Trẻ còi xương cần bổ sung những chất dinh dưỡng nào là vấn đề lo lắng, thắc mắc của nhiều cha mẹ. Mặc dù cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ còi xương, tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm chất thiết yếu cho trẻ.
Dấu hiệu, cơ sở nhận biết, phát hiện trẻ còi xương
Có thể phát hiện trẻ còi xương qua những biểu hiện thường gặp như sau:
- Trẻ thường ngủ không trọn giấc, thường xuyên quấy khóc nhiều.
- Trẻ đổ nhiều mồ hôi, đặc biệt là lúc ngủ.
- Trẻ bị rụng tóc ở phía sau đầu, có hình giống vành khăn.
- Trẻ chậm mọc răng và các cột mốc phát triển khác như lật, bò, đứng, đi.
- Phần đầu có thóp rộng, sờ vào thóp thấy mềm, thời gian đóng thóp lâu, có bướu trán, đầu bẹp.
- Lồng ngực trẻ không bình thường, phần ức nhô lên, xương cổ tay chân bị bè, chân cong kiểu vòng kiềng hình chữ O, …
- Trẻ có thể bị co giật khi canxi trong máu giảm.
Nguy cơ trẻ còi xương sẽ cao hơn nếu trẻ sinh non hoặc sinh đôi, trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ. Ngoài ra, cần phân biệt giữa trẻ bị còi xương với trẻ mắc bệnh còi cọc. Vì không chỉ còi cọc, trẻ có thể bị còi xương kèm theo nhưng cũng có thể không. Trong khi đó, trẻ bụ bẫm vẫn có thể bị còi xương vì trẻ có nhu cầu phốt pho và canxi cao hơn.

Nguyên tắc xây dựng bữa ăn cho trẻ còi xương
- Lưu ý nạp đủ lượng sữa trẻ cần hằng ngày, trong trường hợp sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của bé thì có thể kết hợp thêm sữa công thức để đảm bảo dinh dưỡng.
- Đối với trẻ đã ăn dặm, số bữa ăn của trẻ cần tăng lên một cách hợp lý và đa dạng các loại thực phẩm nhằm đáp ứng đủ dưỡng chất. Khẩu phần ăn nên đầy đủ các nhóm như: thịt, cá, sữa, rau xanh, trái cây…
- Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các bữa ăn phụ bên cạnh bữa chính cho trẻ.
- Đặc biệt, cần lưu ý bổ sung vitamin D bằng cách phơi nắng sớm và kết hợp dinh dưỡng trong từng khẩu phần ăn.

Dinh dưỡng cho trẻ còi xương
Để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ còi xương và phòng còi xương nói chung cho trẻ nhỏ, cha mẹ cần:
- Với trẻ còn bú mẹ: Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn.
- Bổ sung vitamin D từ dầu mỡ: Chế độ ăn của trẻ cần có lượng dầu mỡ nhất định, nhưng cũng không nên quá nhiều vì nó dễ gây các bệnh khác, nên chọn các loại dầu mỡ làm từ thực vật.
- Trứng: Một nguồn cung cấp protein quan trọng khác là trứng. Trong lòng trắng trứng chứa 100% protein, lòng đỏ có chất béo nên được xem là loại thực phẩm không thể bỏ qua.
- Tinh bột, ngũ cốc: Bố mẹ đừng quên bổ sung năng lượng và các chất vitamin B, sắt, magie, chất xơ từ tinh bột, ngũ cốc cho trẻ nhé! Các bé đang trong độ tuổi phát triển nên cần nhiều năng lượng cho quá trình hoạt động, sinh hoạt để học hỏi những điều mới, từ đó góp phần hình thành nên tư duy, nhận thức cho trẻ.
- Trái cây, rau xanh: Trái cây và rau xanh không chỉ hỗ trợ phát triển chiều cao mà còn rất quan trọng cho việc hình thành một lối sống lành mạnh. Nhóm thực phẩm này rất giàu vitamin, chất xơ, kali và folate.
Trẻ còi xương không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sống và thể trạng bên ngoài. Vì thế, cha mẹ cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ, cho trẻ tắm nắng và bổ sung thêm các thực phẩm chức năng khi có sự chỉ định của bác sĩ.