Trẻ bị ho là tình trạng thường gặp mỗi khi nhiễm lạnh hay thay đổi thời tiết. Nhiều trẻ bị ho kéo dài, ho về đêm hoặc ho kèm theo sổ mũi, nôn trớ khiến cha mẹ không khỏi lo lắng.
Ho ở trẻ nhỏ là bệnh gì?
Ho là một phản xạ của cơ thể trước những tác nhân kích thích có thể là các chất bài tiết hoặc dị vật nhằm mục đích bảo vệ bộ máy hô hấp của cơ thể. Ho là một phản ứng có lợi cho cơ thể nhưng cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý nào đó.
Phân loại các cơn ho thường gặp ở trẻ nhỏ
- Ho khan: Thường là do các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên gây ra, cụ thể như cảm cúm, hoặc cảm lạnh.
- Ho có đờm: Là tình trạng trẻ bị ho do đường hô hấp dưới xuất hiện chất tiết dịch và chất nhầy. Bệnh hen suyễn và nhiễm trùng đường hô hấp là 2 trong những nguyên nhân thường gặp của ho có đờm. Khi đó, ho chính là phản ứng của cơ thể nhằm loại bỏ chất dịch qua đường hô hấp dưới.
- Ho gà: Khi trẻ bị ho gà, âm thanh phát ra nghe giống như tiếng rít. Triệu chứng của ho gà cũng giống như bị cảm lạnh nhưng cơn ho gà sẽ càng lúc càng nặng hơn và có thể khiến trẻ bị thiếu oxy, khó thở và tím tái. Cha mẹ cần hết sức lưu tâm trường hợp này.
Nguyên nhân gây ho ở trẻ nhỏ
Tiếng ho ở trẻ em có thể ho khan hoặc ho có đờm. Trẻ có thể ho nhẹ hoặc nặng tiếng làm trẻ thấy khó thở.
Những nguyên nhân thường gặp gây ho ở trẻ em bao gồm:
- Nhiễm trùng đường thở hoặc ở phổi (bao gồm cảm cúm).
- Khi có vật làm tắc nghẽn đường thở.
- Hen phế quản.
- Các vấn đề khác của phổi, bao gồm dị tật bẩm sinh tại phổi.
- Ho theo thói quen là kiểu ho thường biến mất khi trẻ đi ngủ.
Trẻ em bị ho thường là biểu hiện cho thấy cện của tình trạng trào ngược axit. Bên cạnh ho có thể kèm theo một số triệu chứng khác như ợ nóng, hơi thở có mùi, thường xuyên nôn,…

Khi nào cần đưa trẻ đi khám bệnh?
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi trẻ có các biểu hiện sau:
- Trẻ dưới 4 tháng tuổi.
- Khi trẻ thở có vấn đề như thở tạo ra âm thanh bất thường hoặc thở nhanh.
- Trẻ bị ho sau khi hóc thức ăn hoặc đồ vật.
- Trẻ ho ra máu, dịch đờm có màu vàng xanh.
- Trẻ có sốt.
- Trẻ ho quá mạnh đến mức nôn trớ.
- Trẻ ho kéo dài hơn 2 tuần và không có tiến triển tốt lên.
Biện pháp giúp trẻ giảm ho
Nếu trẻ ho do nhiễm lạnh, viêm thanh quản hoặc một số nhiễm trùng khác, bố mẹ có thể:
- Tăng cường đề kháng cho bé bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức.
- Nên để bé có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn.
- Tắm hơi có thể giúp làm giảm cơn ho cho bé.
- Việc tắm nước ấm cũng có thể làm giảm cơn ho của trẻ. Hơi nước ấm, nóng sẽ giúp đường hô hấp của trẻ được thư giãn.
- Bố mẹ có thể pha một ly nước ấm với mật ong, chanh nhưng chỉ áp dụng với trẻ từ 1 tuổi trở lên. Tuyệt đối không sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn.
- Sử dụng máy làm ẩm không khí trong phòng ngủ nếu có.
- Bố mẹ đưa trẻ vào phòng tắm và xả nước dưới vòi hoa sen tạo hơi ẩm. Bố mẹ cần giám sát trong lúc trẻ ở phòng tắm.
Bố mẹ không nên làm những điều sau:
- Không nên tự mua những thuốc ho không cần kê toa hoặc thuốc trị cảm cúm cho trẻ, đặc biệt trẻ dưới 6 tuổi.
- Không dùng Aspirin cho trẻ dưới 18 tháng tuổi. Vì thuốc này có thể gây hội chứng Reye ở trẻ nhỏ.

Một số lưu ý khi điều trị ho ở trẻ nhỏ
Khi điều trị cho trẻ bị ho, cha mẹ nên lưu ý một số điều như sau:
- Thuốc ho hoặc kẹo ngậm có thể giúp giảm đau họng khi ho. Tuy nhiên, chỉ trẻ từ 4 tuổi trở lên mới được sử dụng các loại thuốc điều trị này.
- Không sử dụng thuốc cảm lạnh và thuốc ho không kê đơn cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi.
- Không sử dụng các loại thuốc ho có chứa mật ong cho trẻ em chưa đủ 1 tuổi. Với trẻ dưới 4 tuổi, khi có chỉ định của bác sĩ mới được uống thuốc ho.
- Chế độ ăn uống của trẻ cần hạn chế các loại thực phẩm như: đồ cay, rán, chocolate, thức ăn béo, đồ uống có ga hoặc các chất gây kích thích.
- Khi trẻ em bị ho, cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn và cho trẻ ăn ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ.
Ho không phải là bệnh mà chỉ là một triệu chứng của bệnh lý nào đó, gây không rắc rối cho mẹ khi chăm bé. Vì vậy khi trẻ bị ho cần tìm hiểu nguyên nhân gây ho ở trẻ để phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời. Các mẹ có thể ngừa ho ở trẻ nhỏ bằng cách vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, không cho trẻ ăn đồ lạnh vì có thể kích thích phản xạ ho. Điều trị nguyên nhân gây ho, không nên chủ quan khi thấy cơn ho. Ngoài ra, cần bổ sung đủ chất dinh dưỡng cần thiết giúp bé tăng sức đề kháng, đẩy lùi các nguy cơ gây bệnh giúp bé vui khỏe.
Leave a reply