Trong các dạng hở van tim thì hở van động mạch chủ được coi là nguy hiểm nhất, dù chỉ hở nhẹ cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Do đó, việc nhận thức sớm về tình trạng măc bệnh góp phần phát hiện sớm, điều trị hiệu quả và giảm thiểu những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Hở van động mạch chủ là gì?
Van động mạch chủ là van tim nằm giữa thất trái và động mạch chủ, có nhiệm vụ đóng lại để ngăn dòng máu từ động mạch chủ chảy trở ngược về thất trái trong thời kỳ tâm trương, giúp cho máu lưu thông đúng chiều từ tim đến các cơ quan.
Hở van động mạch chủ (tiếng Anh là Aortic Valve Regurgitation) là tình trạng van động mạch chủ đóng không kín trong thời kỳ tâm trương, làm cho dòng máu đi ngược từ động mạch chủ trở về thất trái.
Nguyên nhân gây bệnh
Hở van động mạch chủ có thể xuất hiện ngay từ khi mới sinh hoặc do tác động của một số bệnh lý mắc phải trong quá trình phát triển. Các nguyên nhân thường gặp là:
- Bệnh van tim bẩm sinh: Các bệnh tim di truyền ảnh hưởng đến cấu trúc hoặc số lượng van động mạch chủ đều có thể gây ra hở van động mạch chủ.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: Lớp niêm mạc bao phủ mặt trong các buồng tim và van tim bị nhiễm trùng có thể gây dày dính, sùi loét các lá van động mạch chủ, khiến van không thể đóng kín.
- Sốt thấp khớp: Là một biến chứng hiếm gặp của viêm họng liên cầu khuẩn không được điều trị tốt gây tổn thương van động mạch chủ.
- Các bệnh khác: Hội chứng Marfan, bệnh lupus, rối loạn mô liên kết có thể gây phình động mạch chủ, dẫn đến hở van.
- Chấn thương: Chấn thương ngực hoặc bóc tách động mạch chủ có thể làm thay đổi cấu trúc van động mạch chủ.
Các nguyên nhân gây hở van động mạch chủ khác:
- Sa lá van.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, dễ gây thủng van tim.
- Sa van động mạch chủ do thông liên thất.
- Các bệnh lý gây nên tình trạng giãn gốc động mạch chủ: phình động mạch chủ, tăng huyết áp kéo dài,…
- Các bệnh di truyền như hội chứng Marfan, bệnh Fallot 4 giai đoạn muộn.

Triệu chứng của hở van động mạch chủ
Các triệu chứng hở van động mạch chủ có thể xuất hiện từ từ hoặc đột ngột (do van bị nhiễm trùng), bao gồm:
- Đau ngực, khó chịu hoặc tức ngực, mức độ thường tăng lên khi vận động.
- Choáng váng, ngất xỉu.
- Mệt mỏi.
- Đánh trống ngực.
- Khó thở, nhất là khi hoạt động hoặc nằm xuống.
- Sưng phù bàn chân, cẳng chân hoặc bụng.
- Mạch nhanh, không đều, đánh trống ngực.
Biến chứng hở van động mạch
Bệnh hở van động mạch chủ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Suy tim do lượng máu từ động mạch chủ dội ngược về thất trái trong thời kỳ tâm trương kéo dài, làm cho thất trái giãn dần ra (gọi là quá tải thể tích thất trái), đến một lúc nào đó cơ tim không còn bù trừ được sẽ suy giảm co bóp và đưa đến triệu chứng suy tim.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng do dòng máu phụt ngược từ động mạch chủ về thất trái với vận tốc cao, dễ gây tổn thương lớp nội mạc tim, là nơi dễ cho vi khuẩn chu du trong dòng máu đến bám dính, gây nhiễm trùng hay áp-xe.
- Loạn nhịp tim do tim to, suy tim.
- Tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị hoặc phẫu thuật kịp thời, đưa đến suy tim không hồi phục.
Chẩn đoán hở van động mạch chủ
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán hở van động mạch chủ và xác định nguyên nhân. Các xét nghiệm đó là:
- Điện tâm đồ.
- Chụp X quang ngực.
- Thông tim.
- Chụp MRI hoặc CT tim.
- Siêu âm tim.
- Kiểm tra gắng sức tim.

Biện pháp điều trị bệnh
Duy trì lối sống lành mạnh
- Điều trị tốt các bệnh nhiễm khuẩn thông thường như viêm họng, viêm nướu lợi trước khi bệnh tiến triển thành sốt thấp khớp.
- Tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần, chia đều cho các ngày.
- Đảm bảo cân nặng ở mức lý tưởng, giảm cân nếu bị thừa cân, béo phì.
- Ăn uống khoa học: Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây tươi, cá biển, ngũ cốc nguyên cám… Đồng thời cắt giảm muối, đường và các thực phẩm giàu chất béo trong khẩu phần ăn hằng ngày.
- Không hút thuốc lá, thuốc lào; hạn chế uống nhiều bia rượu.
- Kiểm soát căng thẳng thông qua các hoạt động thư giãn, thiền, tập thể dục và trò chuyện cùng người thân và bạn bè.
- Tái khám sức khỏe tim mạch định kì 2 lần/năm.
Phẫu thuật điều trị hở van động mạch chủ
Quyết định sửa chữa hoặc thay thế van động mạch chủ bị hư tổn sẽ tùy thuộc vào triệu chứng, tuổi tác và thể trạng của từng người bệnh. Phẫu thuật có thể được tiến hành thông qua mổ hở hoặc qua đường ống thông tim.
- Sửa chữa van động mạch chủ: Bác sĩ phẫu thuật có thể tách các lá van bị dính, tạo hình, loại bỏ mô van thừa hoặc vá các lỗ trên van để van động mạch chủ có thể đóng chặt.
- Thay van động mạch chủ: Khi thay van động mạch chủ, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ van bị hỏng và thay thế bằng van cơ học làm từ kim loại hoặc van sinh học làm từ mô tim bò, lợn hoặc người hiến tặng.
Hở van động mạch chủ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đe dọa sức khỏe và tính mạng người bệnh. Do đó, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế khi có những dấu hiệu bất thường, có giải pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả. Đồng thời thiết lập lối sống khoa học giúp cải thiện tình trạng bệnh và phòng ngừa các nguy cơ gây hại tới sức khỏe.
Leave a reply