Hở van động mạch phổi xảy ra khi van động mạch phổi không được đóng chặt khiến cho máu từ tim khi bơm đến phổi không được ổn định. Phát hiện sớm các triệu chứng của hở van động mạch phổi sẽ giúp người bệnh có những phương pháp chữa trị kịp thời, cải thiện và phục hồi được sức khỏe.
Hở van động mạch phổi là bệnh gì?
Hở van động mạch phổi là tình trạng van này không đóng kín, khiến cho máu bị chảy ngược về tim thay vì được đưa lên phổi. Van động mạch phổi bị hở nhiều và trong thời gian dài sẽ làm làm giảm lượng máu giàu oxy đi nuôi cơ thể, khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi.
Hở van động mạch phổi (ĐMP) được chia làm 4 loại, phụ thuộc vào mức độ hở:
- Nhẹ: Hở van động mạch phổi 1/4.
- Trung bình: Hở van động mạch phổi 1.5/4 hoặc 2/4.
- Nặng: Hở van động mạch phổi 3/4.
- Rất nặng: Hở van động mạch phổi 3.5/4 hoặc 4/4.
Hở van động mạch phổi 3/4 trở lên rất hiếm khi xảy ra, chủ yếu gặp ở người bị bệnh tim bẩm sinh.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân phổ biến nhất gây hở van động mạch phổi là tăng huyết áp động mạch phổi hoặc có khuyết tật tim bẩm sinh (cụ thể là tứ chứng Fallot).
Các nguyên nhân ít gặp hơn gồm có:
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
- Biến chứng sau phẫu thuật điều trị tứ chứng Fallot.
- Giãn động mạch phổi vô căn.
- Bệnh van tim bẩm sinh.
- Hội chứng carcinoid.
- Sốt thấp khớp.
- Biến chứng sau khi đặt ống thông.
Hở van động mạch phổi nặng hiếm khi xảy ra và thường là kết quả của một khuyết tật tim bẩm sinh liên quan đến sự giãn nở của động mạch phổi cùng với van động mạch phổi.
Triệu chứng bệnh hở van động mạch phổi
Tình trạng này thường không có triệu chứng giúp phát hiện sớm bệnh. Các dấu hiệu liên quan thường được phát hiện qua thăm khám sức khỏe khi bác sĩ nghe thấy âm thanh lạ giữa nhịp đập của tim.
Khi tâm thất phải phì đại do tim phải hoạt động bù trừ vì van động mạch phổi bị hở thì người bệnh có thể nhận thấy những triệu chứng bất thường. Đến khi bệnh tiến triển thành suy tim sẽ gây ra những triệu chứng đáng chú ý như:
- Đau ngực hoặc khó chịu.
- Mệt mỏi.
- Chóng mặt.
- Ngất xỉu.
Biện pháp hẩn đoán bệnh hở van động mạch phổi
Do các bệnh nhân bị hở van động mạch phổi ở mức độ nhẹ thường không có triệu chứng nên người bệnh chỉ có thể phát hiện ra bệnh nhờ việc chủ động thăm khám.
Các phương pháp thường sử dụng trong chẩn đoán bệnh bao gồm:
- Siêu âm tim, siêu âm tim doppler: Giúp phát hiện dễ dàng các trường hợp hở van.
- Đo điện tâm đồ (ECG) có thể cho thấy dấu hiệu phì đại tâm thất phải.
- Chụp X-quang ngực để kiểm tra mức độ giãn rộng của tâm thất phải – bằng chứng của tăng áp động mạch phổi.
- Chụp cắt lớp vi tính đa dãy MSCT, chụp cộng hưởng từ MRI…có thể được sử dụng trong một số trường hợp cần thiết.
Điều trị bệnh hở van động mạch phổi
Điều trị thường tập trung vào điều trị nguyên nhân gây bệnh (như tăng huyết áp phổi) và hiếm khi cần thay van mới.
Thay van động mạch phổi là lựa chọn cuối cùng nếu các triệu chứng rối loạn chức năng thất phải do suy tim tiến triển nặng. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công và các rủi ro có thể gặp phải vấn chưa được đánh giá rõ ràng nên bác sĩ thường hạn chế chỉ định phẫu thuật này.
Một số nhóm thuốc được dùng để điều trị hở van tim giúp kiểm soát các triệu chứng, đề phòng biến chứng nghiêm trọng xảy ra bao gồm:
- Thuốc hạ huyết áp (bao gồm thuốc chẹn beta, chẹn kênh canxi): Giúp hạ huyết áp, ổn định nhịp tim, giảm gánh nặng cho tim.
- Thuốc làm loãng máu, ngăn ngừa hình thành cục máu đông: Làm giảm nguy cơ xuất hiện cục máu đông.
- Thuốc lợi tiểu: Giúp hạ huyết áp, giảm phù nề, tích nước, giảm gánh nặng cho tim. Thường được sử dụng khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn suy tim.
- Digoxin trợ tim: Thường dùng khi người bệnh đã chuyển sang giai đoạn suy tim.
Thay đổi lối sống
Những lưu ý trong thực đơn của người mắc bệnh hở van động mạch phổi:
- Hạn chế ăn mặn, giảm muối trong khẩu phần ăn để tránh tăng gánh nặng cho tim.
- Ăn ít mỡ động vật, vì trong loại mỡ này có chứa nhiều chất béo có hại. Các loại thịt đỏ thịt lợn, thịt bò… có hàm lượng cao chất béo bão hòa, làm tăng nồng độ cholesterol trong máu
- Bổ sung cá trong khẩu phần ăn
- Tăng cường chất xơ bằng cách bổ sung các loại trái cây, rau quả tươi.
- Uống đủ nước, các chuyên gia khuyên bạn nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
- Tránh lo lắng, căng thẳng, ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi ngày.
- Tránh sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê…
- Tập luyện thể dục vừa sức thường xuyên.