Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm tăng tính đáp ứng đường thở gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở, làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra ban đêm và sáng sớm, có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc… Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần đặc biệt là khi thời tiết giao mùa. Bệnh diễn biến nhanh và có thể gây tử vong nếu không theo dõi và xử trí kịp thời.
Hen phế quản là bệnh gì?
Hen phế quản (suyễn) là một bệnh lý đường hô hấp có thể gặp cả ở người lớn và trẻ em. Bệnh được phát hiện là do cơ thể con người phản ứng với các tác nhân dị ứng nguyên, do di truyền hoặc các tác động khác từ môi trường bên ngoài. Hiện nay hen suyễn đang có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới.
Bệnh hen phế quản gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống sinh hoạt cũng như các hoạt động về thể lực của người bệnh. Mặc dù không thể chữa khỏi hen suyễn dứt điểm nhưng việc tuân theo các quy tắc điều trị giúp ích rất nhiều trong việc hạn chế và kiểm soát các triệu chứng do bệnh gây nên.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh
Tiếp xúc với các chất kích thích khác nhau và các chất gây dị ứng (chất gây dị ứng) có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hen suyễn.
- Các chất gây dị ứng trong không khí, chẳng hạn như phấn hoa, mạt bụi, bào tử nấm mốc, lông thú cưng,…
- Nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường.
- Hoạt động thể chất.
- Không khí lạnh.
- Các chất gây ô nhiễm và kích thích không khí.
- Một số loại thuốc, bao gồm thuốc chẹn beta, aspirin và thuốc chống viêm không steroid,…
- Cảm xúc mạnh và căng thẳng.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Triệu chứng bệnh hen phế quản
Triệu chứng của bệnh thay đổi tuỳ vào từng bệnh nhân. Có những trường hợp sẽ phải đối mặt thường xuyên với các cơn hen, nhưng cũng có người thì các triệu chứng hen suyễn sẽ tới sau khi vận động thể lực.
Một số biểu hiện lâm sàng của hen phế quản đó là:
- Thở nhanh, thở dốc, thở rít và khò khè. Biểu hiện thở rít còn xuất hiện vào buổi đêm.
- Có cảm giác đau ngực hoặc bị bóp nghẹt.
- Khi trải qua cơn khó thở, phổi có biểu hiện ran rít, ran ngáy rải rác.
- Bệnh nhân bị ho, khạc đờm, nặng hơn thì bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Rối loạn giấc ngủ, khó thở gây ra tiếng ngáy.
Tần suất của các cơn hen phế quản sẽ ngày càng dày đặc khi bệnh diễn tiến ngày một nặng hơn. Bệnh nhân sẽ thở một cách nặng nề hơn trước, khi ấy cần cho bệnh nhân sử dụng thuốc cắt cơn đường hít thường xuyên.
Biến chứng hen phế quản
Trong trường hợp bệnh nhân kiểm soát triệu chứng kém, có thể xảy ra những vấn đề như sau:
- Căng thẳng, lo âu, có thể bị trầm cảm.
- Luôn cảm thấy mệt mỏi, không có sức hay hứng thú làm việc gì.
- Nhiễm trùng phổi (hoặc viêm phổi).
- Nếu bị nặng thì sẽ gây phiền phức lớn tới đời sống sinh hoạt của người bệnh như ngủ không ngon, hạn chế hoạt động thể lực, cản trở công việc hàng ngày.
- Khi cơn hen nặng ập tới rất dễ phải nhập viện.
- Trẻ em bị hen không kiểm soát tốt sẽ có khả năng bị chậm phát triển.
- Biến chứng do tác dụng phụ của các thuốc điều trị hen phế quản.
- Cơn hen nặng có thể đe doạ tính mạng bệnh nhân.
Đường lây truyền của bệnh
Hen phế quản là bệnh về đường hô hấp nên nhiều người nghĩ rằng bệnh có thể lây qua tiếp xúc giữa người với người. Tuy nhiên, tác nhân gây nên bệnh lại không phải do virus, vi khuẩn hoặc các ký sinh trùng nên hen suyễn hoàn toàn không phải là bệnh truyền nhiễm. Do đó việc tiếp xúc thân mật như bắt tay, sử dụng chung các đồ dùng sinh hoạt với người bị bệnh hen phế quản sẽ không khiến cho người khác cũng bị lây bệnh.
Phương pháp chẩn đoán bệnh hen phế quản
Nghĩ đến hen phế quản khi bệnh nhân có một trong những dấu hiệu hoặc triệu chứng sau:
- Cơn hen với các đặc điểm, dấu hiệu đặc trưng.
- Tiền sử có một trong các triệu chứng sau: Ho tăng về đêm; tiếng rít tái phát; khó thở tái phát; nặng ngực nhiều lần.
- Thăm dò chức năng hô hấp có rối loạn thông khí tắc nghẽn có hồi phục với thuốc giãn phế quản.
Ngoài ra, bác sĩ có thể làm thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán phân biệt với các bệnh hô hấp khác như:
- X-quang phổi.
- Lưu lượng đỉnh kế.
- Khí máu.
- Xét nghiệm đờm.
- Điện tim,…
Hen phế quản được điều trị
Bệnh hen phế quản khó có thể khỏi hoàn toàn; tuy nhiên, nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị thì hen có thể được kiểm soát. Việc phối hợp giữa biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc là cần thiết để có thể ngăn chặn được những cơn hen phế quản cấp.
Nội khoa
- Thuốc kiểm soát hen phế quản dài hạn.
- Thuốc cắt cơn tác dụng nhanh.
- Điều trị dị ứng có thể được đặt ra ở bệnh nhân hen phế quản dị ứng.
Lối sống
- Tập thể dục đều đặn, vừa phải.
- Ăn uống hợp lý, bổ sung trái cây và rau xanh.
- Phòng tránh các yếu tố dễ gây khởi phát cơn hen như: tránh tiếp xúc khói bụi, thường xuyên vệ sinh nhà ở sạch sẽ, …

Phòng ngừa bệnh Hen phế quản
Hiện không có biện pháp để phòng tránh mắc căn bệnh này, chỉ có các phương pháp giúp cải thiện tình trạng bệnh hoặc dự phòng các cơn hen, ví dụ như sau:
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như bụi nhà, lông động vật, phấn hoa…. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Không nuôi chó, mèo, các con thú khác trong nhà.
- Bệnh nhân dị ứng với loại thực phẩm nào thì cần tránh ăn uống loại thực phẩm đó.
- Phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp.
- Tránh lo âu, căng thẳng quá mức.
- Khi đã được chẩn đoán mắc hen phế quản, người bệnh cần cẩn trọng khi sử dụng một số loại thuốc như aspirin và các thuốc chống viêm nonsteroid vì dễ gây nên cơn hen phế quản cấp.
- Tiến hành tiêm vắc xin phòng cúm.
- Chủ động tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm phòng phế cầu, vắc xin phòng COVID-19; Đi khám chuyên khoa hô hấp để được tư vấn mức độ nặng – nhẹ của bệnh và có phác đồ điều trị dự phòng phù hợp.
Hen phế quản rất nguy hiểm, diễn biến nhanh có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Người bệnh khi lên cơn hen không thể hít đủ không khí để cung cấp oxy cho cơ thể. Nếu không có thuốc cắt cơn hen hoặc không được can thiệp cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp, hôn mê, mất ý thức, thậm chí tử vong. Việc kiểm soát hen tốt sẽ giúp bệnh nhân giảm cơn hen phế quản cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.