Sảy thai là hiện tượng chảy máu âm đạo xảy ra trong 20 tuần đầu của thai kỳ. Chảy máu đôi khi kèm theo đau quặn bụng. Những triệu chứng này cho thấy có khả năng sảy thai, đó là lý do tại sao tình trạng này được gọi là dọa sảy thai.
Dọa sảy thai là gì?
Dọa sảy thai hay động thai là tình trạng thai phụ ra máu âm đạo và đau bụng bất thường, có hiện tượng tổn thương bánh nhau, bóc tách nhưng thai nhi vẫn còn sống, chưa bị bong khỏi lớp niêm mạc tử cung và vẫn phát triển bên trong buồng tử cung.
Đôi khi bạn chỉ phát hiện động thai khi đi khám thai định kỳ phát hiện trên siêu âm, mà không hề có triệu chứng gì.
Hiện tượng dọa sảy thai thường xảy trong 20 tuần đầu của thai kỳ do bánh nhau dễ bị bong ra. Sau thời gian này, hiện tượng này không còn phổ biến. Đa phần, hiện tượng dọa sảy thai sẽ kéo dài khoảng vài ngày hoặc vài tuần sau khi thụ thai.
Nguyên nhân gây dọa xảy thai
Ở giai đoạn đầu, chảy máu âm đạo có thể do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như tử cung, cổ tử cung, âm đạo hoặc vùng sinh dục ngoài bị tổn thương. Tuy nhiên, cũng có thể là do:
- Bất thường nhiễm sắc thể.
- Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và bé.
- Bụng bầu va chạm mạnh.
- Thói quen xoa bụng bầu hoặc núm vú quá nhiều.
- Căng thẳng, stress, mệt mỏi kéo dài.
- Lao động nặng, ăn uống thiếu dinh dưỡng.
- Sử dụng thuốc hoặc tiếp xúc với hóa chất.
- Hút thuốc, uống rượu, bia hoặc tiêu thụ hơn 200mg caffein mỗi ngày.
- Có các vấn đề về nhau thai.
- Các bệnh lý như viêm nhiễm phụ khoa, bệnh tuyến giáp, tiểu đường, cao huyết áp, béo phì, các bệnh về thận, nhiễm trùng…
- Niêm mạc tử cung mỏng do nạo phá thai nhiều lần.
- Nguyên nhân tự miễn.
- Và vô căn, không vì lý do gì.

Dấu hiệu nhận biết dọa sảy thai
Dấu hiệu của dọa sảy thai như:
- Xuất hiện tình trạng ra máu âm đạo, thường là máu sẽ có màu đỏ hay đen lẫn với dịch nhầy.
- Đau bụng dưới.
- Đau lưng.
- Âm đạo có ít máu (đỏ tươi hoặc đỏ thẫm).
- Cổ tử cung còn dài, đóng kín. Thân tử cung to, mềm, tương ứng tuổi thai.
Biến chứng của dọa sảy thai
Biến chứng lớn nhất của dọa sảy thai là gây sảy thai. Thai nhi sẽ không còn sống để có thể chào đời trong tình yêu thương của ba mẹ. Ngoài ra, biến chứng khác của dọa sảy thai gồm:
- Nhiễm trùng.
- Thiếu máu từ mức trung bình đến mất máu nặng, thậm chí còn phải truyền máu, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Cách xử trí dọa sảy thai
Dọa sảy thai xảy ra phần lớn là do mẹ bầu bị kiệt sức, suy nhược cơ thể. Do vậy khi bị dọa sảy thai, mẹ bầu nên chú ý nghỉ ngơi nhiều, thư giãn, tránh căng thẳng, vận động nhiều. Ngoài ra, mẹ bầu có thể thực hiện một số lưu ý sau để bảo vệ thai nhi ở 3 tháng đầu thai kỳ:
- Tập luyện nhẹ nhàng: Mẹ bầu có thể dành 30 phút mỗi ngày đi bộ, tập yoga để khỏe mạnh hơn, giữ được tâm trạng tốt và sinh nở dễ dàng hơn vào cuối thai kỳ.
- Tránh xoa bụng hoặc tự ý thăm khám âm đạo, điều này có thể kích thích cổ tử cung và gây ra sảy thai.
- Tránh quan hệ trong thời điểm này.
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ như ăn nhiều rau xanh và trái cây, ít dầu mỡ, không ăn các loại thức ăn tái, sống. Mẹ bầu có thể ăn các món ăn dưỡng thai như cháo cá chép, chè hạt sen.
- Không được uống rượu, bia hoặc hút thuốc trong bất cứ tình huống nào.
- Khám thai.
- Sử dụng thuốc hợp lý do bác sĩ chỉ định để giữ được bào thai.

Cách phòng ngừa dọa sảy thai
Cách phòng ngừa tình trạng động thai mà chị em phụ nữ cần biết:
- Bổ sung axit folic nhất là 3 tháng đầu của thai kỳ, giúp tăng cường sức khỏe cho thai phụ cũng như sự phát triển trí não của bé. Các chuyên gia khuyến nghị, mẹ bầu nên bổ sung đủ 400mg axit folic trong 3 tháng đầu thai kỳ để phòng ngừa dị tật ống thần kinh thai nhi.
- Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh như: ăn nhiều rau xanh, trái cây, thịt, trứng sữa, cá… Ở 3 tháng đầu thai kỳ, việc kiêng khem cũng khá quan trọng. Mẹ bầu nên tránh một số thực phẩm dễ gây sảy thai như: ngải cứu, đu đủ, dứa, rau ngót.
- Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có cồn khác. Đồng thời không nên hoặc hạn chế ăn những thực phẩm như thịt tái sống, trứng tái, sống, rau quả chưa rửa sạch và chưa được chế biến nhằm giảm nguy cơ dọa sảy thai và sảy thai.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày: Uống nhiều nước sẽ giúp chất lỏng dễ dàng di chuyển khắp cơ thể, làm giảm các triệu chứng nguy hiểm khi mang thai như phù, táo bón và mệt mỏi.
- Nên vận động, tập luyện nhẹ nhàng, chứ không nên nằm yên một chỗ quá lâu.
- Hạn chế quan hệ vợ chồng trong kỳ tam cá nguyệt thứ nhất. Nếu có quan hệ thì nên nhẹ nhàng, tránh để ảnh hưởng đến thai nhi.
- Phát hiện trễ kinh cần đi khám càng sớm càng tốt. Không nên để lâu vì có thể sẽ chậm trễ việc phát hiện các vấn đề bất thường khiến việc điều trị không kịp thời và không tốt cho thai phụ.
Để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé trong suốt quá trình mang thai, bạn nên thận trọng trong việc chăm sóc để được theo dõi sức khỏe và sớm phát hiện ra những bất thường ở bé. Để có được một thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi phát triển bình thường, mẹ bầu nên áp dụng những biện pháp trên đây. Hãy chú ý đến chế độ sinh hoạt, làm việc và ăn uống để đảm bảo có đủ dinh dưỡng và sức khỏe đáp ứng nhu cầu phát triển của bào thai.