Hở van tim là một trong những bệnh lý về tim mạch phổ biến và nguy hiểm, thường gặp ở mọi lứa tuổi. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, các biến chứng của bệnh sẽ phát triển vô cùng nhanh chóng và có thể gây tử vong bất cứ khi nào.
Hở van tim là bệnh gì?
Van tim của con người thực tế không khác van một chiều trong hệ thống máy bơm, có tác dụng lưu thông máu theo một chiều, máu sẽ từ tĩnh mạch chạy về tim và đi ra động mạch mà không thể chảy theo chiều ngược lại.
Nếu không có van tim, tim sẽ không thể đẩy máu đi nuôi cơ thể vì lúc đó máu sẽ lưu thông hai chiều còn khi van tim bị hở quá trình lưu thông máu trở nên khó khăn hơn.
Bệnh hở van tim là tình trạng các van tim đóng lại không kín, khiến dòng máu trào ngược trở lại buồng tim mỗi khi tim co bóp. Hở van tim sẽ làm quá trình lưu thông máu trở nên khó khăn hơn.
Do đó, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp khối lượng máu bị thiếu do trào ngược. Bệnh được chia thành 4 loại, tương ứng với 4 van tim:
- Hở van 2 lá: Máu trào ngược từ tâm thất trái về tâm nhĩ trái.
- Hở van 3 lá: Máu trào ngược từ tâm thất phải về tâm nhĩ phải.
- Hở van động mạch chủ: Máu trào ngược từ động mạch chủ về tâm thất trái.
- Hở van động mạch phổi: Máu trào ngược từ động mạch phổi về tâm thất phải.
Với mỗi dạng hở van tim sẽ kèm theo 4 mức độ hở van 1/4, 2/4, 3/4 và 4/4. Mức độ hở 4/4 là nặng nhất, kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm với sức khỏe của người bệnh.
Nguyên nhân gây hở van tim
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây hở các van tim bao gồm:
- Di truyền: Những người có người thân bị mắc các bệnh lý tim mạch dễ có nguy cơ mắc bệnh này.
- Tuổi tác: Khi tuổi càng cao, cấu trúc van tim có thể thay đổi, sự linh hoạt của van tim cũng giảm đi. Sự vôi hóa canxi và các chất lắng đọng khiến các nắp van không thể đóng kín hoàn toàn, khiến van tim dễ bị hở.
- Bẩm sinh: Nhiều trường hợp bị van tim bị hở bẩm sinh do những khiếm khuyết từ lúc hình thành bào thai.
- Sốt thấp khớp: Người bệnh bị nhiễm khuẩn Streptococus nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến tổn thương bị van tim.
- Mắc một số bệnh như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, cơ tim giãn nở, viêm nội tâm mạc, phình động mạch chủ,… có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hở van tim.
- Đứt, giãn các các dây chằng và phần cơ giữ van tim.
Ngoài ra có rất còn rất nhiều nguyên nhân khác gây ra các tổn thương ở van tim mà chỉ có thể xác định được cụ thể và chính xác bởi các bác sĩ chuyên khoa cùng những thiết bị hiện đại. Vì thế, khi có các dấu hiệu nghi ngờ, bạn nên đến ngay chuyên khoa tim mạch của các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị.
Những triệu chứng của bệnh
Bệnh hở van tim có triệu chứng khá đa dạng, phụ thuộc vào mức độ hở của van tim. Với hở van mức độ 1/4, người bệnh gần như không có triệu chứng, rất khó phát hiện. Vì vậy, tình trạng này còn gọi là hở van sinh lý, thường ít gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Từ hở van mức độ 2/4 thì người bệnh có thể gặp những triệu chứng như:
- Khó thở, đặc biệt là khi nằm hay hoạt động mạnh, có thể có cơn khó thở về đêm.
- Mệt mỏi kéo dài liên tục ngay cả khi không hoạt động (giảm khả năng gắng sức).
- Tim đập nhanh, đánh trống ngực liên tục ngay cả khi không hoạt động.
- Ho khan, nhất là về đêm.
- Không nằm thấp đầu được.
- Choáng ngất.
- Phù mắt cá chân hoặc bàn chân.
Người bệnh hở van mức độ 2/4 ở giai đoạn đầu thường không thấy những biểu hiện rõ ràng. Khi mức độ hở van tăng lên 3/4, bệnh tiến triển qua nhiều năm, thường sẽ xuất hiện triệu chứng hoặc biến chứng như suy tim, rối loạn nhịp tim,… Nguy cơ suy tim ở người bệnh hở van ở mức 4/4 thường cao hơn so với 3 mức độ còn lại. Ngoài ra, bệnh nhân ở mức độ này còn có thể bị rối loạn nhịp tim, phù phổi, sốc tim…
Biến chứng nguy hiểm của việc bị hở van tim
Bệnh hở van tim nói riêng và các bệnh ở tim mạch nhìn chung đều gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Những biến chứng phổ biến của bệnh rất đa dạng, phổ biến là các biến chứng liên quan tới chức năng hoạt động của tim, bên cạnh đó van tim bị hở cũng có thể làm suy giảm chức năng của nhiều cơ quan khác.
- Suy tim: Đây là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân có van tim bất thường do tim phải hoạt động nhiều hơn để bù đắp lượng máu bị thiếu hụt. Lâu ngày, buồng tim bị giãn và dẫn đến suy tim.
- Rối loạn nhịp tim: Đây là tình trạng nhịp tim đập bất thường, khi quá nhanh (tần số >100 lần/phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/phút), nhịp tim không đều hoặc lúc nhanh lúc chậm. Rối loạn nhịp tim là nguyên nhân của 80% trường hợp đột tử.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, biến chứng thường gặp ở hở van động mạch chủ, tình trạng này xảy ra do dòng máu phụt ngược từ động mạch chủ về thất trái, dễ gây tổn thương lớp nội mạc tim. Khu vực này lại là nơi vi khuẩn dễ dàng bám dính, gây nhiễm trùng hay áp-xe.
- Tai biến mạch máu não: Người bệnh hở van tim gặp phải các biến chứng suy tim, giãn buồng tim, rối loạn nhịp tim sẽ tạo điều kiện hình thành các cục máu đông đi đến não, gây ra tai biến mạch máu não.
Chuẩn đoán và điều trị
Chuẩn đoán bệnh
Khám lâm sàng:
- Ống nghe tim: Hở van tim thường tạo ra âm thanh là tiếng thổi do dòng chảy bất thường của máu.
- Các triệu chứng mà người bệnh đang mắc phải.
- Tiền sử gia đình, bệnh lý.
Khám cận lâm sàng:
- Điện tâm đồ.
- Chụp X-quang ngực.
- Siêu âm Doppler tim.
- Thông tim.
Một số xét nghiệm cận lâm sàng khác: Chụp cộng hưởng từ, chụp CT scanner ngực, xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu, chụp cắt lớp đa dãy…
Khi người bệnh được chẩn đoán sớm, van tim chưa bị hở nhiều, ít biến chứng, hiệu quả điều trị và cơ hội kéo dài tuổi thọ sẽ cao hơn so với khi phát hiện ở giai đoạn hở nặng. Khi các lá van đã bị hư hỏng nghiêm trọng, nguy cơ đột tử có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Do đó, khi người bệnh đã được chẩn đoán van tim bị hở ở mức độ bệnh lý (hở van mức độ vừa đến nhiều), người bệnh cần chú ý theo dõi và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.
Điều trị hở van tim
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, diễn tiến của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân cụ thể.
Hở van tim ở giai đoạn nhẹ
- Dùng thuốc: Thuốc lợi tiểu (furosemide, hydroclorothiazide, spironolactone), Digitalis, thuốc làm giảm hậu gánh, thuốc giãn mạch nhóm nitrate, thuốc chống đông máu, thuốc chẹn beta giao cảm…
- Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và làm việc phù hợp như ăn uống giảm muối, giảm mỡ, hạn chế bia rượu, thuốc lá và không lao động quá sức để sống hòa bình với bệnh.
Khi sử dụng thuốc, cần tuân thủ đúng liều lượng và chỉ định của bác sĩ. Tránh ngưng sử dụng hoặc sử dụng loại thuốc khác vì có thể ảnh hưởng đến phác đồ điều trị. Nếu xảy ra bất kỳ dấu hiệu khác thường, cần tái khám hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ sớm.
Hở van tim nặng
Trường hợp van tim bị tổn thương nặng, có nguy cơ suy tim, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị can thiệp:
- Phẫu thuật sửa van tim: Bác sĩ dựa vào tình trạng hở van tim mà có cách can thiệp như cắt hoặc khâu để các lá van khép kín với nhau.
- Phẫu thuật thay van tim: Áp dụng khi phẫu thuật sửa van tim không có hiệu quả. Bác sĩ cắt bỏ van tim và thay thế bằng van tim nhân tạo (van tim cơ học hoặc van tim sinh học).
Phương pháp phòng ngừa bệnh
- Có lối sống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý và thường xuyên tập luyện thể dục.
- Thường xuyên kiểm tra huyết áp và điều trị tốt bệnh huyết áp cao.
- Không hút thuốc, bia rượu và các chất kích thích, gây nghiện.
- Giảm cân nếu béo phì.
- Cân bằng giữa cuộc sống và công việc để loại bỏ căng thẳng.
- Tránh lo nghĩ quá nhiều vì có thể ảnh hưởng tới bệnh.
- Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt trong bữa ăn hằng ngày. Tránh sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp, nhiều đường, giàu chất béo.
- Giảm muối trong chế độ ăn uống mỗi ngày để tránh tim làm việc quá sức và giảm hiện tượng tăng huyết áp.
Bệnh hở van tim khó chữa khỏi nhưng người bệnh có thể giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm nếu điều trị đúng cách. Ngoài ra, cần chủ động tầm soát tim mạch định kỳ 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần để phát hiện bệnh sớm, theo dõi tình trạng bệnh và có biện pháp dự phòng phù hợp.
Leave a reply