Hẹp môn vị là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng, gây cản trở đường di chuyển của thức ăn và dịch vị. Do đó, bệnh gây ảnh hưởng tới hoạt động tiêu hóa, nguy hiểm hơn có thể gây hoại tử dạ dày dẫn đến phải phẫu thuật cắt bỏ.
Hẹp môn vị là bệnh gì?
Môn vị nằm ở cuối dạ dày chỗ tiếp nối với hành tá tràng. Môn vị là bộ phận như một van cơ bắp giữ thức ăn trong dạ dày cho đến khi thức ăn sẵn sàng để được chuyển xuống ruột non và tiếp tục quá trình tiêu hóa
Hẹp môn vị là hội chứng với biểu hiện chung là tình trạng lưu thông thức ăn, dịch dạ dày xuống tá tràng bị cản trở hoặc đình trệ hoàn toàn. Cụ thể, hiện tượng thức ăn bị ứ đọng lại trong dạ dày không xuống ruột được hoặc xuống rất hạn chế.
Hậu quả của hẹp môn vị sẽ dẫn đến dạ dày bị giãn to, dịch và thức ăn ứ đọng ở dạ dày sau 6 giờ vẫn chưa lưu thông hết.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh
Hẹp môn vị được chia thành các mức độ khác nhau để điều trị và phòng ngừa biến chứng tốt hơn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này rất đa dạng, đôi khi là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân gồm:
- Loét dạ dày – tá tràng: Nguyên nhân thường gặp nhất gây hẹp môn vị ở người trưởng thành và người cao tuổi, đặc biệt là bệnh nhân viêm loét dạ dày – tá tràng mạn tính không được điều trị tốt. Ổ loét gần môn vị có thể gây hẹp tại chỗ do các cơn co thắt phối hợp làm hẹp hoặc do viêm nhiễm gây phù nề ở môn vị.
- Di truyền: Có thể gặp ở trẻ em bị hẹp môn vị không liên quan đến bệnh lý dạ dày. Thực tế, những trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các trẻ khác nếu sinh ra trong gia đình có bố mẹ, ông bà bị hẹp môn vị.
- Ung thư hang – môn vị dạ dày: Khối u ác tính phát triển cản trở, làm chít hẹp môn vị kèm theo tình trạng viêm nhiễm.
Ngoài các nguyên nhân nguy hiểm và thường gặp trên, một số nguyên nhân hiếm gặp hơn dẫn đến bệnh, bao gồm:
- Nguyên nhân trong dạ dày: U môn vị lành tính, sẹo cơ hang vị, sẹo bỏng dạ dày,…
- Nguyên nhân ngoài dạ dày: U tụy xâm lấn môn vị hoặc tá tràng, tổ chức tụy vòng lạc chỗ vùng môn vị, biến chứng sau phẫu thuật cắt túi mật, viêm dính quanh tá tràng do viêm túi mật,…

Triệu chứng khi bị hẹp môn vị
Bệnh nhân hẹp môn vị thường có những than phiền về vấn đề ăn uống như:
- Buồn nôn và nôn: là triệu chứng chính của hẹp môn vị và có tính chất rất đặc trưng. Nôn thường được mô tả là nôn muộn sau ăn nhiều giờ. Trước khi nôn người bệnh có thể cảm thấy đau nhẹ, nôn xong giảm đau. Dịch nôn ra ngoài có màu đen và lẫn thức ăn cũ.
- Cảm giác đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng.
- Đau bụng vùng trên rốn.
- Sụt cân không mong muốn: do tình trạng ứ đọng ở dạ dày làm cơ thể bị mất nước và kém hấp thu chất dinh dưỡng. Đặc biệt ở các bệnh nhân mắc bệnh ác tính, tình trạng này thường rất dễ nhận ra.
Khám thực thể có thể phát hiện các dấu hiệu như:
- Mất nước và suy dinh dưỡng mạn tính.
- Bụng chướng chủ yếu vùng trên rốn hoặc bụng lõm lòng thuyền.
- Nhìn trên thành bụng thấy các sóng chuyển động từng đợt từ trái qua phải.
- Đặt tay lên thành bụng cảm nhận được dạ dày nổi cuộn dưới lòng bàn tay.
Hẹp môn vị có nguy hiểm không
Nôn mửa kéo dài
Thức ăn cùng dịch vị dạ dày không thể xuống ruột non mà tích tụ trong thời gian dài ở dạ dày sẽ gây kích thích. Người bệnh thường bị nôn kéo dài ra nhiều dịch dạ dày có mùi hôi thối, thức ăn đã ăn trước đó lâu từ một vài ngày,…
Nôn mửa kéo dài sẽ gây mất nước, mất cân bằng điện giải, cơ thể mệt mỏi, suy kiệt vô cùng nguy hiểm nếu không kịp thời can thiệp.
Suy nhược cơ thể
Hẹp môn vị khiến hoạt động tiêu hóa gián đoạn, cơ thể không hấp thu được nhiều dinh dưỡng từ thức ăn kèm theo các triệu chứng bệnh khó chịu là nguyên nhân gây sụt cân nhanh, suy nhược cơ thể nghiêm trọng.
Ngoài ra, hẹp môn vị còn làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý người bệnh đang mắc phải như suy tim, hen lao,… gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Hẹp môn vị kéo dài cũng là biến chứng nặng khiến các bệnh nguyên nhân như ung thư đầu tụy, ung thư dạ dày, polyp dạ dày,… trở nên nghiêm trọng hơn.
Phương pháp chuẩn đoán và điều trị bệnh
Phương pháp chẩn đoán
- Triệu chứng: Đau bụng vùng thượng vị, nôn ra thức ăn cũ, ậm ạch, đầy bụng khó tiêu, móc họng để nôn, nôn xong dễ chịu.
- Khám lâm sàng: Kiểm tra ổ bụng có thể cảm nhận được sự mở rộng cơ môn vị.
- Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm cho thấy việc mất cân bằng điện giải: Natri, magie, canxi,… có thể là dấu hiệu của việc nôn và mất nước.
- Siêu âm: Đánh giá tình trạng dạ dày bị ứ dịch hoặc cơ môn vị phồng lên.
- X–Quang: Phát hiện bất thường ở dạ dày.
- Hút dịch vị: Thực hiện vào buổi sáng trước bữa ăn, trong dịch vị có thể lẫn thức ăn bữa trước, dịch vị nhiều cho thấy có hiện tượng ứ đọng.
Phương pháp điều trị
Khi tiến hành điều trị hẹp môn vị, người bệnh cần được chẩn đoán bệnh chính xác. Sau một đợt điều trị người bệnh nên tái khám để biết tình trạng điều trị bệnh. Thăm khám định kỳ giúp tầm soát tình trạng bệnh hoặc nguy cơ tiến triển của bệnh.
Hẹp môn vị thường được điều trị bằng việc phẫu thuật giúp giải quyết tình trạng hẹp, đồng thời chữa triệt căn.

Một số lưu ý khi bị hẹp môn vị
Để tránh tái phát bệnh hẹp môn vị dạ dày, người bệnh cần có một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.
- Hạn chế ăn đồ chua hoặc đồ đã lên men.
- Không nên ăn đồ quá cay hoặc quá mặn.
- Kiêng hoàn toàn đồ uống có cồn như rượu, bia và hạn chế những đồ có chất kích thích khác.
- Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đúng giờ giấc, hạn chế vận động ngay sau khi ăn.
- Uống nhiều nước và bổ sung rau xanh.
- Có chế độ thể dục và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng và suy nghĩ tiêu cực sẽ có hại cho hệ tiêu hóa.
Người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị bệnh, đồng thời ghi nhớ những nội dung trên để tránh tình trạng bệnh tái phát. Sau khi khỏi bệnh, người bệnh cũng cần thăm khám định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường của cơ thể, cũng như phòng tránh những bệnh tiêu hóa phát sinh khác.