Bệnh Glôcôm còn có tên gọi khác là thiên đầu thống, bệnh này gây ảnh hưởng lớn tới thị lực của người bệnh và nghiêm trọng hơn còn khiến cho người mắc phải nó có nguy cơ bị mù lòa vĩnh viễn.
Bệnh glôcôm ở mắt là gì?
Bệnh glocom hay (Glaucoma) ở mắt còn được gọi là bệnh tăng nhãn áp, cườm nước hay thiên đầu thống là tình trạng áp suất thủy dịch trong nhãn cầu mắt tăng cao quá mức làm tổn thương các dây thần kinh thị giác, gây suy giảm thị lực. Nếu không điều trị tốt, người bệnh có thể mù lòa vĩnh viễn.
Nguyên nhân gây glôcôm
- Người trên 40 tuổi.
- Gia đình có người bị bệnh glôcôm.
- Bệnh lý nền (đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh tim mạch, một số hội chứng bẩm sinh…).
- Các vấn đề ở mắt (viễn thị, cận thị, sau chấn thương hoặc phẫu thuật ở mắ….).
- Sử dụng thuốc steroid đường uống hoặc nhỏ mắt.

Dấu hiệu bệnh Glôcôm ở mắt
Hầu hết những người bị bệnh glocom góc mở không có triệu chứng, đến khi phát hiện bệnh thì thường đã ở giai đoạn muộn. Đó là lý do tại sao glocom được gọi là “kẻ đánh cắp thị lực”. Với glocom góc đóng, triệu chứng thường đến nhanh và rõ rệt hơn.
Dưới đây là những dấu hiệu bệnh glocom mà bạn cần lưu tâm:
- Mất dần tầm nhìn ngoại vi, bạn sẽ thấy vùng rìa của hình ảnh bị mờ nhưng phần giữa vẫn rõ nét, cảm giác giống như nhìn qua một đường hầm.
- Nhìn thấy nhiều vòng hào quang tỏa tròn giống như cầu vồng khi nhìn vào bóng đèn.
- Mắt nhìn mờ, sưng đỏ, đau nhức hốc mắt, cộm mắt, chảy nước mắt.
- Mắt căng tức, sờ vào sẽ có cảm giác như hòn bi.
- Đau nhức đầu.
- Mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng, âm thanh mạnh, khả năng điều tiết kém trong điều kiện thiếu ánh sáng.
- Buồn nôn, nôn mửa (thường xuất hiện kèm đau mắt, đau đầu dữ dội, mắt mờ đột ngột trong bệnh Glocom góc đóng cấp tính).
Chẩn đoán glôcôm
Bác sĩ sẽ dựa trên những triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, đồng thời tiến hành:
- Đánh giá thị lực của bệnh nhân.
- Soi góc tiền phòng, ước lượng độ sâu góc tiền phòng bằng nghiệm pháp Henrick.
- Đo nhãn áp.
- Đo thị trường.
- Soi đáy mắt hoặc chụp OCT bán phần sau (chụp cắt lớp gai thị, đánh giá lớp sợi thần kinh võng mạc).
Biện pháp điều trị glôcôm
Điều trị sớm có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh, đó là lý do tại sao chẩn đoán bệnh sớm rất quan trọng. Các biện pháp điều trị tăng nhãn áp bao gồm thuốc, phẫu thuật tạo hình bằng tia laser, phẫu thuật thông thường.
- Các loại thuốc, dưới dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc viên, làm giảm áp lực cho mắt bằng cách giúp chất lỏng thoát ra từ mắt. Trước khi bắt đầu sử dụng thuốc, phải được sự đồng ý của các bác sĩ chuyên khoa mắt để tránh tác dụng phụ.
Vì bệnh tăng nhãn áp thường không có triệu chứng, nên bệnh nhân thường ngưng uống hoặc quên uống thuốc. Nếu quyết định sử dụng thuốc, hãy lên một lịch trình uống thuốc cụ thể.
- Phẫu thuật bằng Laser: Bác sĩ sẽ dùng laser argon để tạo hình vùng bè (trabeculoplasty), quá trình lành vết thương sẽ co kéo lớp sợi collagen vùng bè làm tăng thoát lưu thủy dịch.
- Phẫu thuật thông thường: Tạo cho một lỗ hở cho chất dịch ra khỏi mắt. Bác sĩ sử dụng các công cụ phẫu thuật để tạo ra một lỗ nhỏ dưới kết mạc (lớp xung quanh mắt). Các chất lỏng tích tụ có thể chảy qua lỗ, và sau đó hấp thụ vào máu.

Chăm sóc cho người bệnh glocom ở mắt
Bên cạnh tuân thủ chỉ định điều trị, để phòng ngừa và ngăn chặn Glocom tiến triển, người bệnh cần xây dựng một lối sống khoa học, cụ thể như sau:
- Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử, điện thoại, máy tính…
- Đeo kính bảo vệ mắt khi ra ngoài nắng để tránh tác hại của ánh sáng mặt trời.
- Tránh sử dụng chất kích thích và đồ uống chứa cồn như thuốc lá, cà phê, rượu, bia…
- Giữ tinh thần thư giãn, thoải mái, tránh căng thẳng, tránh thức khuya.
- Kê cao đầu hơn khi ngủ để giúp giảm nhãn áp của mắt.
- Tăng cường thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa tốt cho mắt từ các loại rau củ quả có màu đỏ, cam, vàng như gấc, bí đỏ, cà rốt, cà chua, rau lá xanh đậm…
- Uống đủ lượng nước nhưng nên chia thành nhiều lần nhỏ trong ngày.
- Tập thể dục để tăng cường tuần hoàn và lưu thông máu nuôi dưỡng mắt nhưng cần chọn các bài tập nhẹ nhàng.
Bệnh glocom ở mắt nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu phát hiện và điều trị sớm. Khi phát hiện các dấu hiệu cần được thăm khám và điều trị kịp thời. Đồng thời, tuân thu cuộc sống khoa học lạnh mạnh không chỉ giúp bạn nâng cao sức đề kháng mà còn giúp kiểm soát bệnh tốt hơn và giữ gìn được thị lực sáng khỏe.
Leave a reply