Giãn đài bể thận không phải là hiện tượng hiếm gặp. Tình trạng này làm hủy hoại và suy giảm các chức năng của thận, có thể dẫn đến suy thận.
Giãn đài bể thận là bệnh gì?
Giãn đài bể thận là tình trạng thận bị giãn nở vì ứ nước. Khi thận bị ứ nước và giãn nở lâu dài sẽ dẫn tới phình to hoặc mỏng đi khiến thận giống như một túi nước. Giãn đài bể thận có thể xảy ra ở thận trái, thận phải hoặc cả hai bên thận. Tình trạng này kéo dài có thể vỡ bất cứ lúc nào, hoặc có nguy cơ suy thận, ảnh hưởng sức khỏe của người bệnh.
Theo giai đoạn, bệnh được chia thành 4 cấp độ như sau:
- Giãn đài bể thận độ 1: Đây là cấp độ giãn nhẹ nên dấu hiệu của bệnh có thể không đáng lo ngại. Nếu ở giai đoạn này, người bệnh cần đến thăm khám bác sĩ để theo dõi thường xuyên thận và các cơ quan liên quan.
- Giãn đài bể thận độ 2: Ở giai đoạn này, thận đã bị thu nhỏ lại do đài bể thận giãn nở nhiều.
- Giãn đài bể thận độ 3 và độ 4: Đây là cấp độ nặng nhất khi bị giãn đài bể thận. Khi ở giai đoạn này, thận bị đọng nước và đài bể thận đã bị kéo dãn ra rất nhiều. Trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định mổ để ngăn chặn sự phát triển của bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh
Bình thường, nước tiểu sẽ di chuyển theo 1 chiều từ thận xuống niệu quản, bàng quang và niệu đạo để đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, bất kỳ một tắc nghẽn nào xảy ra tại đường tiết niệu đều làm cản trở nước tiểu lưu thông, khiến thận bị ứ nước, dẫn đến giãn đài bể thận. Nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất là do sỏi tiết niệu, đặc biệt là sỏi thận rơi xuống niệu quản làm tắc tại đây, gây ứ nước toàn bộ khu vực từ niệu quản trở lên.
Những triệu chứng của bệnh
Tuy ở giai đoạn đầu, bệnh có những triệu chứng không rõ rệt và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng nếu phát hiện sớm người bệnh cần đến cơ sở y tế để có phương pháp điều trị kịp thời, tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm.
- Xuất hiện những cơn đau bụng bất thường, cơn đau có thể bắt đầu từ vùng lưng, hông và lan dần xuống vùng háng kèm đổ mồ hôi và buồn nôn.
- Người bệnh có thể đi tiểu ra máu, cảm giác mệt mỏi, rối loạn nhịp tim.
- Cơ thể người bệnh suy nhược và xuất hiện các cơn co thắt cơ bắp.
Sự nguy hiểm mà bệnh giãn đài bể thận có thể gây ra
- Nhiễm trùng thận: Nguyên nhân là do nước tiểu tồn đọng lâu ngày khiến các vi khuẩn gây bệnh phát triển dẫn đến tình trạng viêm, nhiễm trùng.
- Vỡ thận: Biến chứng này đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Nguyên nhân dẫn đến biến chứng này là vách thận giãn mỏng quá mức kết hợp cùng với áp lực trong thận tăng cao khiến thận vỡ.
- Suy thận: Đây là biến chứng gây tử vong cho người bệnh một cách âm thầm. Các tế bào thận dần bị phá hủy, chức năng lọc máu và loại thải các chất độc hại mất dần khiến người bệnh ngày càng kiệt quệ. Khi chức năng thận mất hoàn toàn, người bệnh phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
Điều trị giãn đài bể thận
Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và cấp độ của bệnh. Mục tiêu điều trị nhằm giảm tải áp lực cho thận, bảo vệ chức năng thận hoạt động tốt hơn và loại bỏ nguyên nhân gây bệnh.
Một số phương pháp điều trị bệnh như sau:
Điều trị nguyên nhân gây bệnh
Khi áp lực lên thận đã được tháo gỡ thì lúc này cần dựa vào nguyên nhân gây tắc nghẽn để điều trị. Thông thường là do sỏi thận, sỏi tiết niệu nên các bác sĩ sẽ sử dụng một số loại thuốc như: thuốc giãn cơ trơn niệu quản, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau, kháng sinh, thuốc lợi tiểu, muối kali citrat, thuốc giảm nồng độ acid uric… để giúp người bệnh giảm được triệu chứng, tạo điều kiện đào thải sỏi dễ hơn. Hoặc tán sỏi qua da, tán sỏi qua đường nội soi niệu quản ngược dòng,… Tuy nhiên, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị hay không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây giãn, chức năng của thận và triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân thông qua hình ảnh giãn đài bể thận trên siêu âm.
Đặt ống thông tiểu
Hầu hết các trường hợp giãn đài bể thận do thận ứ nước, thì phương pháp điều trị đầu tiên là đặt ống thông vào trong niệu quản để tạo dòng chảy cho phép nước tiểu lưu thông, giảm áp lực cho thận. Ống thông niệu quản có thể được luồn qua đường niệu đạo hoặc đặt xuôi dòng xuyên qua thận thông qua một vết mổ nhỏ trên da để vào bể thận.
Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ thì áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng góp phần kiểm soát tình trạng giãn bể thận hiệu quả. Bao gồm:
- Hạn chế ăn nhiều đạm động vật.
- Giảm lượng muối khi chế biến thực phẩm.
- Giảm lượng thực phẩm chứa vitamin C.
- Bổ sung nhiều chất xơ từ rau, củ, quả.
- Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều canxi.
- Bổ sung đủ 2 – 2,5 lít nước/ngày.
Hậu quả nghiêm trọng của giãn đài bể thận là có thể lấy đi tính mạng của bạn bất cứ khi nào. Vì vậy, hãy nhanh chóng chọn một cơ sở y tế uy tín để tiến hành thăm khám nếu bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe hệ tiết niệu.