thành tử cung phía trước và thành tử cung phía sau chỉ dính vào nhau một phần, chị em vẫn có chu kỳ kinh nguyệt với số ngày hành kinh và lượng máu kinh giảm. Trường hợp này chị em vẫn có thể mang thai, nhưng dễ bị sảy thai và hạn chế trong sự phát triển thai.
Bản chất của hiện tượng chảy máu kinh hàng tháng là việc bong ra của lớp nội mạc tử cung chức năng. Do đó, khi buồng tử cung bị dính, nội mạc này không được tái tạo nên không thể bong ra và gây hiện tượng máu kinh.
Nguyên nhân gây bệnh
Dính buồng trứng chủ yếu là do việc can thiệp các biện pháp thủ thuật đến buồng tử cung như:
- Nạo hút thai: Đa số những bệnh nhân bị dính buồng tử cung đều do nạo, hút thai, hoặc nạo hút nhau thai sau sinh, do sẩy thai,… Trong quá trình thực hiện các thủ thuật này, bác sĩ thường cố gắng làm sạch bên trong nhưng có thể vô tình làm cho lớp niêm mạc tử cung bị tổn thương sâu.
- Do thực hiện các thủ thuật liên quan đến buồng tử cung: Các thủ thuật như bóc tách trong tử cung, trị xạ cục bộ, cắt nội mạc tử cung bằng điện, vi sóng trong tử cung,… gây tổn thương lớp niêm mạc cũng có thể dẫn đến dính buồng trứng.
- Viêm nhiễm: Viêm nhiễm phụ khoa, viêm nhiễm kết hạch hoặc viêm nhiễm hậu sản,… cũng vô tình gây nên dính buồng trứng.
Biểu hiện của dính buồng trứng
Các biểu hiện của dính buồng tử cung thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác bởi những dấu hiệu này rất phổ biến. Đó là:
- Kinh nguyệt không đều: Chị em có thể thấy chu kỳ kinh nguyệt thất thường hoặc số ngày kinh, lượng máu kinh không đều tùy theo loại dính buồng tử cung.
- Dính buồng tử cung một phần: Chu kỳ kinh đều nhưng số ngày hành kinh và lượng máu kinh ít đi.
- Dính buồng tử cung hoàn toàn: Chu kỳ kinh bất thường, thậm chí bị vô kinh.
- Đau bụng dưới: Thường là biểu hiện sau nạo hút thai khoảng 1 tháng. Chị em sẽ gặp phải những cơn đau râm ran ở vùng bụng dưới, có thể đau dữ dội hơn, đi vệ sinh cũng đau.
Không có thai mặc dù không sử dụng biện pháp tránh thai: Nếu sau một khoảng thời gian ngưng các biện pháp ngừa thai, chị em vẫn không có thai tự nhiên nên thăm khám sớm. Bởi theo thống kê có khoảng 1,5% trường hợp vô sinh có liên quan đến dính buồng tử cung.
Buồng tử cung bị dính có nguy hiểm không?
Bệnh gây ra nhiều biến chứng với những mức độ khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng tổn thương, bao gồm một số biến chứng tiêu biểu sau:
Tình trạng vô sinh được coi là hậu quả nặng nề, nguy hiểm nhất của bệnh nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời.
Xuất hiện rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, làm suy giảm khả năng thụ thai ở phụ nữ.
Ngoài ra, trứng có thể thụ tinh thành công nhưng không có vị trí làm tổ dẫn đến việc mang thai ngoài tử cung, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Trong nhiều trường hợp thụ thai thành công nhưng phôi thai bị chèn ép, niêm mạc không có khả năng tái tạo nên không tạo điểm bám dẫn đến nguy cơ sảy thai rất cao.
Chẩn đoán dính buồng tử cung
Để chẩn đoán dính buồng tử cung, bác sĩ Sản Phụ khoa sẽ thăm hỏi triệu chứng bệnh lý và tiền sử bệnh hoặc thủ thuật nếu có. Tiếp đến, để phân biệt với các tình huống bệnh phụ khoa khác, bác sĩ có thể chỉ định chị em tham gia một số xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Siêu âm tử cung.
- Nội soi buồng tử cung.
- Chụp X-quang tử cung vòi trứng có sử dụng thuốc cản quang.
Biện pháp điều trị dính buồng tử cung
Hầu hết chị em bị bệnh đều lo lắng “dính buồng tử cung có chữa được không?”. Hiện nay với sự phát triển của phác đồ hiện đại cùng sự hỗ trợ của trang thiết bị tối tân, bệnh đã có thể được điều trị dứt điểm bằng phương pháp phẫu thuật.
Điều trị dính buồng tử cung bằng cách tách phần dính để tái tạo lại buồng tử cung. Tiếp đến, đặt một vách ngăn vào giữa hai mặt tử cung để ngăn chặn hai thành tử cung dính lại với nhau. Tùy vào tình trạng dính mà cách xử trí khác nhau, tình trạng dính nhẹ và tổn thương nhỏ càng điều trị dễ dàng. Đối với tình huống buồng tử cung bị dính có viêm nhiễm, chị em được chỉ định điều trị dứt điểm viêm nhiễm trước khi phẫu thuật.
Khi phát hiện bản thân có những biểu hiện bệnh, chị em không nên chủ quan hãy đến bệnh viện để được thăm khám, kiểm tra, xác định nguyên nhân, chẩn đoán chính xác tình trạng để có hướng xử trí kịp thời. Việc để bệnh kéo dài sẽ gây khó khăn trong điều trị, thậm chí nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.