Đợt cấp COPD là tình trạng bệnh chuyển biến đột ngột, nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng phổi và có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.
Đợt cấp COPD là gì?
Đợt cấp COPD (tên tiếng Anh – COPD Exacerbation) là tình trạng các triệu chứng hô hấp biến đổi cấp tính từ giai đoạn ổn định của bệnh, trở nên xấu đột ngột, ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng phổi, đòi hỏi có sự thay đổi ở phác đồ điều trị thông thường. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp bệnh nhân có đợt cấp không được phát hiện kịp thời làm chậm trễ trong quá trình điều trị dẫn đến tiên lượng bệnh nặng.
Nguyên nhân gây đợt cấp COPD
- Nguyên nhân trực tiếp thường gặp nhất gây đợt cấp là nhiễm khuẩn khí phế quản phổi cấp do virus hoặc vi khuẩn.
- Nhiễm lạnh, bụi ô nhiễm, khói, khí độc.
- Điều trị hoặc dùng thuốc không đúng cách, dùng thuốc ngủ, an thần.
- Xuất hiện một bệnh lý khác: Tắc mạch phổi, suy tim, phẫu thuật.
- Các rối loạn chuyển hóa: Tăng đường máu, giảm kali.
- Các nhiễm trùng khác (ổ bụng, não).
- Không rõ nguyên nhân: 1/3 các trường hợp.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh
Các yếu tố sau làm tăng nguy cơ vào đợt cấp:
- Lớn tuổi.
- COPD nặng (khó thở nhiều, FEV1 thấp, paO2 thấp).
- Tiền sử nhiều đợt cấp.
- Dùng kháng sinh và GCS toàn thân trong năm qua.
- Tăng tiết nhiều đàm.
- Vi khuẩn định cư ngoài đợt cấp.
- Bệnh lý đồng mắc (bệnh tim mạch, yếu cơ, trào ngược DD).

Triệu chứng của đợt cấp COPD
Một số dấu hiệu cảnh báo sau có thể giúp bạn tiếp nhận điều trị sớm hơn, rút ngắn thời gian diễn ra các đợt cấp và có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của đợt cấp:
- Khó thở nhiều hơn khi hoạt động hàng ngày.
- Ho nhiều hơn.
- Thở nhanh và nông hơn bình thường.
- Khạc đờm nhiều hơn hoặc màu sắc đờm thay đổi.
- Cảm thấy luôn buồn ngủ hoặc tinh thần không minh mẫn.
- Hắt xì nhiều hơn bình thường.
- Đổi màu da hoặc móng tay.
Các cơn COPD thường kéo dài từ vài ngày tới vài tuần. Khi bệnh càng tiến triển, chức năng phổi càng suy giảm dẫn đến tần suất vào đợt cấp nhiều hơn.
Biến chứng đợt cấp COPD
Người bệnh sau khi trải qua đợt cấp COPD có nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm sau:
- Tràn khí màng phổi: Sự tắc nghẽn đường dẫn khí trong một khoảng thời gian dài là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khí hít vào phế nang không thở ra được, tạo ra sự tích tụ gây giãn phế nang, dẫn tới khí phế thũng. Sau đó, những phế nang này sẽ dần trở nên lớn hơn và vỡ vào khoang màng phổi gây ra biến chứng tràn khí màng phổi vô cùng nguy hiểm.
- Tăng áp lực động mạch phổi: Biến chứng này xảy ra do sự biến đổi cấu trúc mạch máu trong phổi, làm tăng áp lực mạch phổi.
- Suy tim: Đây được xem là một trong những biến chứng đợt cấp COPD nguy hiểm nhất mà người bệnh cần lưu ý. Theo đó, biến chứng này xảy ra là do áp lực động mạch phổi tăng, kèm theo tình trạng thiếu oxy kéo dài gây suy tim phải. Lâu dần, suy tim phải kết hợp với tình trạng thiếu oxy mạn tính sẽ dẫn đến suy tim trái, suy tim toàn bộ.
- Ngoài ra, đợt cấp COPD còn để lại những biến chứng nguy hiểm khác như: Ung thư phổi, loãng xương, trào ngược dạ dày thực quản, biến chứng thần kinh hoặc suy dinh dưỡng.
Biện pháp chẩn đoán bệnh
Theo tiêu chuẩn Anthonisen, đợt cấp xảy ra ở các bệnh nhân đã được chẩn đoán COPD và đột nhiên xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng sau:
- Khó thở tăng.
- Khạc đờm tăng.
- Thay đổi màu sắc của đờm.
- Có hoặc không có các triệu chứng toàn thân khác (sốt, đau ngực, rối loạn ý thức…).
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu tăng nặng của đợt cấp COPD để chẩn đoán và điều trị. Một số dấu hiệu lâm sàng:
- Hô hấp: Khó thở lúc nghỉ ngơi, tím, SPO2 < 88%, co kéo cơ hô hấp phụ, chuyển động ngực bụng nghịch thường, nhịp thở >25 lần/phút.
- Tim mạch: Tim đập hơn 100 lần/phút, nhịp tim bị rối loạn, xanh tím, phù 2 chi dưới.
- Kích thích, rối loạn ý thức.
- Khí máu: PaO2 < 55mmHg, PaCO2 > 45 mmHg.
Người bệnh có tiền sử điều trị oxy dài hạn tại nhà, có các bệnh kèm theo: tim mạch, nghiện rượu, tổn thương hệ thần kinh…
Cách xử lý khi gặp đợt cấp COPD
Khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo của cơn kịch phát, bạn cần phải sử dụng các thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn để cắt cơn. Cần nhanh chóng đến bệnh viện để được điều trị kịp thời nếu các triệu chứng không thuyên giảm hay trở nặng. Đợt cấp COPD được chia thành ba mức độ:
- Mức độ nặng: Tình trạng khó thở tăng, ho có nhiều đờm và đờm có mủ.
- Mức độ trung Bình: Người bệnh có 2 trong số 3 triệu chứng của mức độ nặng.
- Mức độ nhẹ: Có 1 trong 3 triệu chứng của mức độ nặng và kèm theo ho, thở rít, sốt không rõ nguyên nhân, đã nhiễm trùng đường hô hấp trong khoảng 5 ngày trước và nhịp thở, nhịp tim cao hơn mức bình thường.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị đợt cấp COPD thích hợp.

Phòng bệnh đợt cấp COPD
Các đợt cấp tính không thể ngăn chặn hoàn toàn, nhưng bạn có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần số của các đợt cấp trong mùa đông bằng những cách sau:
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân có thể gây kích ứng phổi như bụi, than, dầu đốt…
- Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người, đặc biệt trong mùa lạnh để ngăn ngừa nhiễm cúm hoặc các bệnh về đường hô hấp.
- Uống nhiều nước để thông đường thở và làm chất dịch nhầy không trở nên quá đặc, cản trở hô hấp.
- Tiêm phòng cúm hàng năm để ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp, một số vắc xin khác như phế cầu cũng được khuyến cáo có hiệu quả tốt với người mắc COPD. Tình trạng mắc bệnh cúm và viêm phổi là yếu tố dễ khởi phát đợt cấp của COPD.
- Duy trì các phác đồ điều trị COPD và tái khám định kỳ thường xuyên với các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo sức khỏe của bạn đang ở mức tốt.
- Rèn luyện và tập cho bản thân các thói quen tốt, chẳng hạn như ngủ đủ giấc vào ban đêm và ăn uống lành mạnh.
- Bỏ thuốc lá hoặc tránh khói thuốc thụ động.
- Rửa tay thường xuyên và sử dụng nước rửa tay để ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng.
- Thực hiện chế độ ăn ít chất béo, đa dạng, nghỉ ngơi nhiều và tập thể dục nhẹ nhàng khi có thể.
Thực hiện đầy đủ các giải pháp đã nêu, có thể khống chế số lượng và mức độ nặng của các đợt cấp COPD, hạn chế tình trạng nhập viện.