Thận đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Một trong những vai trò chính của thận là lọc nước dư thừa và chất thải ra khỏi máu và đào thải chúng ra ngoài qua đường tiểu. Nếu thận mất đi khả năng này (bệnh suy thận), nước và chất thải sẽ càng ngày càng tích tụ nhiều trong cơ thể và gây nguy hiểm đến tính mạng. Mục đích chính của phương pháp ghép thận là khôi phục chức năng của cơ quan bài tiết này nhằm đáp ứng nhu cầu lọc thải của cơ thể.
Thận đảm nhiệm các chứng năng như: bài tiết các chất độc hại sau khi cơ thể đã chuyển hóa thông qua sự bài tiết nước tiểu, điều hòa huyết áp, điều chỉnh cân bằng toan – kiềm, cân bằng nước – điện giải, tham gia biệt hóa hồng cầu, điều hòa chuyển hóa canxi – phốt pho…
Khi bệnh nhân bị các bệnh lý thận – tiết niệu khác nhau, nếu cả hai thận không còn khả năng đó và không có khả năng hồi phục thì được gọi là suy thận mạn giai đoạn cuối. Khi đó bệnh nhân chỉ sống được nhờ một trong ba biện pháp điều trị thay thế thận: thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận, trong đó ghép thận là phương pháp điều trị lý tưởng nhất vì một quả thận ghép có thể đảm đương hoàn toàn chức năng của hai thận đã bị tổn thương.
Ghép thận là gì?
Ghép thận là ghép vào cơ thể người bệnh quả thận mới khỏe mạnh để thay thế chức năng hoạt động cho quả thận cũ đã suy yếu. Trong quá trình tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ không cắt bỏ quả thận yếu, trừ trường hợp cần thiết.
Thận mới được ghép vào thường nằm ở vùng bụng dưới, gọi là hố chậu phía trước bên cơ thể.
Thông thường, người bệnh chỉ cần ghép một quả thận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có thể cần phải ghép cả hai thận từ người hiến tạng đã qua đời. Sau khi thận mới được ghép vào, người bệnh sẽ cần dùng một số loại thuốc ức chế miễn dịch để phòng ngừa cơ thể đào thải mô mới (thải ghép).
Nguồn thận ghép
Nguồn thận có thể từ người sống cho thận hoặc từ người đã bị chết não. Người chết não có lấy được thận để ghép hay không do những hội đồng chuyên môn của bệnh viện sẽ quyết định. Nguồn thận ghép từ hiến thận khỏe mạnh có thể cùng huyết thống (bố, mẹ đẻ, anh chi em ruột, quan hệ huyết thống xa hơn: anh em nội tộc) hoặc không huyết thống (hoàn toàn không có quan hệ họ hàng).
Trên thực tế, những trường hợp không cùng huyết hống phải chứng minh được sự “tự nguyện hiến thận vì mục đích nhân đạo” chữa bệnh chứ không được mua bán (luật pháp cấm mua bán tạng). Vì vậy nguồn thận ghép này được ghép hiện nay còn rất hiếm.
Đối với người hiến thận, nếu được tư vấn kỹ, khám xét và làm các xét nghiệm đầy đủ, chính xác thì việc ghép thận để ghép cho người khác là đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng gì đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người hiến (kể cả khi hiến một phần gan). Vì vậy người muốn hiến thận phải được tư vấn, hiến thận tại các bệnh viện có chuyên khoa thận và ghép thận và phải được xác định là người hoàn toàn khỏe mạnh (Bộ y tế quy định nên dưới 60 tuổi).
Những ai cần ghép thận và cần có điều kiện gì?
Phương pháp này chủ yếu được chỉ định cho người mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối (ESRD) khi chức năng hoạt động của thận chỉ còn lại dưới 10%. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải ai muốn ghép thận đều có thể áp dụng giải pháp điều trị này. Để có thể lựa chọn, trước hết bệnh nhân cần đáp ứng một số điều kiện như:
- Tìm được thận hiến phù hợp.
- Có đủ sức khỏe để trải qua cuộc đại phẫu ghép tạng.
- Chịu được chế độ sử dụng thuốc nghiêm ngặt suốt đời.
- Tài chính ổn định, có thể chi trả chi phí phẫu thuật cũng như đơn thuốc sau này.
Bên cạnh đó, đối tượng có bất kỳ bệnh nền nào dưới đây sẽ cần được bác sĩ kiểm tra lại vì sự xuất hiện của chúng có thể ảnh hưởng đến khả năng thành công của ca phẫu thuật ghép thận. Các bệnh nền bao gồm:
- Ung thư (đang điều trị hoặc có tiên lượng đời sống ngắn).
- Nhiễm trùng nặng (lao, nhiễm trùng xương, viêm gan…). Tuy nhiên sau khi người bệnh được điều trị khỏi hay ổn các bệnh này có thể ghép thận được.
- Các bệnh về tim mạch (suy tim nặng) hoặc gan như xơ gan, ung thư gan. Trong trường hợp đó, người bệnh có thể được ghép gan trước rồi sau đó ghép thận.
Ngoài ra, ghép thận chống chỉ định cho những người:
- Nghiện thuốc lá nặng, uống nhiều bia rượu gây tổn thương nhiều cơ quan.
- Sử dụng chất kích thích gây nghiện bất hợp pháp.
Để đảm bảo tỷ lệ thành công và tính an toàn của phương án điều trị phức tạp này, các bác sĩ sau khi kiểm tra sơ bộ sẽ chuyển người bệnh đến trung tâm ghép thận để tiến hành quy trình đánh giá sức khỏe tổng quát nghiêm ngặt với những thủ thuật xét nghiệm chuyên sâu. Nếu kết quả đánh giá đạt yêu cầu, bệnh nhân sẽ được đưa vào danh sách chờ và tạm thời áp dụng phương pháp điều trị phù hợp khác trước khi có thận hiến tương thích.
Kiểm tra độ tương thích
Để kiểm tra thận hiến có phù hợp với bệnh nhân hay không, các chuyên gia sẽ xác định và đối chiếu 2 yếu tố dưới đây giữa người bệnh và người hiến thận, bao gồm:
- Nhóm máu (ABO)
- Kháng nguyên bạch cầu người (HLA) – các yếu tố chịu trách nhiệm về phản ứng miễn dịch trong cơ thể.
Mỗi người đều có các kháng nguyên di truyền từ bố mẹ. Nếu số lượng kháng nguyên của người bệnh khớp với kháng nguyên của người hiến thận càng cao, tỷ lệ ghép thận thành công càng lớn.
Bên cạnh đó, sau khi tìm được người hiến thận phù hợp, bệnh nhân vẫn cần làm thêm một xét nghiệm khác nhằm đảm bảo kháng thể của bản thân sẽ không tấn công thận hiến gây ra hiện tượng thải ghép. Thủ thuật xét nghiệm này thường được tiến hành bằng cách hòa trộn một lượng máu của người hiến thận và người nhận. Nếu kết quả cho thấy:
- Trong máu của bệnh nhân có kháng thể phản ứng với máu của người hiến thận: phẫu thuật ghép thận sẽ phải hoãn lại để tìm thận hiến khác phù hợp hơn.
- Không có phản ứng kháng thể trong hỗn hợp máu: ghép thận có thể tiến hành.
Ghép thận cần làm các xét nghiệm gì?
Khi đã đủ điều kiện ban đầu để tuyển chọn nhận thận và hiến thận, cả người nhận và hiến thận sẽ được làm các xét nghiệm nhằm xác định sự phù hợp giữa người nhận và hiến (nhóm máu, HLA, đo chéo huyết thanh, tiền mẫn cảm của người nhận), tình trạng sức khỏe chung của cả 2 người (các xét nghiệm sinh hóa, huyết học, đông máu, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng …), tình trạng giải phẫu chức năng mạch máu thận của người hiến và mạch máu vùng chậu của người nhận.
Nếu tất cả các xét nghiệm đảm bảo yêu cầu nhận và hiến thận, được hội đồng chuyên môn của bệnh viện thông qua, thì phẫu thuật lấy thận để ghép và phẫu thuật ghép thận sẽ được tiến hành đồng thời. Sau một tuần người hiến thận có thể ra viện và phục hồi sức khỏe gần như hoàn toàn sau 1 tháng. Đối với người nhận thận cần thời gian dài hơn để theo dõi và hướng dẫn dùng thuốc trước khi ra viện. Quá trình này có thể hoàn tất từ 2 đến 3 tuần.
Vì người nhận thận – nhận một quả thận của người khác được coi là “ngoại lai”, nên dù là thận từ người hiến cùng huyết thống thân thuộc (bố mẹ, anh e ruột) nhưng cơ thể người nhận luôn luôn có xu hướng “đào thải” ra khỏi cơ thể, nói cách khác là làm cho thận mới được ghép mất chức năng. Vì vậy, để thận mới ghép hoạt động tốt thì ngay trước và trong cuộc phẫu thuật người nhận đã phải được tiêm và uống một số thuốc gọi là “thuốc chống thải ghép”.
Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà loại thuốc chống thải ghép, số loại thuốc phải dùng đồng thời, liều lượng mỗi loại thuốc, thời gian dùng mỗi loại thuốc có thể khác nhau do bác sĩ trực tiếp điều trị chỉ định. Thông thường sau ghép thận hàng ngày bệnh nhân phải dùng 2 – 3 loại thuốc chống thải ghép và phải dùng suốt đời.
Quy trình ghép thận tiến hành như thế nào?
Đầu tiên, người bệnh được gây mê toàn thân. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ chính sẽ rạch một đường ở vùng bụng dưới và ghép thận hiến vào. Đồng thời, thận yếu vẫn được để yên trừ khi cơ quan này gây ra các vấn đề như tăng huyết áp, sỏi thận, nhiễm trùng…
Tiếp theo đó, các chuyên gia bắt đầu tiến hành nối những mao mạch của thận mới với các mạch máu ở khu vực bụng dưới. Niệu quản của thận vừa ghép vào cũng sẽ được nối với bàng quang.
Sau khi hoàn tất, bác sĩ sẽ khâu vết mổ lại và chuyển người bệnh sang phòng phục hồi. Bệnh nhân cần ở lại bệnh viện vài ngày để bác sĩ có thể kiểm tra khả năng hoạt động của thận mới ghép cũng như dấu hiệu phát sinh biến chứng ngoài ý muốn. Nếu kết quả thuận lợi, bác sĩ sẽ sớm cho phép bệnh nhân làm thủ tục xuất viện.
Sau khi xuất viện, người được ghép thận vẫn cần thường xuyên tái khám theo chỉ định để các chuyên gia theo dõi tình trạng sức khỏe tổng thể nói chung và thận mới nói riêng, đồng thời cân nhắc có cần điều chỉnh toa thuốc chống thải ghép hay không.
Những lưu ý sau khi ghép thận
Sau ghép thận, mặc dù chức năng thận ghép tốt, bệnh nhân trở lại cuộc sống khỏe mạnh như người bình thường nhưng các bệnh nhân luôn luôn cần ghi nhớ một số điều dưới đây:
- Phải luôn luôn nhớ uống thuốc đầy đủ hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Sau ghép thận bệnh nhân vẫn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các biến chứng như: thải ghép cấp (đào thải mảnh ghép, nhất là trong năm đầu): do các thuốc chống thải ghép làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể nên bệnh nhân dễ mắc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn (viêm phế quản- phổi, viêm đường tiết niệu, nhiễm lao), virus (virus thông thường, thủy đậu, zona, CMV, EBV), nấm… Mặt khác các thuốc còn có thể gây ra các tác dụng phụ khác như: mặt tròn bệu, mọc nhiều lông hơn, phì đại lợi (nhất là ở giai đoạn đầu), tăng huyết áp, đái tháo đường…
Chính vì thế bệnh nhân sau ghép thận cần tái khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra nồng độ thuốc ức chế miễn dịch sau ghép cho phù hợp.
Dinh dưỡng cho người ghép thận
Mặc dù không cần phải tuân theo chế độ ăn uống khắt khe như những người đang chạy thận nhân tạo nhưng người đã ghép thận cũng nên lưu ý về vấn đề dinh dưỡng của mình. Một số thuốc chống thải ghép có thể gây tác dụng phụ làm tăng sự ngon miệng và dễ gây tăng cân.
Nếu không được kiểm soát tốt, tình trạng này có thể nhanh chóng tiến triển thành thừa cân, béo phì – nguyên nhân hàng đầu của nhiều vấn đề sức khỏe như tăng huyết áp, đái tháo đường và bao gồm cả bệnh thận. Chính vì vậy, khẩu phần ăn uống của người đã ghép thận nên:
- Chứa nhiều chất xơ, tốt nhất là đa dạng về rau củ quả và trái cây.
- Không có bưởi, đặc biệt là bưởi chùm vì hoạt chất trong loại hoa quả này có thể ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc ức chế miễn dịch (thường xuất hiện trong toa thuốc cho người ghép thận). Nếu người bệnh muốn ăn bưởi, cần cách xa giờ uống thuốc.
- Sử dụng sữa ít béo cũng như các sản phẩm làm từ sữa ít béo (phô mai, bơ…).
- Dùng nguồn protein từ thịt nạc, thịt gia cầm và cá.
- Ít muối, ít đường.
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể.
Thường xuyên tập thể dục thể thao
Bên cạnh việc ăn uống, thường xuyên rèn luyện thể chất cũng là biện pháp đơn giản giúp duy trì cân nặng lý tưởng, đồng thời giảm bớt nguy cơ tăng huyết áp, tăng cholesterol và nâng cao sức khỏe tinh thần.
Người được ghép thận có thể lựa chọn những hình thức vận động đơn giản mà hiệu quả như đi bộ, đạp xe, bơi lội… Mặt khác, trước khi bắt đầu tập luyện, tham khảo ý kiến của bác sĩ là điều cần thiết để tối ưu hóa thành quả rèn luyện, đồng thời giảm thiểu nguy cơ phát sinh biến cố trong lúc tập.
Phẫu thuật ghép thận thành công đòi hỏi sự theo dõi chặt chẽ cùng với bác sĩ và bạn phải luôn luôn uống thuốc đúng như đã được hướng dẫn. Ngoài ra, thận mới ghép vào vẫn có nguy cơ bị bệnh sau này nên cần được chăm sóc tốt ngay từ đầu thông qua lối sống thường ngày.